Thứ Tư, 09/10/2024 02:21 SA
Tưởng nhớ nhà văn - nhà giáo Võ Hồng:
Người thầy ở trong tôi
Thứ Ba, 02/04/2013 09:10 SA

Trước lúc tôi chưa gặp ông, chỉ nghe cô và cha hay kể về một người thầy thuở còn dạy hai người ở ngôi trường quê tận ngoài Tuy An. Nhưng các tác phẩm của Võ Hồng (ông vừa là nhà văn, vừa là nhà giáo) tôi đã đọc hầu hết khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chưa kể một số tác phẩm mà cha tôi có được trong tủ sách gia đình: Như cánh chim bay, Người về đầu non, Hoa bươm bướm, Nhánh rong phiêu bạt, Bên đập Đồng Cháy, Thiên đường ở trên cao.

 

vo-hong130402.jpg

Nhà văn - nhà giáo Võ Hồng lúc sinh thời - Nguồn: Internet

Tôi say mê từng cuốn vì nó thu gọn hình ảnh quê hương, con người của xứ Nẫu - Phú Yên. Và khi tôi vào nghiệp viết, thường trò chuyện cùng cha, ông lại kể thầy Võ Hồng vừa nghiêm khắc vừa nhân hậu, vừa gần gũi mọi người vừa thủy chung với người vợ mất sớm. Thầy gắn bó với đám học trò quê lặn lội đến trường Lương Văn Chánh, ngôi trường duy nhất của tỉnh đặt tận miền núi vì lúc này, Phú Yên đang là vùng giặc Pháp hay càn, bắn phá. Lúc ấy, tôi rất muốn gặp ông nhưng chần chừ không dám…

 

Một lần vào cuối năm 1998, tôi vào Khánh Hòa gặp anh chị văn nghệ sĩ. Nhà văn Cao Duy Thảo đưa tôi đến gặp một người đồng hương là ông, nhà văn Võ Hồng. Ông đang ngồi yên lặng phía cuối dãy bàn trong bộ kaki đen, cặp kính trắng, mũ bêrê đen, dáng người cao gầy mảnh khảnh. Khi biết tôi từ Phú Yên vào, ông mừng rỡ đứng vội dậy, choàng vai: Huỳnh Thạch Thảo đây hả, trẻ quá. Qua đọc của em nhiều, thích lắm, nhưng đôi chỗ còn sơ sót. Và hài hước “Mà này, trưa lên nhà qua, ở đây không tiện trao đổi vì ai cũng lo nói!”. Thầy ở cách khá xa trung tâm thành phố trong ngôi nhà số 51, phố Hồng Bàng, TP Nha Trang. Một ngôi nhà nhỏ yên ắng, chuông gọi cửa là sợi dây dài cột chùm lon rỗng phía sau, bụi trúc nhà bên cho nhánh râm mát. Thầy dẫn tôi lên gác, nơi ở và viết với căn phòng ngủ cùng khoảng sân rộng trồng nhiều hoa bươm bướm và những chậu gấm gạc nai. Bất chợt, tôi nhớ các tác phẩm của thầy, trong đó là ngôi trường trồng hoa bươm bướm, nhiều bụi chà rang vì gần núi, những dãy trâm bầu trảy ngọn làm tường rào với tiếng cười trong trẻo của các trò nhỏ. Gặp lần đầu, thầy ngồi kể những năm tháng tuổi thơ mình ở Lò Gốm, về dòng sông Ngân mùa nước cạn, soi mướp hoa vàng mùa nước dâng, về ngôi trường ẩn mình trong hốc núi nhiều lần di dời, nơi ấy có thầy Bùi Xuân Các với chữ viết chân phương để tất cả học trò nhà quê tập viết chữ đẹp (sau này thầy Các tập kết ra Bắc, được gọi là Ông Nghè bút thiếp). Thầy nói nhỏ: “Vùng đất quê mình có rất nhiều chuyện để viết, qua viết mãi vẫn không hết mà không cần đi đâu xa cả, có chăng là tấm lòng yêu quê hương mình đến đâu để mà viết…”. Chia tay thầy khi đã bóng xế, thầy đưa ra tận cửa với nụ cười rộng mở. “Thảo ơi, sao không đội mũ… Thôi, cho qua gửi lời thăm ngoài ấy. Mà em cũng nhớ gửi tác phẩm vào cho qua”. Thầy đứng, tay che mắt tránh nắng nhìn mãi theo tôi.

 

Từ đó, mỗi lần vào Nha Trang, việc đầu tiên là tôi đến thăm thầy. Con phố Hồng Bàng nay đã mở rộng, căn nhà lúc trước giờ bớt xanh rêu vì đã nhộn nhịp xe cộ. Bụi trúc nhà bên cũng đã cao, ngả sang cho bóng mát bên cạnh lối đi lên căn gác nhỏ và chuông điện đã thay chuông dây có treo chùm lon rỗng. Thầy vẫn bộ đồ đen hoặc trắng với mũ bêrê đen cùng đôi kính lão đón tôi trước cổng cho dù nắng có chói gắt xuyên thẳng vào con người tóc vương nhiều sợi bạc. “Vào thăm qua đó hả người bạn nhỏ? À, tiếng Pháp với tên bạn là gì ta? Phải rồi, nó còn mang tựa bài thơ của Pháp có tên Hoa Thạch Thảo mà ông Phạm Duy từng phổ nhạc”. Thầy giở từng tác phẩm tôi gửi vào và bảo tôi ngồi bên. Thầy đọc kỹ trước nên đoạn hay đã gạch bút đỏ, đoạn lệch từ hoặc sai âm ngữ thầy ghi với nét chữ nghiêng nghiêng “chỉnh lại cho đúng từ địa phương nếu muốn viết về quê mình”. Mỗi lần vào, thầy thường nói “Đã viết cho xứ Nẫu nên dùng phương ngữ phù hợp. Nè Thảo, những đàn bò gối sừng qua sông của em rất hình tượng, quê mình là cầu ván đóng đinh, mương nước róc rách, bụi chuối sau hè, cành tre xào xạc chứ không la đà vì vùng gió mà… Ở đó, không giống những gì em thấy ở các làng quê khác. Đã thương quê thì ở lại quê, qua nhớ lắm nhưng đành chịu…”. Tôi cũng hiểu rằng, những câu chữ của thầy thật giản dị chân chất, có mùi bùn non, thơm hoa vạn thọ, ấm nồng khói rạ và đặc trưng nhất là tiếng Nẫu được xài một cách dễ hiểu. Trước năm 1975, trong 20 gương mặt văn nghệ hôm nay của Tạ Tỵ do NXB Lá Bối ấn hành, đã xem nhà văn Võ Hồng tiêu biểu cho cách viết làng quê vùng Nam Trung Bộ. Và hôm nay, đôi mắt thầy như một cánh chim cô đơn đã rời xa tổ ấm đầy khắc khoải vọng về năm tháng của hoài niệm quê nhà. “Chừng nào em dìa lại Tuy Hòa, để qua nhắn rằng, đền ơn quê hương là những tháng năm dài cho qua nhẫn nại cầm bút”.

 

Nghe thầy bệnh, tôi vào. Vẫn phố Hồng Bàng ấy có căn gác nhỏ chứa nhiều sách trên kệ, góc bàn, trên ghế, trên sàn nhà và cả trên chiếc giường cũ như ngày nào, nhưng thầy đã lẫn lúc nhớ lúc quên và gầy đi thấy rõ. Thầy không ra đứng bậc cầu thang đón người bạn nhỏ từ quê nhà, không còn đưa tôi xem những bức thư hay dòng tin nhắn cũng như đã lâu, thầy không thể viết những dòng ngắn gọn gửi cho tôi, hỏi tôi còn ở quê hay rời đi xứ khác như bao người viết trẻ. Tôi thưa với thầy là vẫn ở quê vùng gió cát, oằn mình theo vùng đất như chiếc đòn gánh mà gánh hai mùa mưa nắng, bão lũ và vẫn viết đều đặn bằng phương ngữ giản dị của quê mình, của sự thương yêu chỉ bảo của thầy mà mắt rướm lệ khi thầy mệt mỏi ngước mắt nhìn tôi. Thâu rầu, chim kêu về núi, tấu rầu… em phải về lại Tuy Hòa và như thoảng nghe trong gió biển Nha Trang vào chiều “Cho qua gửi lời thăm ngoài ấy”.

 

Sau cơn bạo bệnh thầy yếu nhiều. Năm trước càng yếu hơn và nghe tin lại trở bệnh. Đã lâu không còn mỗi buổi sáng ra ban công ngồi trên chiếc ghế mây đón nắng, ban chiều tưới từng gáo nước cho cụm hoa bươm bướm nở vàng. Đã 92 tuổi (thầy sinh ngày 5/5/1921) thì xưa nay hiếm và chắc chắn rằng không thể trở lại quê nhà như có lần thầy bảo tôi khi nào thầy khỏe thì sẽ về, sẽ thăm lại quê mình, thăm trường Lương Văn Chánh ở phố Tuy Hòa. Dòng Ngân Sơn thì xa, phía quê An Thạch - Tuy An lắm đèo dốc cách trở. Cánh chim phiêu bạt đã mỏi chỉ vọng về một Hoài cố nhân Vẫy tay ngậm ngùi để nhớ Ngày xưa có một Nhánh rong phiêu bạt; nơi ấy, Bên đập đồng Cháy đang nở vàng một sắc Hoa bươm bướm mà đợi Người về đầu non… Dù gì, tôi cũng luôn mong thầy nhiều sức khỏe, mong một cái tên của loài hoa yêu thương ngập tràn hạnh phúc cho bao học trò ngày cũ và cả cho tôi, người bạn nhỏ viết văn của thầy, luôn được gặp khi trở lại phố ấy, nhà ấy, cảnh ấy có người thầy giản dị, mực thước cùng nụ cười hiền đang đứng chờ nơi bậc cầu thang hẹp cho dù Thiên đường ở trên cao luôn sẵn đón một con người.

 

Thầy đã ra đi (lúc 14g ngày 31/3/2013). Cánh chim đã mỏi vọng về đầu non. Xin vĩnh biệt một người thầy, một nhà văn xứ Nẫu da diết nhớ về quê hương… Và nơi ngàn năm mây trắng bay kia, thầy sẽ được nhìn về quê nhà với nụ cười hạnh phúc.

 

HUỲNH THẠCH THẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek