Sốt xuất huyết (SXH) là căn bệnh truyền nhiễm gây dịch. Đây là bệnh hết sức nguy hiểm có thể bùng phát thành dịch và tử vong nếu không khống chế kịp thời và có các biện pháp điều trị hiệu quả.
Phun thuốc diệt muỗi vằn tại hộ gia đình ở phường 6 (TP Tuy Hòa) - Ảnh: T.THỦY
Mặc dù các hoạt động phòng, chống SXH ở Phú Yên được triển khai thực hiện hết sức quyết liệt, nhưng tại sao vẫn không dập tắt được SXH? Để tìm lời giải cho vấn đề này quả không đơn giản.
Về lý thuyết, bất kỳ một dịch bệnh nào nếu biết được nguyên nhân gây bệnh, đường truyền và các biểu hiện của bệnh thì sẽ tìm ra biện pháp điều trị và khống chế hiệu quả. Với SXH khi đã biết nguyên nhân, đường lây, cách điều trị và trên thực tế chúng ta đã triển khai quyết liệt nhưng dịch bệnh vẫn không được dập tắt hẳn. Lý do tại sao là điều làm đau đầu các nhà quản lý cũng như những người làm chuyên môn y tế. Trong thời gian qua, ngành Y tế Phú Yên đã triển khai nhiều hoạt động như: tuyên truyền, vận động để nâng cao kiến thức cho người dân trong phòng, chống SXH, tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, đổ bọ gậy, phun thuốc diệt muỗi và nhiều biện pháp khác, tốn nhiều công sức cũng như hóa chất, thuốc men, nhưng dịch bệnh vẫn chưa được dập tắt hẳn.
Qua khảo sát cho thấy người dân có kiến thức khá đầy đủ về phòng, chống SXH, hiểu rất rõ để khống chế và dập tắt SXH thì cần thực hiện vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở; đổ nước trong các dụng cụ chứa nước để không có chỗ cho muỗi đẻ trứng; không để muỗi đốt bằng cách mặc áo dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày; xua và diệt muỗi bằng phun hóa chất, dùng nhang muỗi hay dùng vợt điện diệt muỗi. Khi có các dấu hiệu của bệnh SXH như sốt cao đột ngột, kèm nhức mỏi mình, đau mỏi cơ thì đến cơ sở y tế để được khám và điều trị...
Thực tế tại cộng đồng vì lý do này hay lý do khác, nhiều người vẫn không thực hiện hay thực hiện không đầy đủ các biện pháp mà ngành Y tế khuyến cáo. Cụ thể như vệ sinh môi trường không đồng bộ, hôm nay làm ở khu vực này, hôm sau làm ở khu vực khác, hoặc đổ bọ gậy ở cộng đồng này tuần này, tuần sau ở cộng đồng khác… như vậy sẽ không diệt được muỗi một cách triệt để. Bởi vì muỗi vằn có thể di chuyển từ chỗ đang làm vệ sinh sang “tránh né” ở địa bàn khác, khi đã “yên” muỗi di chuyển lại nơi cũ. Hoặc là diệt bọ gậy ở nơi này xong, thì bọ gậy ở nơi khác đã kịp phát triển thành muỗi và bay đến để đẻ trứng tạo nên vòng lẩn quẩn. Hơn nữa, trong cộng đồng dân cư có dịch SXH, khi triển khai các biện pháp bao vây dập dịch có hộ tham gia, có hộ không làm, mà chỉ cần một trong hàng trăm hộ không làm thì muỗi có cơ hội sinh sôi nảy nở. Ví dụ trong 100 hộ gia đình có 99 hộ đổ bọ gậy, còn một hộ không đổ bọ gậy thì nguy cơ muỗi phát triển từ hộ đó đến cư trú ở các hộ gia đình khác là tất yếu. Khi phun thuốc diệt muỗi chỉ cần bỏ sót một nhà không phun thì nguy cơ muỗi ở những nhà đã phun tìm đến “nấp” tại nhà không phun, cho đến khi “gió yên, biển lặng” lại quay về chốn cũ... Chính những nguyên nhân này có thể lý giải tại sao dịch SXH vẫn cứ tồn tại dai dẳng mà không tắt hẳn.
Những cán bộ y tế hoạt động trên lĩnh vực dự phòng, trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia các chiến dịch phòng, chống SXH đã nhiều phen “dở khóc, dở cười” trước các biểu hiện có thật tại cộng đồng. Chẳng hạn như khi phát động chiến dịch vệ sinh môi trường ở địa phương này thì phần lớn người dân tham gia, một số khác không tham gia do gia đình vắng chủ, hay chủ nhà đang bận rộn công việc khác, mà chiến dịch không thể đợi cũng như không thể vào nhà các gia đình này để làm vệ sinh, đổ bọ gậy thay cho chủ nhà được. Hay khi đi phun thuốc, một số gia đình viện lý do này hay lý do khác không cho phun, cũng có trường hợp gia chủ không cho đổ nước trong các dụng cụ chứa nước, vì theo họ nước hiếm nên họ phải trữ nước, cũng có trường hợp chứa nước để lấy bọ gậy cho cá ăn nên không chịu đổ nước...
Những thực tế đó cho thấy, bên cạnh các biện pháp đã và đang triển khai để phòng, chống SXH như hiện nay thì các cơ quan chức năng cần có các biện pháp hữu hiệu để mọi người đều tham gia vào các hoạt động phòng, chống SXH. Cụ thể, việc triển khai các đợt vệ sinh môi trường, đổ bọ gậy phải đảm bảo làm đồng loạt, đồng bộ, kết hợp truyền thông với diệt bọ gậy, đảm bảo 100% người dân, hộ gia đình tham gia. Những hộ gia đình không tham gia vệ sinh, đổ bọ gậy phải có hình thức xử lý như phạt lao động công ích hay phạt bằng tiền. Đối với các cán bộ viên chức trong các cơ quan, đơn vị nếu không thực hiện nghiêm túc thì không xét thi đua, không xét nâng lương kỳ… có như vậy mới hy vọng dập tắt được SXH một cách bền vững.
BS NGUYỄN VINH QUANG
GĐ Trung tâm TTGDSK Phú Yên