Những ngày qua, trên địa bàn TP Tuy Hòa, người dân tỏ ra khá hoang mang khi có đến hơn 30 người phải nhập viện vì ngộ độc do ăn bánh mì que của cơ sở bánh tươi Thiện và Tín (TP Tuy Hòa). Hiện các ngành chức năng đang điều tra làm rõ.
Bà Phạm Thị Toan được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên - Ảnh: M.NGUYỆT
NGƯỜI DÂN HOANG MANG
Từ chiều 29 đến tối 30/6, Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên luôn nhốn nháo bởi các bệnh nhân bị ngộ độc do ăn bánh mì que Thiện và Tín nhập viện thường xuyên với các biểu hiện nôn ói, đau bụng và tiêu chảy.
Chị Huỳnh Thị Tiến ở phường 2 tỏ ra mệt mỏi: Tôi thấy hiệu bánh này được trưng ở nhiều tủ bánh mì trên khắp TP Tuy Hòa nên tin tưởng, mua cho 4 người trong gia đình cùng ăn. Giờ 1 cháu bị đau nặng phải nhập viện, cháu ở nhà cũng có triệu chứng tương tự nhưng nhẹ hơn. Chúng tôi đến chăm sóc cháu mà trong người cũng rất bải hoải, cứ muốn nôn ói.
Gia đình ông Nguyễn Thi ở khu phố Trường Chinh, phường 7, TP Tuy Hòa có 6 người bị ngộ độc do ăn loại bánh mì này, gồm 2 con và 4 cháu. Bé nhỏ nhất 5 tuổi, lớn nhất 17 tuổi. Ông Thi nói: “Tụi nhỏ rủ nhau đi mua bánh mì ăn, cả 6 cậu cháu đều có chung triệu chứng. Gia đình tôi rất hoang mang, đưa các cháu vào Bệnh viện Sản - Nhi, đưa hai con đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Nhà không có người, chúng tôi phải chạy qua, chạy lại giữa hai bệnh viện, rất mệt”.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bà Phạm Thị Toan (61 tuổi, ở phường 5, TP Tuy Hòa) cho biết: Sáng 30/6, tôi ăn bánh mì que pa tê Thiện và Tín, sau đó không ăn gì thêm, chừng 3 giờ sau thấy đau bụng dữ dội, nôn ói và tiêu chảy liên tục. Tôi mệt lả người và ngất xỉu trong nhà vệ sinh, người nhà phải đưa đi nhập viện.
Theo lãnh đạo 2 bệnh viện, đã có 33 bệnh nhân bị ngộ độc bánh mì đến nhập viện. Ngoài ra, có không ít người ăn loại bánh mì này trong khoảng thời gian trên cũng có triệu chứng ngộ độc nhưng họ điều trị tại nhà. Anh Huỳnh Văn Dũng ở phường Phú Đông cho biết: 2 cha con tôi ăn bánh mì Thiện và Tín. Bé gái 8 tuổi đau không chịu nổi nên phải nhập viện, còn tôi thì điều trị tại nhà.
Anh Nguyễn Minh Xí ở phường 7 tỏ ra lo lắng: Đến đâu cũng nghe chuyện ngộ độc do ăn bánh mì, chúng tôi rất lo. Không biết sắp tới phải cho con ăn sáng món gì cho an toàn, vợ chồng tôi phải đi làm sớm nên không tiện nấu bữa ăn sáng được. Hôm nay “dính đòn” bánh mì, hôm sau chắc gì không dính món khác?
Nhiều trẻ bị ngộ độc do ăn bánh mì được điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên - Ảnh: M.NGUYỆT
NGÀNH CHỨC NĂNG VÀO CUỘC
Bác sĩ Phan Vũ Nhân, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên, cho biết: Nhận được tin báo về chuỗi ngộ độc, Sở Y tế chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Phú Yên phối hợp với Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa tiến hành điều tra, giám sát 3 vụ ngộ độc thực phẩm (từ 29 đến 30/6) do ăn ánh mì tại 3 cơ sở bán bánh mì là chi nhánh của cơ sở bánh tươi Thiện và Tín. Cùng với đó, Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện tiến hành cấp cứu, điều trị kịp thời cho các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm. Đến chiều qua (1/7), tất cả bệnh nhân đều xuất viện.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, cho biết: Đoàn điều tra, giám sát đã tiến hành lấy 6 mẫu thực phẩm nghi ngờ gồm: 2 mẫu chả lụa, 2 mẫu pa tê thịt, 2 mẫu nước sốt và gửi Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để xét nghiệm. Đoàn đã đề nghị cơ sở tạm ngưng hoạt động kinh doanh sản phẩm bánh mì trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm, nhanh nhất là trong ngày 2/7. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng đã có văn bản gửi các sở Công thương và NN-PTNT phối hợp giám sát, điều tra ngộ độc thực phẩm do bánh mì.
Bà Nguyễn Võ Thảo Nguyên, chủ cơ sở bánh mì Thiện và Tín cho biết: Ngoài sản xuất từ 1.600 đến 2.000 ổ bánh mì mỗi ngày, chúng tôi còn chế biến nhân pa tê và sốt, riêng dăm bông và chả lụa được mua ở chợ Tuy Hòa. Từ cuối năm 2012 đến nay, tất cả các công đoạn sản xuất, chế biến đều theo một quy trình; sản phẩm được phân phối cho 6 tủ bánh mì đặt bán tại TP Tuy Hòa. Chúng tôi đang chờ kết quả xét nghiệm để biết sự cố này xuất phát từ đâu.
MINH NGUYỆT - THU THỦY
Cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm mùa hè
Mùa hè có nhiệt độ, độ ẩm cao. Môi trường này là điều kiện rất tốt cho sự phát triển của các loại vi khuẩn, dẫn tới ô nhiễm hoặc dễ làm cho thức ăn ôi thiu nếu không bảo quản cẩn thận.
Trẻ em và người già có hệ miễn dịch kém, thường là nạn nhân chính bị ngộ độc thực phẩm. Từ tháng 1 đến tháng 6/2013, Phú Yên đã xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm với 44 người nhập viện (chủ yếu người già và trẻ em), không tử vong, tập trung vào giai đoạn mùa hè.
Phòng ngừa là cách chữa bệnh tốt nhất trong hàng loạt các biện pháp đối phó với các vấn đề ngộ độc thực phẩm trong mùa hè. Hãy tuân thủ việc giữ tay sạch bằng cách rửa kỹ bằng nước sạch và xà phòng, bảo quản đồ ăn thừa và các loại thực phẩm khác trong tủ lạnh nếu chưa cần dùng đến, nấu thức ăn chín hoàn toàn với nhiệt độ thích hợp và lưu giữ trong hộp sạch sẽ một cách cẩn thận, ăn ngay trong vòng 2 giờ sau khi chế biến, không để trẻ ăn uống linh tinh bên ngoài và nên cho trẻ uống nhiều nước để loại bỏ các độc tố trong cơ thể, không tiếc rẻ đồ ăn cũ có dấu hiệu bị hỏng, kiểm tra kỹ lưỡng thời hạn sử dụng của các loại thực phẩm đóng gói trước khi sử dụng…
BS PHAN NGUYỄN QUANG TƯỜNG
(Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Phú Yên)