Chủ Nhật, 22/09/2024 12:37 CH
Giữ vững bí mật và an ninh khi đào địa đạo Gò Thì Thùng
Thứ Tư, 25/08/2010 10:30 SA

Khoảng cuối năm 1963, đầu năm 1964, Tỉnh ủy Phú Yên cử đoàn cán bộ của Tỉnh ủy vào Trung ương Cục miền Nam để tham quan, học tập theo chỉ đạo và giới thiệu của đồng chí Lê Duẩn về cách đánh địch, đấu tranh chính trị hợp pháp của quân và dân Nam Bộ.

 

Đoàn gồm đồng chí Đỗ Hòa Thái (Hai Tín) - Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy và đồng chí Đỗ Thu (Hai Thơm) - Tỉnh ủy viên, Chánh Văn phòng Huyện ủy Tuy Hòa 1. Một trong những kinh nghiệm mà Phú Yên cần học tập là tổ chức đào địa đạo, mà quân và dân Nam Bộ đã thực hiện khi đào địa đạo Củ Chi, chỉ cách Sài Gòn khoảng 60-70km nhưng vẫn giữ được bí mật tuyệt đối.

 

tq100825.jpg

Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia Địa đạo Gò Thì Thùng - Ảnh: H.THÀNH

 

Sau 3 tháng tham quan, tháng 4/1964, đoàn cán bộ của Tỉnh ủy Phú Yên trở về, báo cáo với các đồng chí Trần Suyền, Bí thư Tỉnh ủy; Lương Công Huề, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Ngọc Trác, Trưởng ban An ninh tỉnh; Hà Phùng, Chính trị viên Tỉnh đội Phú Yên về cách tổ chức, chỉ huy đào địa đạo giống như địa đạo Củ Chi. Sau khi nghe báo cáo, đồng chí Trần Suyền chỉ đạo cần phải tổ chức học tập, áp dụng ngay. Qua phân tích và khảo sát tình hình, Tỉnh ủy Phú Yên quyết định chọn gò Thì Thùng (xã An Xuân, huyện Tuy An) là nơi đào địa đạo, bởi đây là vùng trung du đất đỏ bazan, có rừng, mùa nắng đất cứng, mùa mưa đất dẻo, đào hầm không bị sập, là nơi cao nhất của huyện Tuy An. Từ gò Thì Thùng ta có thể quan sát được bảy thôn của xã An Xuân và các vùng lân cận như: La Hai (huyện Đồng Xuân), Tiên Châu (huyện Tuy An), huyện Sông Cầu… Hơn nữa, vào thời điểm những năm 1963, 1964, mỗi khi bọn địch đánh vào khu căn cứ cách mạng Sơn Long, Sơn Xuân, Sơn Định, bọn chúng thường cho máy bay trực thăng đổ quân xuống xã An Xuân làm đầu cầu, sau đó tỏa đi càn quét các nơi. Nếu có công sự vững chắc, quân ta tổ chức lực lượng ém quân chờ sẵn, khi bọn địch đổ bộ xuống An Xuân, ta đồng loạt đánh phủ đầu ngay tại nơi chúng đổ quân sẽ làm cho bọn địch bị tổn thất về lực lượng và rơi vào thế bị động.

 

Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đào địa đạo gò Thì Thùng, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các lực lượng khẩn trương triển khai, đồng thời phải đảm bảo tuyệt đối bí mật. Tỉnh ủy lập ngay Ban chỉ đạo đào địa đạo do đồng chí Đỗ Hòa Thái làm trưởng ban; đồng chí Huỳnh Là (Bí thư Huyện ủy Tuy An) và đồng chí đại đội trưởng Đại đội 220 làm phó ban; các ủy viên gồm bí thư, trưởng các đoàn thể: Thanh niên, Nông dân, Phụ nữ, bí thư chi bộ xã An Xuân và đồng chí Bảy Hạnh, giám thị trại giam tỉnh.

 

Ngày 24/4/1964, tại cây da Ao Kèn, vùng 6, xã An Xuân, chi bộ xã đã tổ chức cuộc họp toàn thể cán bộ và nhân dân xã An Xuân để giải thích cho nhân dân, cán bộ hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của công việc đào địa đạo, đồng thời huy động nhân lực các xã An Nghiệp, An Xuân, An Lĩnh, An Định (huyện Tuy An), Sơn Long, Sơn Xuân, Sơn Định (huyện Sơn Hòa). Tỉnh cũng huy động cán bộ các cơ quan Dân Chính Đảng tỉnh, tổ chức luân phiên nhau cứ một đợt 10 ngày đi đào địa đạo, hết đợt này đến đợt khác cho đến khi hoàn thành công trình. Bên cạnh đó, tỉnh thành lập Ban chỉ huy công trường do đồng chí Đỗ Tấn Cảnh, Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy chịu trách nhiệm chỉ huy cùng với các đồng chí bí thư, phó bí thư xã An Xuân và Đại đội 220. Tỉnh đội Phú Yên cử Đại đội 220, đơn vị mạnh nhất có nhiệm vụ đánh địch để bảo vệ căn cứ, làm nòng cốt cho việc đào địa đạo và hướng dẫn về mặt kỹ thuật, địa hình theo yêu cầu tác chiến…

 

Để đảm bảo tuyệt đối bí mật về việc đào địa đạo, Ban An ninh tỉnh Phú Yên đã cử cán bộ an ninh tham gia Ban chỉ huy đào địa đạo và cử một tiểu đội có mặt tại địa đạo 24/24 giờ, vừa tổ chức học tập, phát động phong trào “phòng gian, bảo mật” cho nhân dân. Cán bộ an ninh cùng với dân quân, du kích xã tuần tra canh gác, kiểm soát người lạ mặt qua lại khu vực đào địa đạo, kịp thời phát hiện những nghi vấn lộ bí mật để xử lý kịp thời. Song song với nhiệm vụ bảo vệ bí mật, trại cải tạo của tỉnh được phân công tham gia rèn cuốc, rựa, xà beng, đan giỏ, ky, rổ để đổ đất…

 

Công việc đào địa đạo kéo dài hơn một năm, số lượng người tham gia đào địa đạo rất đông nên công tác đảm bảo bí mật an toàn là khâu rất quan trọng. Mỗi xã đều có ban An ninh xã, mỗi thôn có ban An ninh thôn phụ trách về công tác an ninh. Suốt hơn một năm kiên trì bền bỉ, tháng 8/1965, công trình địa đạo Gò Thì Thùng đã hoàn thành. Toàn bộ công trình có 486 giếng đào, tổng số công huy động là hơn 111.980 ngày. Như vậy, trong vòng một năm ba tháng, bình quân mỗi ngày có khoảng 500 con người lặng lẽ làm việc trên công trường. Sau khi địa đạo hoàn thành, dựa vào địa thế bố phòng và công sự, lực lượng ta liên tiếp đánh trả quyết liệt nhiều đợt đổ bộ quân của địch vào các gò ở xã An Xuân, góp phần bảo vệ vững chắc khu căn cứ cách mạng của ta ở các xã Sơn Long, Sơn Xuân, Sơn Định (huyện Sơn Hòa), An Xuân, An Lĩnh, An Thọ (huyện Tuy An)...

 

Địa đạo Gò Thì Thùng hoàn thành thể hiện ý chí quyết tâm, kiên cường của Đảng bộ, quân và dân Phú Yên, sự tham gia đóng góp rất lớn của quân và dân Phú Yên và đặc biệt có sự đóng góp quan trọng của lực lượng An ninh tỉnh Phú Yên, trong công tác bảo vệ bí mật của công trình. Với ý nghĩa lịch sử đó, nhân kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, địa đạo Gò Thì Thùng đã được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia, trở thành địa chỉ đỏ, nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

 

KIM PHƯỢNG

(Ghi theo lời kể của đồng chí NGUYỄN DUY LUÂN,

nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek