Thứ Năm, 28/11/2024 11:53 SA
Truyền thông giáo dục sức khỏe:
Cần tư duy mới
Thứ Hai, 20/01/2014 09:58 SA

Truyền thông nói chung, truyền thông giáo dục sức khỏe (TTGDSK) nói riêng có vai trò hết sức quan trọng trong chuyển đổi nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi của người dân trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, đặc biệt trong các hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe.

 

kich140120.jpg

Kịch tương tác - một phương pháp truyền thông hiệu quả trong giáo dục sức khỏe - Ảnh: T.THỦY

Cùng với các hoạt động khác, TTGDSK đã và đang góp phần khống chế dịch bệnh, nâng cao sức khỏe, tăng tuổi thọ cho người dân từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Ở Việt Nam nói chung, Phú Yên nói riêng, mô hình bệnh tật đang thay đổi. Từ các bệnh nhiễm trùng, ký sinh trùng, suy dinh dưỡng chiếm tỉ lệ cao đang chuyển dần sang mô hình bệnh tật với các bệnh về rối loạn chuyển hóa, tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp và các bệnh liên quan đến hành vi cá nhân, thay đổi môi trường... Hơn nữa, trong thời gian gần đây trên phạm vi toàn cầu có những bệnh lạ xuất hiện. Nhiều vi sinh vật tồn tại trong các vật chủ khác không gây bệnh cho người, “bỗng nhiên” có sự biến đổi gen và gây bệnh rất nặng, tỉ lệ tử vong cao như: cúm A/H5N1, cúm A/H7N9, liên cầu khuẩn lợn, Hanta Virus. Cũng có những dịch bệnh, chúng ta tưởng chừng sắp khống chế, thậm chí dập tắt được thì đến nay lại diễn biến phức tạp như: sốt xuất huyết, sốt rét... Trước sự thay đổi của mô hình bệnh tật, hoạt động dự phòng và đặc biệt là TTGDSK đòi hỏi phải có sự thay đổi.

 

Trong các hội nghị về dự phòng, một số nhà khoa học ở nước ta có nhận xét: Chúng ta dập dịch tốt, nhưng dịch cứ đến hẹn lại lên. Điều đó đồng nghĩa công tác chống dịch được thực hiện tốt, còn phòng dịch thì còn nhiều vấn đề bàn cãi. Theo các nhà y học xã hội, nếu bỏ 1 đồng cho hoạt động dự phòng sẽ giảm được 4 đồng cho chi phí điều trị. Như vậy, nếu chúng ta làm tốt công tác dự phòng sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc phòng, chống dịch bệnh cũng như về phương diện kinh tế.

 

Đứng trước những biến đổi khí hậu, thay đổi của mô hình bệnh tật, trước sự “đột biến” của các tác nhân gây bệnh, đòi hỏi chúng ta cần có tư duy mới trong hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bệnh. Hoạt động TTGDSK có hiệu quả cao chắc chắn sẽ góp phần rất lớn để phòng, chống dịch bệnh, từ đó giảm đáng kể nguồn chi cho công tác chống dịch và điều trị bệnh, giảm tải cho các tuyến điều trị.

 

Để thực hiện TTGDSK cần hội đủ các điều kiện như: Nguồn truyền thông, nội dung truyền thông, phương pháp truyền thông, phương tiện tuyền thông, đối tượng tiếp nhận. Trong giai đoạn hiện nay cần có tư duy mới về TTGDSK, nghĩa là cần đổi mới tất cả yếu tố trên.

 

Trước hết phải xác định công tác TTGDSK là trách nhiệm, nghĩa vụ của cộng đồng chứ không chỉ có cán bộ y tế, bởi dịch bệnh không trừ một ai nếu không biết các biện pháp phòng, chống bệnh. Vì vậy, mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư đều phải có trách nhiệm triển khai, thực hiện công tác TTGDSK cho gia đình, cộng đồng mình.

 

Thứ hai, nội dung truyền thông phải phù hợp với từng giai đoạn, từng cộng đồng dân cư, phải căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương về điều kiện sống, văn hóa, điều kiện dịch tễ để đưa ra nội dung truyền thông phù hợp. Vì mỗi vùng đều có điều kiện sống khác nhau nên mô hình bệnh tật cũng khác nhau, chúng ta truyền thông những điều mà người dân cần chứ không nói những điều mà ta biết. Ví dụ, ở vùng núi cần truyền thông những bệnh thường xảy ra; vùng sông nước bên cạnh truyền thông phòng, chống bệnh nói chung nên truyền thông nhiều về các biện pháp phòng, chống đuối nước; ở những vùng nhiều khu công nghiệp cần chú trọng truyền thông phòng, chống các bệnh nghề nghiệp hay vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm chú trọng truyền thông phòng, chống lây bệnh từ gia súc, gia cầm sang người… Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay chúng ta phải chú trọng truyền thông nguy cơ (tức là truyền thông để phòng, chống các bệnh có thể xảy ra trong tương lai gần hay xa); chú trọng đến dự báo khả năng dịch bệnh có thể xảy ra.

 

Thứ ba, tăng cường truyền thông trực tiếp bởi nó làm thay đổi hành vi của con người tốt hơn so với truyền thông gián tiếp. Hơn nữa truyền thông trực tiếp dễ thực hiện, không đòi hỏi phương tiện, có thể tiến hành trong bữa ăn hay khi lao động sản xuất. Nhiều nhà truyền thông cho biết, 80% thông tin mà mỗi người nhận được là qua tuyên truyền miệng. Như vậy, phương pháp truyền thông phải linh hoạt tùy theo điều kiện và khả năng của từng nơi để thực hiện. Ở những nơi có điều kiện thì phối hợp cả 2 phương pháp truyền thông trực tiếp và gián tiếp.

 

Thứ tư, phương tiện truyền thông cần thiết, phù hợp với các vùng và bảo đảm phát huy có hiệu quả. Ở những vùng khó khăn, phát huy tối đa các phương tiện như: loa tay, loa điện, băng đĩa cassette; tăng cường sử dụng các pano, áp phích, sách lật, tờ rơi để hỗ trợ cho hoạt động TTGDSK...

 

Thứ năm, cần phải xác định đúng đối tượng tiếp nhận để TTGDSK. Điều này trong truyền thông trực tiếp đòi hỏi người làm công tác truyền thông phải chọn lọc đúng đối tượng để tác động có hiệu quả. Cụ thể, để truyền thông vận động chính sách cho một cộng đồng, địa phương nào đó thì đối tượng tác động sẽ là lãnh đạo cộng đồng địa phương đó. Còn truyền thông phòng, chống dịch bệnh thì đối tượng sẽ là tất cả người dân trong cộng đồng; truyền thông phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em thì đối tượng chính là các bậc phụ huynh.

 

BS NGUYỄN VINH QUANG

Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek