Bộ phim Bí mật Tam giác vàng được đạo diễn Nguyễn Dương chuyển thể từ tiểu thuyết Liên minh tay ba ở Tam giác vàng của nhà văn Nguyễn Như Phong. Bộ phim được đầu tư kỹ lưỡng từ bối cảnh đến nhân vật với số tiền lên đến gần 20 tỉ đồng cho 38 tập. Bối cảnh trong phim đa phần được quay tại Lào và Thái Lan. Tuy vẫn còn những hạn chế song bộ phim đang nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả.
Một số cảnh trong phim Bí mật Tam giác vàng
Biên kịch phim - nhà văn, nhà báo Nguyễn Như Phong (từng viết hơn 200 kịch bản phim hình sự đã được dựng thành phim) có thời gian sống ở Lào, có nhiều mối quan hệ với đồng nghiệp trong ngành an ninh Lào, từng tới vùng Tam giác vàng, có cơ hội đọc nhiều hồ sơ các vụ án buôn ma túy lớn tại Việt Nam những năm 1996-2008, thậm chí từng có mặt trong một số cuộc hỏi cung tội phạm ma túy, lại được tư vấn chuyên môn bởi Anh hùng Lực lượng vũ trang - đại tá Công an Nguyễn Đức Trung. Do đó, tình tiết trong phim khá chân thực, có thể khiến khán giả liên tưởng tới nhiều vụ án nổi cộm. Đây là yếu tố rất quan trọng khiến bộ phim được khán giả chú ý theo dõi và đánh giá cao.
Bộ phim đang được chiếu tập 18, dần hé lộ một thế giới tội phạm ma túy xuyên quốc gia đầy cạm bẫy, thủ đoạn và nguy hiểm, những thế lực thao túng cả những cán bộ cao cấp tha hóa biến chất trong ngành Công an. Song hành với thế giới đó là cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ của những cán bộ chiến sĩ hết lòng vì nhiệm vụ; những khó khăn và nguy hiểm mà các anh phải đối mặt, không chỉ với tội phạm mà với cả những hiểu lầm từ người thân.
Qua 18 tập, điều khán giả nhận thấy là nộidung phim không hoàn toàn mới nhưng không chỉ gói gọn trong phạm vi Việt Nam hay mang tính quốc tế “lý thuyết” như nhiều phim hình sự trước đây. Bộ phim cho người xem thấy cái nhìn toàn cảnh và chân thực về thế giới ma túy giữa 4 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan và Myanmar.
Nhìn chung, diễn xuất của các diễn viên đều khá tốt. Một số nhân vật được đánh giá cao như Văn Báu - vai thượng tá Minh, Bình Xuyên - vai đại tá Vượng, Văn Tùng - vai Chiến “lão phật gia” và Hồng Nhung - vai Nathavon.
Văn Báu và Bình Xuyên vốn đã quen thuộc với vai trò chỉ huy công an cấp cao các chuyên án trong phim hình sự. Văn Tùng đã tham gia nhiều bộ phim như: Bỗng dưng muốn khóc, Dốc tình, Sóng gió thương trường, Cho một tình yêu… nhưng chưa tạo được ấn tượng.
Tuy nhiên, đến Bí mật Tam giác vàng, với vai một ông trùm ma túy Lào thủ đoạn và khôn khéo, diễn viên này đã tạo được dấu ấn đậm nét.
Hai diễn viên chính Mạnh Trường (cảnh sát chìm tên Hoàn) và nữ diễn viên trẻ Hồng Nhung (vai Nathavon - trùm buôn ma túy lạnh lùng, tàn nhẫn) là sự lựa chọn mạo hiểm của đạo diễn. Họ chính là hai nhân vật tạo nên diện mạo khá lạ cho Bí mật Tam giác vàng nhưng cả hai đều mới, thậm chí còn xa lạ số đông khán giả. Tuy nhân vật thượng úy Hoàn do Minh Trường đảm nhận còn mờ nhạt, nhưng có lẽ anh sẽ có nhiều đất diễn hơn trong những tập tiếp theo.
Những bối cảnh thật của khu Tam giác vàng tạo cảm giác thích thú cho khán giả. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng việc sử dụng hoàn toàn tiếng Việt trong phim, dù bộ phim có rất nhiều nhân vật người nước ngoài phần nào làm giảm đi tính chân thực và thuyết phục mà bối cảnh mang lại dù điều đó khiến khán giả dễ theo dõi hơn. Ngoài ra, việc lồng tiếng trong phim cũng chưa ổn. Các nhân vật nói kiểu tiếng Việt lơ lớ chưa thực sự thuyết phục khán giả rằng đó là người nước ngoài nói tiếng Việt.
Tác giả kịch bản Nguyễn Như Phong tiết lộ: “Bộ phim đã được “chào hàng” Đài Truyền hình Việt Nam từ năm 2010 ngay khi kịch bản vừa hoàn thành. Việc những cảnh quay ở Lào, Myanmar hay Thái Lan phải được thực hiện ở chính nơi đó chứ không thể sử dụng cảnh giả… đã khiến nhà đầu tư lắc đầu. Khi Công ty Lasta quyết định thực hiện bộ phim, điều làm tôi hạnh phúc nhất chính là quyết tâm của họ bởi tôi biết thực hiện bộ phim này không dễ dàng”.
VÂN ANH (tổng hợp)
Tam giác vàng rộng khoảng 350.000 km2 bên bờ sông Mekong, là khu vực rừng núi hiểm trở nằm giữa biên giới ba nước Lào, Thái Lan, Myanmar. Ngay từ thập niên 50 của thế kỷ XX, Tam giác vàng đã trở thành một trong những nơi trồng nhiều cây thuốc phiện, cần sa nhất thế giới. Do nơi này nằm xa các trung tâm hành chính, có địa hình hiểm trở và do đặc điểm của khu vực biên giới, việc kiểm soát của chính phủ các nước đối với khu vực này rất hạn chế.