Chủ Nhật, 22/09/2024 13:34 CH
Một thời máu lửa
Thứ Sáu, 31/07/2009 07:01 SA

Năm 1954 chiến dịch Át lăng kết thúc Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết việc tập kết được tiến hành. Phú Yên trong vòng thời gian 30 ngày. Bình Định 300 ngày.

 

Cuối tháng 7/1954 phái đoàn đại diện Quân đội nhân dân Việt Nam tỉnh Phú Yên do Tỉnh ủy cử ra gồm 2 người và 1 tiểu đội công an, ông Lê Duy Tường được cử làm trưởng đoàn lấy tên là Nguyễn Chiến Thắng mang quân hàm thiếu tá, đồng chí Võ Mai (công an) quân hàm Đại úy. Đại diện quân Liên hiệp Pháp ở Phú Yên do tên ALRULLRO đại úy đứng đầu cùng với 10 tên ngụy quân luôn luôn mang kính đen. Thời gian này đường từ Tuy Hòa ra Tuy An bị phá hoại, cắt đường như xương cá. Tên đại úy Pháp từ Tuy Hòa ra đi bằng chiếc máy bay cào cào đậu ở sân vận động (Hiện nay là khu nhà Huyện ủy, cùng đi với tên đại úy là 1 tên thư ký người Việt Nam).

 

Cùng ra đàm phán là tên Tỉnh phó ngụy quyền và bọn mật thám từ Tuy Hòa ra đi bằng xe Jeep. Cuộc họp tại nhà bà Kỳ Lân (Vì gia đình bà có 2 con kỳ lân nên gọi là Kỳ Lân). Nội dung cuộc họp chất vấn với bọn Pháp mình có những tin tức từ cơ sở báo lên: Pháp vi phạm điều 14C Hiệp định Giơ-ne-vơ. Điều 14 ghi rõ “Mỗi bên cam kết không trả thù hay phân biệt đối xử đối với những cá nhân, hoặc tổ chức vì lý do của họ trong lúc chiến tranh, có tham gia bên này hoặc bên kia và cam kết bảo đảm những quyền tự do dân chủ của họ”, cứ 1 tuần đoàn lại đến Chí Thạnh làm việc 1 lần. Thời gian giao thiệp đúng 30 ngày tức là ngày 1/9/1954 hết hạn về phía Việt Nam dù chủ động hòa phải giao lãnh thổ cho đối phương tạm thời quản lý. Đồng chí Võ Mai sau này không đi tập kết, ở lại bị bọn chúng thủ tiêu.

 

Sau khi ký giao quyền quản lý hành chính cho địch, để cảnh giác trong mọi trường hợp ông Lê Duy Tường đi dọc phía tây An Nghiệp về gia đình (lúc này tỉnh đóng tại thôn Trung Lương xã An Nghiệp). Về gia đình ngày 11/9/1954, ông Tường xuống Nhơn Hội đi ghe ra Xuân Lộc, gặp đoàn tại Gò Dúi, đoàn liên khu từ Bình Định vào đón. Sau khi ra Bình Định, ông Tường vào Ban Liên hiệp chiến trường Liên khu 5.

 

Ông Lê Duy Tường đi tập kết trên chuyến tàu cuối cùng. Ngày cuối cùng là 16/5/1955, ông Tường tập kết ra Bắc.

 

Năm 1967 những đồng chí ngoài 40 tuổi am hiểu phong trào cách mạng miền Nam được lệnh trên trở vào Nam chiến đấu. Năm 1967, Mỹ tiến hành “chiến tranh cục bộ”, đổ quân ồ ạt vào miền Nam, Phú Yên là một trong những trọng điểm đánh phá của kẻ thù. Trước tình hình ấy, ông Lê Duy Tường được điều về Ban Tuyên huấn khu 5 và sau đó được điều về Ban Tuyên huấn Phú Yên làm Phó ban với 4 nội dung công việc chính: tuyên truyền, giáo dục, văn hóa, văn công.

 

Do tình hình mở ra ở miền Nam, chính phủ cách mạng lâm thời được thành lập tại Phú Yên, ngày 3/2/1969, Đại hội Chính trị nhân dân lập ra Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Phú Yên. Ông Lê Duy Tường được cử làm ủy viên thư ký đại hội chính trị lần thứ nhất vào ngày 3/2/1969, ngày 1/5/1974 đại hội lần thứ 2 bầu lại cho tới ngày giải phóng. Tháng 7 năm 1974 Khu ủy V điều động ông Tường ra khu để báo cáo cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước ở địa bàn Phú Yên. Ra tới Quân khu 5, lúc ấy ta đã có chủ trương giải phóng Tây Nguyên. Ông Tường được điều về làm chánh văn phòng Ủy ban quân quản tỉnh Đắc Lắc.

 

Ngày 1/4/1975, Khu ủy V điều ông Tường về lại Phú Yên làm Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch của tỉnh. Tháng 12/1977 sau một năm nhập tỉnh Phú Khánh ông Tường được phân công làm Trưởng ban thi đua tỉnh Phú Khánh. Ngày 1/4/1989 do sức khỏe yếu tuổi cao nên ông Tường có quyết định được nghỉ.

 

Một thời máu lửa, ông Lê Duy Tường nhớ rất kỹ rằng, năm 1948 ở giai đoạn cầm cự - Huyện ủy Tuy An tiếp nhận chủ trương lập “Bộ đội địa phương huyện” - Khoảng tháng 7/1948, Huyện đội quyết định rút du kích của các xã An Ninh (bao gồm An Ninh Đông, An Ninh Tây bây giờ) An Mỹ, An Chấn… mỗi nơi 1 hoặc 2 tiểu đội “dân quân tập trung” của xã để huyện thành lập đại đội bộ đội địa phương huyện.

 

Thời gian đầu, quân số đại đội có khoảng 2 trung đội. Huyện đội lập ra “Ban tự túc” chuyên trách nuôi quân C374. Ủy ban kháng chiến hành chính huyện vận động nhân dân toàn huyện có “hũ gạo kháng chiến”. Mỗi nhà, mỗi ngày bớt từ bữa ăn bỏ vào “Hũ gạo kháng chiến” một nắm gạo.

 

Đồng chí Lê Duy Tường nhớ lại và thương anh em Ban tự túc đóng quân ở Hòa Đa, An Mỹ về tận An Xuân thu “gạo kháng chiến” gùi về An Mỹ nuôi quân! Ủy ban kháng chiến hành chính huyện cho phép Huyện đội vận động mượn ruộng công điền (ở phía bắc Tuy An) mượn ruộng của dân… cho Ban tự túc làm lúa nuôi bộ đội.

 

Kỷ niệm sâu sắc nhất của ông Lê Duy Tường là tiếp xúc với đại diện quân đội Liên hiệp Pháp trước khi chuyển quân tập kết 2/9/1954.

 

30km từ Tuy Hòa ra Chí Thạnh bị phá hoại nhiều năm, đi lại rất khó khăn. Tên quan 3 Pháp đến Chí Thạnh họp với đoàn Việt Nam bao giờ cũng bằng máy bay cào cào với tên phiên dịch, máy bay xuống sân vận động Chí Thạnh (thềm đất cất cơ quan huyện ủy hiện nay). Toàn bộ các tên khác đi trong đoàn đi xe Jeep.

 

Một hôm, đoàn Liên hiệp Pháp có tên Tỉnh phó ngụy quyền đi cùng xe Jeep với bọn ngụy.

 

Nghĩ mà thương hại cho bọn tay sai! Chẳng hiểu quan ba Tây với Tỉnh phó ngụy hơn kém nhau thế nào mà thân phận Tỉnh phó tay sai vẫn không được đi cùng máy bay với tên Tây!

 

Trong đoàn đối phương đến phiên họp cuối cùng có tên Lê Quang Thượng làm cho đồng chí Lê Duy Tường ngạc nhiên đến sửng sốt. Lê Quang Thượng là thầy công giáo có nhà ở xứ Gò Điều, xã An Hòa, Tuy An. Suốt chín năm chống Pháp, Thượng được cử vào Ủy ban Liên Việt Huyện, giữa đồng chí Tường và Thượng quá quen thuộc. Không hiểu nổi, bằng cách nào Thượng ôm chân bọn địch vào Phú Yên trong chiến dịch Atlante (20/1/1954).

 

Trong phiên họp trước đồng chí Lê Duy Tường có mời đoàn đối phương 12 người dự tiệc thân mật chia tay ở phiên họp cuối cùng. Phiên họp đó có Lê Quang Thượng nên đoàn đối phương có 13 người! Nghĩ giận, nên đồng chí Lê Duy Tường vẫn giữ ý kiến mời 12 người đối phương dự tiệc. Địch buộc phải loại Lê Quang Thượng ra khỏi thành phần và ông ta phải ra quán Chí Thạnh ăn phở.

 

Đồng chí LÊ DUY TƯỜNG kể, PHƯƠNG VÂN ghi

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tuy Hòa, sau 20 năm…
Thứ Tư, 01/07/2009 14:15 CH
Tuy Hòa 1989 – 2009
Thứ Tư, 01/07/2009 07:03 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek