Hỏi: Vừa rồi các phương tiện truyền thông đưa tin về vụ sữa bột nghi bị nhiễm khuẩn botulinum, khiến nhiều hãng sữa phải thu hồi hàng tấn sản phẩm. Bác sĩ có thể cho biết thêm loại vi khuẩn đó có thể đến từ đâu và gây bệnh nguy hiểm như thế nào khiến người dân phải lo lắng.
Trần Văn Dũng xã Hòa Thành (Đông Hòa)
Trả lời: Botulinum, tên đầy đủ là Clostridium botulinum, là một nhóm các vi khuẩn hiện diện nhiều trong đất. Đây là loài vi khuẩn có thể phát triển tốt trong điều kiện môi trường thiếu oxy (kỵ khí). Vi khuẩn có thể tồn tại ở dạng bào tử. Bào tử có thể sống sót lâu trong môi trường tự nhiên, kể cả ở những điều kiện khắc nghiệt: khô, nóng, lạnh, thiếu chất dinh dưỡng… Khi gặp điều kiện thuận lợi, bào tử chuyển thành dạng sinh trưởng bình thường và sản sinh độc tố.
Độc tố của vi khuẩn Botulinum là loại độc tố thần kinh, gây tê liệt toàn bộ hệ thần kinh vận động và thần kinh sọ não, liều gây chết chỉ khoảng 1 đến 2mcg. Nhiễm độc botulinum thường gặp nhất là do ngộ độc thực phẩm, chủ yếu từ các thực phẩm đóng hộp. Các dạng nhiễm độc khác ít gặp hơn là: nhiễm độc do vết thương nhiễm trùng botulinum; nhiễm khuẩn ruột ở trẻ nhỏ.
Triệu chứng điển hình của nhiễm độc butulinum là nhìn đôi, nhìn mờ, sụp mi, khó nói, khó nuốt, khô miệng, yếu cơ. Nếu không được điều trị, bệnh sẽ tiến triển với các biểu hiện liệt các nhóm cơ lần lượt từ trên xuống: liệt cơ hô hấp, cơ tay, thân mình, chân. Trong trường hợp ngộ độc thực phẩm do butulinum, các triệu chứng thường xuất hiện trong khoảng 18 đến 36 giờ sau khi ăn phải thức ăn nhiễm độc, sớm nhất là 6 giờ, muộn nhất là 10 ngày.
Bệnh thường tử vong do liệt cơ hô hấp. Tỉ lệ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời bằng kháng độc tố. Giai đoạn hồi phục có thể kéo dài hàng năm với tình trạng suy nhược, thở ngắn.
Mọi loại thực phẩm đóng hộp đều có thể bị ô nhiễm nếu quy trình sản xuất không đảm bảo an toàn. Khi sử dụng đồ hộp cần lưu ý: không sử dụng loại đã hết hạn, vỏ bao bì bị móp méo, gỉ sét; đặc biệt không sử dụng các lon đồ hộp có biểu hiện nắp bị phồng lên (vi khuẩn ô nhiễm phát triển, sinh hơi làm nắp hộp phồng lên). Tốt nhất cũng cần nấu chín lại thực phẩm đóng hộp trước khi ăn, vì độc tố botulinum bị phân hủy bởi nhiệt độ cao.
Để phòng ngừa nhiễm độc botulinum từ vết thương, cần lưu ý sơ cứu tốt các vết thương, rửa sạch đất, bùn, loại bỏ hết mảnh quần áo khỏi vết thương. Nếu vết thương lớn, dập nát, cần đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế để được xử lý thích hợp.
BS ĐOÀN VĂN