Thứ Sáu, 03/05/2024 16:18 CH
Lạc Sanh và tấm lòng của Anh hùng Hồ Đắc Thạnh
Thứ Sáu, 02/02/2024 10:00 SA

Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa Trần Minh Trí (giữa) tặng quà cảm ơn tấm lòng của Anh hùng Hồ Đắc Thạnh (bìa phải) đối với quê hương Tây Hòa. Ảnh: PHẠM THÙY

Là vùng đất kinh tế mới của xã Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa) với nhiều khó khăn, mãi đến năm 2020, cụm dân cư Lạc Sanh mới có điện lưới quốc gia để dùng trong sinh hoạt hằng ngày, dù đường dây 500kV ở ngay phía trên đầu họ.

 

Trong chuyến thiện nguyện cuối năm với Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh, nguyên Thuyền trưởng Tàu 41 (Đoàn tàu Không số), chúng tôi hiểu thêm về vùng đất còn nhiều khó khăn này.

 

Câu chuyện về xóm “ba không”

 

Thời 9 năm kháng chiến chống Pháp, ông Hồ Đắc Thạnh là chiến sĩ Tiểu đoàn 375, từng bị thương trong một trận chiến ác liệt với địch vào mùa hè năm 1954 ở Lạc Sanh. Lúc đó, ông được dân quân vùng đất đỏ Sơn Thành sơ cứu và dùng bè tre đưa qua bờ bắc sông Ba cứu chữa kịp thời ở Trạm xá Quân y Tỉnh đội Phú Yên.

 

Ngoài tặng 2 hộ nghèo ở Lạc Sanh 2 con bò giống tổng trị giá 30 triệu đồng, Anh hùng Hồ Đắc Thạnh còn vận động Hội Đồng hương Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh tặng 20 xe đạp cho học sinh nghèo Trường THCS Nguyễn Thị Định (xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa). Trước đó, ông cũng dành dụm gần 10 triệu đồng tặng Hội Cựu chiến binh phường 5 (TP Tuy Hòa) may lễ phục cho đội tiêu binh dùng trong việc hiếu nghĩa.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thành Quang cũng bị thương ở chiến trường này trong kháng chiến chống Mỹ. Hai vị tiền bối (chênh nhau 15 tuổi) là chứng nhân lịch sử một thời.

 

Anh hùng Hồ Đắc Thạnh kể: Cách đây 6 năm, nhân kỷ niệm ngày thống nhất đất nước (30/4), tôi cùng nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thành Quang về thăm chiến trường xưa ở khu vực suối nước nóng Lạc Sanh, về lại sông Chống Gậy để tìm lại kỷ niệm xưa. Sông Chống Gậy hợp lưu cùng nhiều con suối nhỏ thành sông Bánh Lái như một dải lụa mềm vắt qua xã Hòa Mỹ (nay là Hòa Mỹ Tây và Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa). Sông Bánh Lái cùng sông Trong, sông Ngoài (nay đã bồi lấp không còn nữa), xã Hòa Thịnh, hợp lưu ở xã Hòa Tân Tây cùng nhiều con suối tạo thành sông Bàn Thạch vươn ra biển Đông ở cửa Đà Nông. Sông Chống Gậy hằn sâu trong ký ức thế hệ tiền bối trong hai cuộc chiến tranh.

 

Chuyến về nguồn lần đó, Anh hùng Hồ Đắc Thạnh cùng nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thành Quang đã dành thời gian tìm hiểu đời sống bà con vùng căn cứ cũ ở xóm nhỏ ven bờ bắc sông Chống Gậy, xóm Lạc Sanh (thôn Bình Thắng, xã Sơn Thành Đông) và biết, đây là các hộ dân từ phía đông huyện Tuy Hòa (cũ) theo tiếng gọi của Đảng đi xây dựng vùng kinh tế mới từ năm 1978 và vẫn thủy chung bám trụ ở vùng đất này. Thế nhưng, suốt 40 năm có lẻ, những hộ dân ở xóm này vẫn trong cảnh “ba không”: Không có đất sản xuất, nhà ở không có sổ đỏ, không có điện sinh hoạt.

 

Theo thông tin từ Anh hùng Hồ Đắc Thạnh cùng nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thành Quang, phóng viên Báo Phú Yên đã tìm hiểu, viết bài “Cụm dân cư Lạc Sanh (Tây Hòa): Vẫn còn đứng bên lề của sự phát triển”, phản ánh thực trạng này trên chuyên mục “Vấn đề bạn đọc quan tâm”, đăng trên Báo Phú Yên ngày 17/5/2018.

 

Bài báo phản ánh thực tế và bày tỏ nguyện vọng: Chính quyền địa phương giải quyết càng sớm càng tốt việc đưa lưới điện đến cho người dân và mong các tấm lòng hảo tâm tiếp sức cho 12 hộ dân nghèo cụm dân cư Lạc Sanh để họ bớt cơ cực, con cháu được đến trường.

 

Sau đó, Anh hùng Hồ Đắc Thạnh gửi báo đăng bài tiếp theo: Nỗi lòng người lính già sau bài viết “Cụm dân cư Lạc Sanh (Tây Hòa): Vẫn còn đứng bên lề của sự phát triển”.

 

Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh (thứ ba từ phải qua) tặng bò cho hộ nghèo Lê Thị Tuyết. Ảnh: PHẠM THÙY

 

Xóm nghèo đổi thay nhờ có điện

 

Hai bài báo đăng trên Báo Phú Yên nhanh chóng lan tỏa và nhận được sự cộng hưởng. Lãnh đạo tỉnh, huyện Tây Hòa và xã Sơn Thành Đông nhanh chóng vào cuộc giải quyết nhu cầu bức xúc của cụm dân cư Lạc Sanh.

 

Chủ tịch UBND xã Sơn Thành Đông thời điểm ấy đưa máy phát điện dự phòng vào thắp sáng cho người dân, nhưng được vài bữa thì dừng vì không đủ kinh phí chi cho xăng dầu. Huyện Tây Hòa và xã Sơn Thành Đông đưa cụm dân cư Lạc Sanh vào diện ưu tiên đặc biệt. Anh hùng Hồ Đắc Thạnh và nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thành Quang cũng đã vận động thêm các doanh nghiệp nhiều lần hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho 40 nhân khẩu và cấp học bổng cho các cháu trong độ tuổi đến trường.

 

Căn cơ hơn, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo huyện Tây Hòa và ngành Điện lực khẩn trương lập kế hoạch khả thi nhất, sớm đưa điện đến cho dân. Và 2 năm sau, năm 2020, trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII, cụm dân cư Lạc Sanh hân hoan đón ánh điện đến từng hộ gia đình.

 

Có điện, đời sống của người dân Lạc Sanh như chuyển sang trang mới, công việc làm nông đỡ vất vả hơn trước rất nhiều, kinh tế gia đình cũng nâng lên rõ rệt.

 

Ông Dương Thái Minh, Trưởng thôn Bình Thắng cho biết: Hơn 3 năm qua, nhờ có điện, cụm dân nghèo Lạc Sanh từng bước thay da đổi thịt. Tuy nhiên, trong 13 hộ của Lạc Sanh vẫn còn 4 hộ nghèo và cận nghèo rất cần được trợ giúp để họ vươn lên trong cuộc sống.

 

Tặng bò giống cho 2 gia đình đặc biệt khó khăn

 

Hai trong 4 hộ nghèo và cận nghèo mà Trưởng thôn Bình Thắng nhắc đến, trường hợp đầu tiên là gia đình ông bà Lê Văn Đời - Lê Thị Tuyết. Ông Đời nhiều năm nay bị bệnh tâm thần. Vợ chồng có mỗi đứa con cũng bệnh tật. Hằng ngày bà Tuyết vừa lo canh chồng, chăm con, vừa làm thuê, làm mướn, kiếm cái ăn qua ngày. Trường hợp thứ hai là bà Nguyễn Thị Nhớ. Gia đình bà có 5 người. Các con ly hương kiếm sống, giao lại 2 cháu nhỏ cho bà nuôi.

 

Thấu hiểu nỗi lòng của các hộ nghèo, Anh hùng Hồ Đắc Thạnh dành dụm tiền trợ cấp nhiều tháng liền được 30 triệu đồng, mua tặng mỗi hộ 1 con bò giống trị giá 15 triệu đồng.

 

Ngày chính quyền xã thông báo được tặng bò, bà Tuyết không ngủ được. Bà Tuyết chia sẻ: “Biết tin sắp được tặng con bò, tui mừng quá đến nỗi không thể chợp mắt mấy đêm liền, trăn trở nghĩ cách nuôi bò, cột bò ở đâu, cắt cỏ, nấu cháo cho nó ăn và mơ đến ngày bò lớn sinh bê, rồi mình sẽ có tiền, đỡ bớt cái nghèo…”.

 

Ngày 16 tháng Chạp vừa qua, Anh hùng Hồ Đắc Thạnh đến tận nơi trao tặng bò giống cho gia đình bà Tuyết và gia đình bà Nhớ. “Cầm sợi dây thừng dắt bò về nhà mà chân tui bước thấp bước cao, nước mắt trào ra vì vui mừng”, bà Nhớ thổ lộ.

 

Giúp người nghèo có phương kế làm ăn mới thoát nghèo bền vững, đó là cách nghĩ và cách làm của Anh hùng Hồ Đắc Thạnh. Vậy nên ông chọn cách tặng bò giống, chứ không cho tiền. “Có tiền nếu không biết cách tiêu cũng hết, mình nên giúp tài sản có thể sinh lời để họ góp sức mình vào đó chăm sóc, giữ gìn cho nó sinh sôi, nảy nở”, Anh hùng Hồ Đắc Thạnh nói. 

 

Nơi đây có những tài nguyên rất quý, đó là sông, suối, là đất rừng, là truyền thống lịch sử oai hùng… Tài nguyên đó có thể phát triển du lịch sinh thái kết hợp với nông nghiệp cũng là một giải pháp hay. Rất mong chính quyền địa phương có những giải pháp đột phá, đầu tư về nông nghiệp, lâm nghiệp để người dân làm ra những sản phẩm giá trị gia tăng.

 

Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh

 

PHẠM THÙY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek