Thứ Năm, 28/11/2024 22:58 CH
Chú trọng an toàn truyền máu
Thứ Hai, 29/07/2013 09:30 SA

Mới đây, Đoàn công tác Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến và Trung tâm truyền máu khu vực (Bệnh viện Trung ương Huế) tổ chức chương trình tập huấn “An toàn truyền máu” cho bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên xét nghiệm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các bệnh viện tuyến huyện. Báo Phú Yên phỏng vấn thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Truyền máu khu vực về vấn đề này.

 

BS-Hanh130729.jpg

Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Ảnh: T.THỦY

* Bác sĩ có thể cho biết tầm quan trọng của an toàn truyền máu?

 

- Máu rất quan trọng và cần thiết cho điều trị nội khoa, cho cấp cứu ngoại khoa, sản khoa và máu cũng cần để triển khai nhiều kỹ thuật cao như ghép tạng, ghép tế bào gốc, mổ tim… Nhờ có máu mà nhiều bệnh nhân được cứu sống.

 

Bảo đảm an toàn trong truyền máu và các chế phẩm từ máu là một vấn đề vô cùng quan trọng trong thực hành y khoa. Đây là một quy trình khép kín, bao gồm nhiều giai đoạn từ tuyển chọn người hiến máu, khám lâm sàng, làm các xét nghiệm lâm sàng, thu thập máu, sản xuất các chế phẩm máu, lưu trữ, phân phối máu… đến chỉ định truyền máu và thực hành truyền máu trên lâm sàng. Bất kỳ sai sót trong một khâu nào đó của quy trình đều có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

 

“Quy chế truyền máu” đã được Bộ Y tế ban hành đầu năm 2007 gồm 10 chương, 51 điều về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền y học nước nhà trong giai đoạn hiện nay. Tuy vậy, vẫn còn nhiều tuyến y tế cơ sở chưa cập nhật quy chế này hoặc chưa hiểu rõ tầm quan trọng của an toàn truyền máu.

 

* Vậy an toàn truyền máu cho đối tượng nào, thưa bác sĩ?

 

- An toàn truyền máu phải được hiểu theo nghĩa rộng: An toàn cho người hiến máu, an toàn cho nhân viên làm công tác truyền máu và an toàn cho người nhận máu.

 

Tổ chức thế giới đưa ra thông điệp: “An toàn truyền máu bắt đầu từ tôi”. Người hiến máu phải được tư vấn về sức khỏe, được tư vấn về các bệnh lây truyền qua đường máu, được khám sức khỏe, đánh giá các hằng số sinh học cơ bản trước khi hiến máu. Đặc biệt, người hiến máu phải được làm xét nghiệm viêm gan B và phải có kết quả âm tính trước khi hiến máu. Tóm lại, người hiến máu chỉ được hiến máu khi có sự đồng ý của bác sĩ.

 

Đối với nhân viên làm công tác truyền máu: Trong quá trình thực hiện công việc như lấy máu làm xét nghiệm, tiếp nhận máu, sàng lọc túi máu, sản xuất các chế phẩm máu, phân phối máu… họ cũng có nguy cơ bị nhiễm bệnh viêm gan B, viêm gan C, HIV… từ người cho máu. An toàn cho người nhận máu trước tiên phải là an toàn về số lượng, phải đảm bảo đủ mọi nhu cầu về các thành phần máu khi người bệnh cần. Ở nước ta, lượng máu đáp ứng cho nhu cầu điều trị khoảng 70%. Tiếp đến là an toàn về chất lượng máu nhận. Tất cả các đơn vị máu phải được sàng lọc các tác nhân lây qua đường truyền máu; phải chỉ định truyền máu đúng, vì máu và các chế phẩm máu có thể coi như một loại thuốc. Những sai sót trong sử dụng máu và chế phẩm máu có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng người bệnh.

 

* Theo bác sĩ, thực trạng truyền máu ở Việt Nam như thế nào?

 

- Mặc dù có 5 trung tâm truyền máu lớn và 8 trung tâm truyền máu vừa, nhỏ, nhưng nhìn chung hệ thống truyền máu trong cả nước còn phân tán. Máu chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng máu của người bệnh; 25% nguồn máu vẫn từ người bán máu chuyên nghiệp. Tình trạng thiếu máu cho điều trị vẫn đang là vấn đề nổi cộm ở các bệnh viện. Hệ thống trang thiết bị sàng lọc các bệnh lây qua đường máu còn thiếu đồng bộ, thiếu các hướng dẫn kỹ thuật chung cho công tác truyền máu. An toàn truyền máu đang bị đe dọa do tình hình nhiễm HIV gia tăng. Lây nhiễm HIV, viêm gan B, viêm gan C đã xuất hiện ở một số địa phương, kể cả trẻ em được truyền máu, do khoảng 15% các huyện không sàng lọc HIV, viêm gan B, viêm gan C trong lấy máu thường quy. Đây là quy cơ lớn đe dọa sức khỏe cộng đồng vì tỉ lệ gây ung thư gan, xơ gan do viêm gan B, viêm gan C cao.

 

Hien-mau130729.jpg

An toàn trong truyền máu cần cho cả người hiến máu và nhân viên làm công tác truyền máu. Trong ảnh: Thanh niên hiến máu tình nguyện tại TP Tuy Hòa - Ảnh: T.THỦY

* Vậy đâu là các giải pháp đảm bảo an toàn truyền máu, thưa bác sĩ?

 

Thứ nhất, phải đảm bảo đủ nguồn hiến máu. Đây là vấn đề sống còn của công tác truyền máu. Muốn có đủ nguồn máu phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện bằng nhiều hình thức; làm tốt công tác tôn vinh khen thưởng và đảm bảo quyền lợi cho người hiến máu; xây dựng đội ngũ hiến máu nhắc lại và lực lượng hiến máu dự bị. Xây dựng đội ngũ hiến máu nhắc lại càng nhiều thì an toàn truyền máu càng cao. Vì đó là lực lượng đã được khám, tuyển chọn, đủ sức khỏe để hiến máu, đồng thời họ cũng đã được các nhân viên y tế tư vấn sức khỏe trước, trong và sau hiến máu, nên có nhận thức tốt và trách nhiệm cao trước cộng đồng.

 

Thứ hai, tổ chức hệ thống truyền máu trong cả nước theo hướng tập trung hóa tại các trung tâm truyền máu quốc gia, các trung tâm truyền máu khu vực, các khoa truyền máu nằm trong các bệnh viện.

 

Thứ ba, đào tạo cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao. Nhân viên phải được đào tạo thường xuyên, liên tục, cập nhật các kiến thức về các bệnh lây qua đường máu, nguyên tắc khử khuẩn, nguyên tắc phòng hộ lao động và xử lý tai nạn nghề nghiệp nếu chẳng may bị phơi nhiễm… để chủ động bảo vệ mình. Nhân viên phải được đào tạo tinh thông nghiệp vụ; phải xây dựng quy trình làm việc chuẩn ở tất cả các khâu của hoạt động truyền máu để hạn chế tối đa sai sót chuyên môn và rủi ro nghề nghiệp. Nhà nước phải đảm bảo cung cấp các trang phục phòng hộ lao động cho nhân viên làm công tác truyền máu; phải có chế độ, chính sách đặc thù cho cán bộ ngành truyền máu.

 

Cùng với đó, các đơn vị chú trọng việc sàng lọc máu, đầu tư trang thiết bị hiện đại và ứng dụng công nghệ thông tin cho các trung tâm và cơ sở truyền máu; thành lập Hội đồng máu quốc gia và bệnh viện; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy Nhà nước và chuyên ngành cho hoạt động truyền máu…

 

* Xin cảm ơn bác sĩ!

 

THU THỦY (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek