Ghi dấu ấn với tác phẩm đoạt Bông sen vàng, Cánh diều vàng, giải báo chí quốc gia…, song Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thước không có thói quen nói nhiều về mình. Ông chỉ hào hứng khi nói về những hành trình lên rừng xuống biển để làm phim, về những cái “được” không thể cân đong đo đếm khi gắn đời mình với phim tài liệu.
Thì ra bên trong nhà quay phim, đạo diễn kỳ cựu có gương mặt, nụ cười hiền hiền này là niềm đam mê mãnh liệt và sâu sắc dành cho một thể loại phim thấm đẫm những giọt mồ hôi thầm lặng.
Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thước - Ảnh: Y LAN
* Được biết ông đã làm một số phim tài liệu về thủy điện: Từ Thác Bà đến Sơn La, Chuyện về một dòng sông… Điều gì khiến ông bị thu hút bởi những công trình thủy điện lớn của đất nước và có những phim tài liệu đặc sắc về thủy điện?
- Cuộc đời của người làm phim tài liệu có những chuyện rất ngẫu nhiên. Năm đó tôi được phân công chuẩn bị một phim để chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Lúc đó, thủy điện Sơn La chuẩn bị chạy tổ máy số 1, sớm 2 năm so với kế hoạch ban đầu. Và cho đến thời điểm đó, thủy điện Sơn La là thủy điện lớn nhất nước, cũng là thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Tôi nghĩ một công trình lớn như thế này mà về trước kế hoạch 2 năm quả là điều rất đáng nói để chào mừng Đại hội Đảng lần thứ XI. Và tôi đã báo cáo với Ban giám đốc và được đồng ý ngay. Tôi kéo nhà biên kịch Đào Thanh Tùng lên trên đó. Với sự giúp đỡ của Ban Quản lý dự án nhà máy thủy điện, chúng tôi có một kịch bản rất tốt.
Lúc đầu, chúng tôi chỉ định làm phim về nhà máy thủy điện Sơn La. Nhưng khi lên, tiếp xúc, chuyện trò với Ban Quản lý dự án và đặc biệt là với những người trực tiếp làm nên nhà máy đó, chúng tôi nhận ra cả một quá trình hình thành và phát triển của đội ngũ những người làm thủy điện. Bắt đầu từ Thác Bà - nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam cho đến thủy điện Sơn La là bước phát triển rất lớn, từ việc chúng ta học, phụ việc cho các chuyên gia Liên Xô để làm nhà máy thủy điện đến khi chúng ta tự làm một nhà máy thủy điện. Mà đó là nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Đó là quá trình phát triển vượt bậc. Và tứ phim cũng xuất phát từ đấy: Từ Thác Bà đến Sơn La.
Tôi đã làm phim đó với đầy cảm xúc: cảm xúc với những người làm thủy điện, từ những nhà quản lý, kỹ sư cho đến những người công nhân. Và tôi đã cảm xúc với cả ngành thủy điện của Việt Nam.
* Nhân vật nào để lại cho ông nhiều ấn tượng nhất trong quá trình làm phim đó?
- Ấn tượng thì rất nhiều, nhưng ấn tượng nhất vẫn là bác Thái Phụng Nê (Anh hùng Lao động, tiến sĩ Thái Phụng Nê - PV). Bác ấy là người đi từ những ngày đầu tiên của ngành thủy điện Việt Nam, đã bám trụ ở rất nhiều thủy điện lớn của đất nước. Tất nhiên giữa chừng bác ấy có những giai đoạn làm quản lý nhưng cuối đời thì trở lại với ngành thủy điện. Tôi nghĩ bác ấy là người hạnh phúc, được tham gia từ thủy điện đầu tiên đến những thủy điện lớn và là phái viên của Thủ tướng bám sát nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á.
* Nghe nói khi học quay phim ở Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, các bài tập ông làm đều là phim truyện, phim tốt nghiệp cũng là phim truyện. Vì sao ông lại chuyển hướng sang phim tài liệu?
- Trước lúc đi học, tôi làm bên hãng phim truyện, sau đó thi vào Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh. Tôi đã làm một phim truyện với đạo diễn Vũ Châu để tốt nghiệp, vì làm sớm nên còn thời gian. Lúc đó, nhiều người trong lớp tôi xin làm phim tài liệu để tốt nghiệp. Tôi còn thời gian nên hứng chí xin làm một phim. Lúc đó tôi nghĩ là làm chơi thôi, nhưng sau khi làm xong thì tôi mê phim tài liệu vô cùng. Đó gần như là một bước ngoặt rất bất ngờ. Và tôi quyết định chuyển sang phim tài liệu. Tôi nghĩ rằng với phim tài liệu, mình được đi rất nhiều. Lúc mới ra trường hãy còn rất trẻ, đó là giai đoạn nên đi thật nhiều. Khi đó tôi nghĩ có thể đến một lúc nào đó mình quay lại với phim truyện, nhưng rồi cái nghiệp phim tài liệu đã gắn với tôi. Nhiều lúc thấy cũng tủi. Các anh làm phim truyện thì được rất nhiều người tung hô, có khán giả đông đảo, đi đến đâu cũng được nhiều người xin chữ ký. Nhưng nói vậy thôi, nếu bây giờ được làm lại từ đầu, tôi vẫn chọn phim tài liệu.
Một trong những điều thú vị nhất mà tôi ngẫm ra là gì? Mỗi lần làm phim tài liệu là một lần tôi được nạp rất nhiều kiến thức. Tôi đọc rất nhiều. Ví dụ khi định làm phim về xây dựng thương hiệu Việt Nam, tôi phải đọc rất nhiều sách, tiếp xúc với rất nhiều người để hiểu rằng chúng ta xây dựng thương hiệu thì phải như thế nào? Làm phim tài liệu, tôi được đi rất nhiều nơi, được gặp rất nhiều người, nghe rất nhiều chuyện và được hiểu thêm rất nhiều thân phận.
* Để có những bộ phim tài liệu có giá trị, những người làm phim phải bỏ công sức rất nhiều, song tác phẩm của họ dường như chưa được đông đảo công chúng quan tâm.
Làm thế nào để phim tài liệu đến với đông đảo công chúng hơn và có một vị trí xứng đáng với giá trị của nó, với những giọt mồ hôi, công sức lặng thầm của những người làm phim, thưa ông?
- Cũng chẳng biết làm thế nào, vì chúng tôi là những người làm phim thôi, còn phát hành phim lại là việc khác. Rõ ràng phim tài liệu có giá trị rất lớn. Hàng năm, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương phối hợp với Hiệp hội các Tổ chức Văn hóa châu Âu tổ chức Tuần lễ Phim tài liệu quốc tế tại hãng. Năm nay Tuần lễ Phim tài liệu quốc tế sẽ diễn ra từ ngày 5/6 tới, trong 10 ngày với 10 nước tham gia. Hàng năm, số lượng các nước tham gia Tuần lễ Phim tài liệu quốc tế đều tăng và số lượng khán giả rất lớn, luôn đông nghịt người xem, chúng tôi phải dùng trường quay ở bên cạnh để bố trí thành phòng chiếu. Rõ ràng nhu cầu xem phim tài liệu cũng rất lớn nhưng hiện nay đầu ra của phim vẫn là các kênh truyền hình. Cứ làm xong phim thì giao cho bên truyền hình, họ phát vào lúc nào thì phát. Ngoài ra thì làm phim phục vụ các dịp kỷ niệm, các ngày lễ lớn. Những phim đó thì có hệ thống tuyên truyền của Nhà nước.
* Xin cảm ơn ông!
Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thước quê ở Thái Bình, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, đang làm việc tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. Ông là đạo diễn các phim tài liệu gây tiếng vang: Sự nhọc nhằn của cát, Ngày cuối cùng của chiến tranh, Đất lạnh, Chất xám, Những công dân @... |
YÊN LAN (thực hiện)