Thứ Hai, 07/10/2024 15:21 CH
Võ Hồng, một bông hồng cho đời
Thứ Ba, 21/05/2013 08:15 SA

Ông Tạ Tỵ chọn Võ Hồng là một trong mười nghệ sĩ tiêu biểu của miền Nam trước 1975 để viết trong cuốn sách “Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay”. Gần một thế kỷ sống và sáng tác, Võ Hồng đã để lại một gia sản tinh thần đồ sộ, với nhiều lớp bạn đọc “trung thành”, học trò thành danh…

 

Nha-van-Vo-Hong130521.jpg

Nhà văn Võ Hồng - Ảnh: ĐÀO ĐỨC TUẤN

Nhiều công trình nghiên cứu đã thừa nhận: Võ Hồng là một cây bút lớn, để lại những tác phẩm đặc sắc về đồng đất quê nhà, về nghĩa cử tấm lòng người Việt, một “bảo tàng sống” về ngôn ngữ văn hóa vùng Nam Trung Bộ. Có những trang viết của ông thuộc loại “vô tiền khoáng hậu” như nói về tình cha. Trong tùy bút “Một bông hồng cho cha”, Võ Hồng thăm thẳm: …Cha săn sóc mẹ khi mẹ mang thai, cha đỡ đần mẹ, cha giúp tay mẹ pha bình sữa, giặt giũ tã lót khi cha mẹ cùng nghèo. Khi cúng đầy tháng, cha châm hương đốt đèn thành kính cầu xin Mụ Bà và tham lam cầu khắp thần linh phù hộ cho con mau ăn, chóng lớn. Có lẽ đó là lần đầu tiên, lần trọng đại nhất trong đời mà cha trọn lòng nghĩ đến những vị thần linh. Vì con mà tin, mà khấn, mà cầu... cho dẫu mang tiếng mê tín cũng xin sẵn sàng vui nhận...

 

Nhà văn Võ Hồng là một trong những tác gia tiêu biểu của văn xuôi miền Nam giai đoạn 1954-1975. Ông Tạ Tỵ chọn Võ Hồng là một trong mười nghệ sĩ tiêu biểu của miền Nam thời bây giờ để viết trong cuốn sách “Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay”. Gần một thế kỷ sống và sáng tác, Võ Hồng đã để lại một gia sản tinh thần đồ sộ, với nhiều lớp bạn đọc “trung thành”, học trò thành danh…

 

Còn nhớ, hồi còn tỉnh Phú Khánh, tôi từ Tuy An vào Nha Trang học văn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Trường nằm trên đường Lê Đại Hành, mỗi ngày đi chơi biển, chúng tôi thường ngang qua căn nhà im ắng 51 Hồng Bàng. Nhà thơ Lê Khánh Mai (cô giáo của tôi) nói đây là nơi ở của nhà văn đồng hương “cấp huyện” của tôi (Tuy An - Phú Yên) Võ Hồng, người mà mấy đứa mê văn chúng tôi đã “nghiên cứu” rất nhiều tác phẩm. Lúc đó, ông đã về hưu, không còn là Hiệu trưởng Trường cấp 2 Tân Lập (Tân Lập là một phường của Nha Trang - NV). Vợ mất từ lúc ông mới 34 tuổi, và 58 năm cuối đời ông sống một mình trong căn nhà hai gác này, một mình một bóng nuôi 3 con trưởng thành. Ngôi nhà trông vắng lạnh, chẳng hiểu sao ông không tục huyền. Thế nhưng chúng tôi có biết đâu là tâm trạng của riêng ông, một người trọn lòng với sự mực thước, ân nghĩa ở đời…

 

Nhà văn Trần Huiền Ân, người học trò lớn của nhà văn Võ Hồng, cho hay: “Một điều hơi “lạ” là những chàng trai của Võ Hồng luôn luôn nhút nhát trước tình cảm, luôn luôn tỏ ra mình là người “quân tử”, không dám “dấn thân” nên đa số đều “thất tình”, nhưng rất chung tình, ôm ấp những mối sầu cảm đơn phương. Phải chăng đó là do cuộc sống của ông? Chịu cảnh gà trống nuôi con khá sớm, không dám tục huyền, vì lo sợ điều gì? Lo sợ không tìm lại được hạnh phúc đã mất, lo sợ cho tương lai các con, lo sợ một điều tiếng hay lo sợ những chuyện có thể xảy ra mà cũng có thể không xảy ra, cái kiểu lo sợ của những người ưa suy nghĩ?...”.

 

Ông cười hiền chỉ ra cái bảng trước sân râm mát: “Qua đang dạy tiếng Pháp cho tụi nhỏ hàng xóm”. Chúng tôi lắc đầu lè lưỡi, bởi lúc đó đang vật vã với “món” tiếng Nga “giống đực, giống cái”. Hình như ông rất rảnh rỗi. Cũng hình như ông rất bận, chủ yếu là ông bận suy nghĩ… cái gì đó. Ông như mải miết đắm chìm với bao ký ức xa xôi, với những thế hệ học trò, với một điều gì đó không hiện hữu trên cõi đời này... Chả quan tâm chúng tôi là ai, ông rút từng xấp thư, từng chồng lưu bút của học trò cũ (có cả thư ngỏ lời… tỏ tình) ra đọc cho chúng tôi nghe và bình luận vô tư, mặc chúng tôi có chú ý hay không. Đời ông đi và sống nhiều nơi, làm nhiều nghề nhưng chất giọng xứ Nẫu Phú Yên không hề thay đổi.

 

Cốt cách đặc biệt của Võ Hồng, một người trọn đời gắn bó với hai nghiệp lớn: giáo dục và bảo vệ ngôn ngữ, bản sắc văn hóa vùng! Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang (Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phú Yên, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Phú Yên) nói: “Tôi học thầy Hồng nhiều thứ, nhưng cái quý giá nhất là thái độ dung hòa, không cực đoan, không giả tạo. Thầy hay nói thầy ghét thứ văn chương véo von, sáo rỗng, thầy ghét những nhận định to tát. Thầy nói, năm tháng sẽ qua đi, mình không thể lúc nào cũng đúng nhưng đừng bao giờ có thái độ cực đoan hay sự đánh giá vội vàng, hấp tấp về người khác”. Nhiều năm “phò tá” thầy Võ Hồng, Tiến sĩ Thu Trang đã có hai luận văn được đánh giá cao là “Võ Hồng - nhà văn và tác phẩm” và “Con người và những giá trị văn hóa truyền thống trong văn xuôi đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975”.

 

Riêng tôi may mắn học cấp 2 ở trường Ngân Sơn, trường nằm ngay phía trước ngôi nhà ấu thời của nhà văn Võ Hồng và quen biết với nhiều người bà con của ông. Ai cũng tự hào: Việt Nam quê mình có Võ Hồng!

 

Nhà văn Võ Hồng (còn ký Võ An Thạch, Ngân Sơn, Võ Tri Thủy…) sinh ngày 5/5/1921 tại làng Ngân Sơn, xã An Thạch, huyện Tuy An; từ trần ngày 31/3/2013 tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), hưởng thọ 92 tuổi. Hơn 60 năm cầm bút, Võ Hồng đã để lại một gia tài văn học đồ sộ gồm 8 tiểu thuyết và truyện dài, trên 70 truyện ngắn, hàng trăm tùy bút, bút ký, thơ, khảo cứu, phê bình... Trong đó, những tác phẩm “nằm lòng” nhiều lớp bạn đọc như Hoài cố nhân, Trầm mặc cây rừng, Bên kia đường, Nửa chữ cũng thầy, Một bông hồng cho cha...

 

ĐÀO ĐỨC TUẤN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek