Nhắc đến ông là người ta nhắc đến nụ cười hiếm khi vắng trên gương mặt, nhắc đến hàng trăm vai phụ mà ông đã tham gia bằng tình yêu điện ảnh thuần khiết. Với đôi kính không tròng và “trái tim máy”, ông đã hồn nhiên sống với nghệ thuật, với đời…
Nghệ sĩ ưu tú Hồ Kiểng lúc sinh thời - Ảnh: TTO |
Những ai từng say mê bộ phim Ván bài lật ngửa hẳn không thể nào quên dáng vẻ xảo trá của tên gián điệp G5. Còn trong phim Hòn đất, từng ánh mắt, từng cử chỉ của kẻ chỉ điểm Ba Phi đều làm cho khán giả căm ghét. Không chỉ hóa thân thành công vào những vai phản diện, Nghệ sĩ ưu tú Hồ Kiểng còn khiến người xem thương cảm khi vào vai nghèo khó, thật thà chất phác như vai bác nông dân trong Đất Phương Nam, Người đẹp Tây Đô…
Lần nọ, hay tin Nghệ sĩ ưu tú Hồ Kiểng đến Tuy Hòa, tôi tìm cách liên lạc để phỏng vấn, trong bụng rất lo ông từ chối bởi thời gian khá cập rập. Nhưng Hồ Kiểng vui vẻ nhận lời. Và tôi đã có một buổi chuyện trò thú vị với người giữ kỷ lục “Nghệ sĩ đóng nhiều vai phụ trong nhiều bộ phim Việt Nam nhất”.
Trước khi gắn đời mình vào nghiệp diễn, người con của xứ dừa Bến Tre này đã đi bộ đội và tập kết ra Bắc. Sau 6 năm sống ở miền Bắc, ông mon men đến với nghệ thuật bằng cách xin theo học tại Đoàn kịch điện ảnh Hà Nội. Tác phẩm đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam Chung một dòng sông có sự tham gia của Hồ Kiểng, tất nhiên với một vai phụ. Bộ phim danh tiếng đó cũng đánh dấu lần đầu tiên Hồ Kiểng xuất hiện trên màn ảnh, đồng thời mở đầu cho một sự nghiệp diễn xuất với hơn 200 phim.
Tôi từng hỏi Nghệ sĩ ưu tú Hồ Kiểng rằng: Người ta đóng vai phụ rồi được giao vai chính, còn ông đóng vai phụ hoài, vậy có thấy chạnh lòng không? Người nghệ sĩ già cười hồn nhiên: Đạo diễn giao gì đóng nấy, miễn là mình diễn thiệt tốt và làm cho khán giả nhớ đến vai diễn của mình. Hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề, Nghệ sĩ ưu tú Hồ Kiểng tâm niệm như vậy và ông đã hết lòng với từng vai diễn, dù là vai rất nhỏ, dù phản diện hay chính diện, cũng như ông đã sống hết lòng với cuộc đời, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn. Suốt mấy chục năm, ông sống trong căn phòng nhỏ xíu của khu tập thể Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh. Căn phòng rất chật nhưng lòng người thì rộng thênh như sông nước miền Tây Nam Bộ.
Nghệ sĩ ưu tú Hồ Kiểng hay cười vậy, hồn nhiên vậy nhưng đời ông thì lận đận. Ông có 4 người con, song chỉ 2 người còn sống. Và 2 cô con gái là chỗ dựa của Hồ Kiểng lúc cuối đời, khi ông không còn đủ sức để hóa thân thành người khác, trong các bộ phim.
Không chỉ để lại dấu ấn qua các vai phụ, Nghệ sĩ ưu tú Hồ Kiểng còn “gây ấn tượng” bằng cặp kính không tròng. Khi được hỏi vì sao lại đeo kính không tròng, Hồ Kiểng cười hiền khô: Đeo kính có tròng, mỗi lần quay phim dưới ánh đèn, kính dễ bị lóa nên tui đeo kính không tròng. Lý do đơn giản vậy!
Còn một điều cũng khá đặc biệt khi nói về Hồ Kiểng: Nhiều năm qua, ông sống với cái máy trợ tim. Sau khi người nghệ sĩ từ giã cõi đời, báo chí viết nhiều về ông, trong đó có một bài rất xúc động với chi tiết: Sinh thời, khi được tặng máy trợ tim, ông đã chọn loại ít tiền hơn với lý do “để dành tiền dư còn lại cho những người trẻ tuổi có “tim máy” xịn hơn, để họ sống lâu hơn”. Với trái tim máy, người nghệ sĩ quê ở xứ dừa đã sống nồng hậu cho đến khi trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 89.
Ông đã về với cát bụi. Còn lại là hơn 200 vai diễn. Còn lại là nụ cười hóm hỉnh trong ký ức những người từng gặp gỡ, trò chuyện với ông. Còn lại là tình yêu điện ảnh thuần khiết có thể làm lớp hậu sinh kinh ngạc.
Có lẽ, với một nghệ sĩ, như vậy là quá đủ.
YÊN LAN