Thứ Năm, 28/11/2024 03:27 SA
Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc:
Tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa
Chủ Nhật, 07/04/2013 14:30 CH

Năm 1998, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”. Sau 15 năm, Sở VH-TT-DL Phú Yên triển khai nhiều chương trình hành động lớn thực hiện yêu cầu Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về việc “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên lĩnh vực văn hóa - tinh thần.

 

mua-dao130407.jpg

Múa đao trong lễ hội Đền Lương Văn Chánh - Ảnh: T.DIỆU

KẾT QUẢ NỔI BẬT

 

10 nhiệm vụ cơ bản được nêu trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về việc “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (sau đây gọi tắt là Nghị quyết) là: Xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới; xây dựng môi trường văn hóa; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số; thực hiện chính sách văn hóa đối với tôn giáo; mở rộng hợp tác quốc tế về văn hóa; xây dựng, củng cố các thiết chế văn hóa; công tác tổ chức, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ; phát triển sự nghiệp văn học - nghệ thuật; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước.

 

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết, ngành Văn hóa Phú Yên đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể: năm 1998 mới chỉ có 13 thôn văn hóa thì đến năm 2012 có 370/600 (61%) thôn, buôn, khu phố đạt danh hiệu văn hóa. Các tổ chức nghệ thuật tổ chức trên 600 buổi biểu diễn ở vùng sâu, vùng xa. 8 di tích cấp quốc gia và 18 di tích cấp tỉnh đã được công nhận. 100 sử thi được phát hiện. Tổ chức nghiên cứu ngôn ngữ Ê Đê và truyền dạy tiếng Ê Đê. Tổ chức lập hồ sơ khoa học trình cấp thẩm quyền xếp hạng 1 di tích quốc gia (chùa Từ Quang - Đá Trắng) và 1 di tích cấp tỉnh (chùa Khánh Sơn). Tham gia giao lưu văn hóa giữa tỉnh Phú Yên và tỉnh Chungbuk (Hàn Quốc). Xây dựng một số công trình văn hóa lớn như: Đài tưởng niệm Liệt sĩ Núi Nhạn, Bảo tàng tỉnh; cung cấp trang thiết bị cho 77 thôn, buôn, khu phố; nhiều câu lạc bộ văn học, nghệ thuật ra đời và thường xuyên phục vụ nhân dân trong dịp tết cổ truyền và lễ hội truyền thống đã góp phần cổ vũ động viên quần chúng sáng tạo, khai thác, phát huy các giá trị nghệ thuật cổ truyền. Công tác kiểm tra các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa được các cấp tiến hành đảm bảo thường xuyên nhằm góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh đảm bảo nhu cầu hưởng thụ của nhân dân...

 

Theo ông Phan Đình Phùng, Giám đốc Sở VH-TT-DL, đơn vị đã thực hiện tốt chương trình hành động của ngành về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Hoạt động sự nghiệp văn hóa phát triển khá toàn diện, đi vào chiều sâu, góp phần cải thiện văn hóa cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Những nét mới trong chuẩn mực văn hóa và trong nhân cách con người của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa từng bước được hình thành. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo thường xuyên, góp phần tạo sự thi đua sôi nổi ở các địa phương, cơ quan và nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho cán bộ, nhân dân.

 

NHỮNG MỤC TIÊU TIẾP TỤC PHẤN ĐẤU

 

Từ 2015-2020, Sở VH-TT-DL đặt ra mục tiêu từ 90%-100% các huyện, thị xã, thành phố có Nhà văn hóa hoặc Trung tâm Văn hóa - Thông tin. Trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, ở đồng bằng phấn đấu có 92% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa; miền núi có 70% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa. Đến năm 2020, có 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 50% xã phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Phấn đấu đạt 0,8-1 bản sách/người trong thư viện công cộng, 100% thư viện xã được sử dụng máy tính. Phấn đấu 50-70% số tài liệu, hiện vật quý hiếm được tin học hóa đến năm 2015. Phấn đấu lập 3-5 di sản văn hóa phi vật thể trình lên Bộ VH-TT-DL xem xét đưa vào di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 

Ông Lê Văn Duy, Phó giám đốc Cơ quan đại diện Văn phòng Bộ VH-TT-DL tại Đà Nẵng đánh giá cao các hoạt động của tỉnh Phú Yên, trong đó có phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; hoạt động thư viện phát triển mạnh mẽ; hoạt động sưu tầm và bảo tồn di sản văn hóa. Ông cũng nhấn mạnh ngành Văn hóa Phú Yên cần quan tâm hơn nữa trong chính sách văn hóa đối với tôn giáo, đấu tranh chống “Diễn biến hòa bình” và công tác quản lý cán bộ ngành, đặc biệt là trong công tác đào tạo và bồi dưỡng nhân tài.

 

Trong tương lai, việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho các hoạt động văn hóa; đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa công cộng; tu bổ, tôn tạo các di tích được xếp hạng; đẩy mạnh xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn mới; đẩy mạnh thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo các cấp đối với lĩnh vực văn hóa là những giải pháp hiệu quả tiếp tục nâng cao giá trị văn hóa nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

TUYẾT DIỆU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek