Chiều 30/6, Sở Y tế Phú Yên cho biết: Đến chiều cùng ngày, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh đã tiếp nhận 23 trường hợp trong tình trạng nôn ói, đau bụng và tiêu chảy. Phần lớn các bệnh nhân từ 8 đến 17 tuổi.
Hai anh em Thạch Hiếu Ngân và Thạch Quang Hiếu (phường 7, TP Tuy Hòa) bị ngộ độc do ăn bánh mì đang điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên - Ảnh: M.NGUYỆT
Bác sĩ Trần Anh Dũng, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh xác nhận, trưa ngày 30/6 có 8 bệnh nhân nhập viện do bị ngộ độc thực phẩm. Còn bác sĩ Lê Hoàng Ân (Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Sản - Nhi) cũng cho hay, từ chiều 29 đến trưa 30/6, bệnh viện tiếp nhận 15 ca ngộ độc thực phẩm. Các bệnh viện đã tích cực truyền dịch, hỗ trợ thuốc để bệnh nhân dần ổn định sức khỏe. Các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm đang điều trị ở hai bệnh viện này đều cho biết sau khi ăn bánh mì que pa tê của cơ sở Thiện và Tín (213 Nguyễn Huệ, TP Tuy Hòa) thì bị nôn ói, đau bụng và tiêu chảy.
Trong đó, gia đình ông Nguyễn Thi ở phường 7 có 6 người phải nhập viện. Hiện những triệu chứng trên ở các bệnh nhân đã thuyên giảm; tại Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên đã có 2 bệnh nhân xuất viện.
Chiều 30/6, bác sĩ Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Sau khi nhận được thông tin, chúng tôi đã cử người phối hợp với ngành chức năng của TP Tuy Hòa tiến hành kiểm tra, lấy mẫu thực phẩm tại cơ sở bánh mì Thiện và Tín gửi Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để xét nghiệm. Chi cục cũng đã khuyến cáo cơ sở này tạm ngưng hoạt động. Theo bà Nguyễn Võ Thảo Nguyên, chủ cơ sở bánh mì Thiện và Tín, cơ sở này đi vào sản xuất từ cuối năm 2012 với số lượng 1.600-2.000 ổ mỗi ngày; đồng thời chế biến nhân pa tê và sốt. Riêng dăm bông, chả lụa thì được mua ở chợ Tuy Hòa. Cơ sở này có 6 điểm bán bánh mì tại TP Tuy Hòa. Sau khi xảy ra sự cố, gia đình đã đến bệnh viện thăm hỏi, xin lỗi và động viên các bệnh nhân.
M. NGUYỆT - T. THỦY