Dịch đau mắt đỏ đang lan rộng trên địa bàn Phú Yên và nhiều nơi trên cả nước, chính vì vậy chúng ta cần phải có những thông tin mới nhất về dịch bệnh này. Bài viết sau đây sẽ cung cấp những câu hỏi thường gặp về bệnh đau mắt đỏ. Hi vọng mọi người sẽ có những cách phòng tránh tốt nhất để bảo đám sức khỏe cho mình và người thân.
Đau mắt đỏ là căn bệnh mà trẻ em hay mắc phải.
Kinh nghiệm để nhanh khỏi bệnh đau mắt đỏ
Ngay khi phát hiện có dấu hiệu đau mắt đỏ, hãy lấy bông sạch nhúng nước ấm lau sạch, sau đó đưa bệnh nhân đi khám bệnh. Sau khi khám bệnh hãy tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ như uống thuốc và nhỏ mắt theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, trong 2 giờ liền, cứ 5 phút lại dùng nước ấm vệ sinh mắt cho bệnh nhân. Đặc biệt không được dụi mắt vì sẽ gây tổn thương mắt cũng như gây nhiễm trùng cho mắt. Nếu bệnh nhân là trẻ em thì nên dỗ dành bé, và để người lớn chăm sóc. Cho bé nghỉ 3 ngày theo như khuyến cáo của nhà trường. Tăng cường cho bé uống nước cam và ăn sữa chua để đảm bảo vitamin.
Cách phòng tránh trước và sau khi bị đau mắt đỏ
Bác sĩ Phí Duy Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt TP HCM cho biết, đau mắt đỏ lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh như nước bọt, ghèn mắt, nước mắt… do dùng chung khăn mặt với người bệnh hoặc tay người nào đó có dính dịch tiết đau mắt đỏ đụng vào mắt người khác; qua những hạt tiết tố nhỏ li ti khi bệnh nhân ho hoặc nhảy mũi; qua những vật dụng nhiễm nguồn bệnh (tay nắm cửa, điện thoại, khăn…); qua nước bị nhiễm khuẩn (ví dụ nước hồ bơi)...
Bởi lây theo đường hô hấp, nên việc một người đau mắt đỏ lây cho cả nhà là rất phổ biến. Do đó, nếu gia đình phải dùng chung một bồn tắm thì nay có người mắc bệnh mỗi người nên tự tắm trực tiếp ở vòi nước với chậu, xô riêng, không dùng bồn tắm chung nữa. Nếu cách ly người bệnh được thì càng tốt. Để tránh lây lan do tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua tay, qua những vật dụng hàng ngày như khăn rửa mặt, đồ chơi, bát ăn, cốc uống… nên cho người bệnh được ăn riêng, uống ly riêng, ngủ riêng.
Nên dùng khăn mặt riêng và giặt bằng xà phòng trực tiếp dưới vòi nước (không dùng lavabo hay chậu), phơi khăn ngoài nắng, giữ vệ sinh môi trường trong lành. Những đồ vật như tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, điện thoại, điều khiển tivi, quạt… là những vật dễ lây truyền bệnh, vì vậy sau khi chạm vào phải rửa tay bằng xà phòng, tránh đưa tay lên dụi mắt, sờ vào mũi, miệng. Đặc biệt, không dùng chung một lọ thuốc nhỏ mắt cho cả nhà. Rửa tay với xà phòng sát khuẩn là một biện pháp phòng bệnh rất hữu hiệu.
Những người đang bị đau mắt đỏ không nên đến chỗ đông người mà ở nhà nghỉ ngơi để tránh lây lan và để có thời gian nhỏ thuốc. Nếu cần tiếp xúc với những người xung quanh, người bệnh nên đeo khẩu trang để hạn chế nước bọt bắn ra khi nói chuyện, khi ho... Sau khi khỏi bệnh hãy tiến hành tổng vệ sinh như giặt khăn mặt, chăn đệm, gối, tấm trải.
Nhìn nhau có lây bệnh đau mắt đỏ?
Bệnh đau mắt đỏ do virút gây nên, được biểu hiện bằng mắt đỏ và có ghèn, thường đỏ một mắt trước sau đó lan qua mắt thứ hai. Đa số tự khỏi sau 7 – 14 ngày. Bệnh hiện vẫn chưa có thuốc nhỏ ngừa.
Cách lây truyền bệnh thường gặp là qua nước mắt (có chứa virus); qua vật dụng nhiễm nguồn bệnh (tay nắm cửa, điện thoại, khăn…); qua nước bị nhiễm khuẩn (như nước hồ bơi). Vì vậy, nhìn nhau không lây mắt đỏ.
Một số điều nên làm khi bị đau mắt đỏ: đeo kính râm; nhỏ dung dịch nước muối đẳng trương (NaCl 0,9%) hoặc nước mắt nhân tạo; có thể dùng thuốc nhỏ kháng sinh ngừa bội nhiễm; chườm lạnh giúp giảm sưng và mang lại cảm giác dễ chịu; giữ vệ sinh cá nhân; rửa tay với xà phòng sát khuẩn đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa lây bệnh cho người khác. Nếu bệnh diễn tiến bất thường, nên sớm đến bệnh viện để được điều trị kịp thời, đúng cách.
Bà bầu đau mắt đỏ, liệu có đáng lo ngại?
Bà bầu không cần phải lo lắng quá nếu bị lây đau mắt đỏ. Nhiễm virus trong thời kỳ thai nghén đều có thể có nguy cơ ảnh hưởng đến thai. Tuy nhiên, với các trường hợp đau mắt đỏ, khả năng gây ảnh hưởng đến thai rất thấp. Điều lo lắng nhất là bà bầu dính đau mắt đỏ lại không đi khám bác sĩ mà tự ý dùng thuốc, khi đó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi”. Với phụ nữ mang thai, các bác sĩ nhãn khoa có thể kê hai loại thuốc đó là: Hylene và Toeyecin là thuốc được chỉ định có thể sử dụng cho bà bầu. Liều lượng sử dụng cũng như số ngày điều trị cũng cần được bác sỹ kê đơn phù hợp với tình trạng bệnh.
Theo bác sĩ Cương, người bệnh không nên tự ý tra thuốc bừa bãi, bệnh không khỏi mà còn nặng lên. Nhiều người thường hay mua hai loại thuốc là Clodexa và Nemydexa mà không biết các thuốc này có chứa chất gây giảm miễn dịch mắt. Ngoài ra, có trường hợp không phải bị đau mắt đỏ thông thường mà do vi khuẩn, viêm loét giác mạc thì nhỏ thuốc vào càng làm bệnh trở nên trầm trọng hơn, có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
Bác sĩ cũng khuyến cáo chị em bầu: “Xông lá trầu không hoặc đắp cây lá bỏng để chữa bệnh đau mắt đỏ rất nguy hiểm, có thể gây bỏng giác mạc. Khi xông hoặc đắp xong, người bệnh có cảm giác dễ chịu, đỡ cộm nghĩ nó có tác dụng chữa bệnh. Nhưng ngược lại, sau đó mắt sẽ càng sưng, phù nề, đau nhức, thậm chí là chảy máu. Lý do là vì các loại lá này chứa tinh dầu nóng, gây bỏng mắt. Bệnh viện đã từng tiếp nhận trường hợp người bị đau mắt đỏ lai rai đến tận 2 tháng vì chữa bệnh bằng các cách dân gian thay vì dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ”.
Với bà bầu, bác sĩ khuyến cáo không nên đến nơi có người đang đau mắt đỏ, vì bệnh này rất dễ lây. Mặc dù nước muối sinh lý không có tác dụng điều trị đau mắt đỏ nhưng bà bầu có thể sử dụng nước để rửa trôi mầm bệnh, rửa trôi chất tiết và gỉ mắt, làm êm dịu đôi mắt đang cộm rát khó chịu. Với người chưa mang bệnh thì sử dụng nước muối sinh lý có tác dụng rất tốt trong việc phòng ngừa đau mắt đỏ. Nếu chẳng may bị bệnh đau mắt đỏ trong thời kỳ mang thai nhất thiết phải đi khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mắt, tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc. Bà bầu cần đeo kính râm, khẩu trang và rửa tay thường xuyên, không dụi tay lên mắt để ngăn chặn bệnh nặng lên và giảm thiểu khả năng lây bệnh cho những người xung quanh.
Đau mắt đỏ lây qua hơi thở không ?
Đau mắt đỏ chủ yếu lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với dịch nhờn từ mắt (dử mắt) qua tay bệnh nhân hoặc qua các vật dụng trung gian như: Khăn mặt, chậu rửa, tay nắm cửa, đồ chơi, chăn gối… Khi người bệnh lấy tay dụi mắt rồi cầm vào những vật dụng thì virus lưu lại và truyền cho những người khác khi họ tiếp xúc sau đó.
Ngoài ra, bệnh có thể lây qua hơi thở và nước bọt người mang mầm bệnh như nói chuyện quá gần, ho, hắt hơi... Nếu một người trong nhà bị đau mắt đỏ, dù có tránh chạm mặt trò chuyện nhưng sau đó họ vẫn có thể lây do virus từ hơi thở bệnh nhân phát tán vào không khí. Hoặc mọi người làm việc cùng trong phòng điều hòa vẫn có thể lây bệnh. Do đó, khi bị đau mắt đỏ nên hạn chế đến nơi đông người để tránh lây bệnh cho người khác.
Tiến sĩ bác sĩ Vũ Tuệ Khanh, Khoa Kết giác mạc (Bệnh viện Mắt Sài Gòn – Hà Nội I) cho biết, đây là bệnh do virus nên dễ lây thành dịch nơi công cộng như trường học, nơi làm việc. Bệnh đau mắt đỏ có miễn dịch ngắn hạn nên chỉ sau thời gian ngắn người bệnh khỏi có thể vẫn bị tái nhiễm. Nước bể bơi cũng là nơi truyền bệnh đau mắt đỏ rất nhanh. Khi có một người bị đau mắt đỏ đi bơi ở đó, virus gây bệnh sẽ tồn lưu trong nước một thời gian và lây truyền cho những người khác. Ngoài ra các bạn tham khảo thêm cách chăm sóc khi bị đau mắt đỏ nhé!
L.HỘI (tổng hợp từ Tinmoi- Doisongphapluat)