Theo thông báo của Bộ NN-PTNT, chỉ trong vòng 8 tháng đầu năm 2013, trên cả nước có tới 175.000 người bị chó cắn, trong đó 63 người bị chết vì bệnh dại. Hiện nay nguy cơ lây lan bệnh dại trong cộng đồng rất cao.
Cũng theo Bộ NN-PTNT, cả nước hiện có khoảng 10 triệu con chó, trong đó 60% được tiêm phòng dại; 4 năm gần đây có hơn 500 con chó bị bệnh dại được ghi nhận.
Ở Phú Yên tuy chưa có số liệu thống kê đầy đủ về số lượng chó nuôi, chó hoang và chó chạy rông, số chó được tiêm chủng... nhưng số chó thả chạy rông không phải là hiếm. Đây chính là nguy cơ chó cắn người và chó bị dại truyền bệnh cho người.
Bệnh dại xuất hiện là do virut dại từ tuyến nước bọt của chó lây sang cho người. Thời kỳ ủ bệnh của bệnh dại rất khác nhau tùy theo vết cắn và độc lực của virut, có thể từ 10 ngày đến 1 năm (trung bình từ 20 đến 60 ngày). Nếu vết cắn ở gần thần kinh trung ương, độc lực của virut dại mạnh thì thời kỳ ủ bệnh ngắn hơn các nơi khác. Trước khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh thì có thể có các triệu chứng như lo lắng, thay đổi tính tình, đau nơi vết cắn. Thời kỳ toàn phát của bệnh, thông thường có 2 thể bệnh là thể hung dữ và thể liệt. Khi đã lên cơn dại thì vô phương cứu chữa, vì vậy phòng bệnh là biện pháp tốt nhất.
Mọi người cần thực hiện các biện pháp như sau:
Người nuôi chó phải tuân thủ các quy định của cơ quan thú y, vệ sinh cho chó, tiêm chủng, không thả chó chạy rông; mỗi lần thả chó ra ngoài phải đeo rọ mõm, có dây xích cho chó và có chủ dẫn đi; chó ở trong nhà phải xích cột cẩn thận để không cắn khách vào nhà...
Cơ quan chức năng kiên quyết xử lý chó chạy rông. Mọi người không nên đứng gần chó chạy rông. Khi thấy chó chạy rông có các biểu hiện bất thường thì báo cho cơ quan chức năng.
Nếu bị chó cắn hoặc liếm vào vết thương (ngay cả chó con cắn, liếm) hoặc chó cắn vào vùng gần thần kinh trung ương (đầu, mặt, cổ...); chó cắn xong chạy mất hoặc chó bị đánh chết, chó đang ốm thì phải tiêm ngay huyết thanh chống virut dại và tiêm cả vaccin dại. Trước hết, cần nhanh chóng rửa vết thương thật kỹ bằng xà phòng và rửa lại thật sạch vết thương bằng nước sạch, sát khuẩn bằng cồn hoặc bêtadin để phòng nhiễm khuẩn vết thương, sau đó khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế để khâu vết thương (nếu bị rách nhiều).
Nếu sau khi chó cắn mà con chó vẫn bình thường, chúng ta cần nhốt chó để theo dõi chó (phải chăm sóc chó cẩn thận không để chó đói chết). Sau 10 ngày, nếu chó vẫn bình thường thì không cần thiết tiêm vaccin dại. Nhưng nếu sau 10 ngày mà con chó đó bị chết thì phải tiêm vaccin dại đủ liều. Vì vậy, những người bị chó cắn nghi dại cần đến các trung tâm y tế dự phòng để được hướng dẫn.
BS NGUYỄN VINH QUANG
GĐ Trung tâm TTGDSK Phú Yên