Nhân kỷ niệm 126 năm Ngày mất danh nhân lịch sử Lê Thành Phương (1887-2013), ngày 8 và 9/3 (tức ngày 27 và 28 tháng Giêng năm Quý Tỵ), UBND huyện Tuy An và xã An Hiệp tổ chức lễ rước linh, dâng hương danh nhân lịch sử Lê Thành Phương từ mộ về đền thờ của ông ở thôn Mỹ Phú 1, xã An Hiệp.
Múa siêu trước mộ, chuẩn bị cho lễ rước linh danh nhân lịch sử Lê Thành Phương - Ảnh: K.NHO
Lê Thành Phương sinh năm 1825 tại làng Mỹ Phú, tổng Xuân Vinh (nay là thôn Mỹ Phú 1, thuộc xã An Hiệp (Tuy An) trong một gia đình nho học và giàu lòng yêu nước. Thi đỗ tú tài năm 30 tuổi, ông trở về quê mở trường dạy học. Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, Lê Thành Phương đã đứng lên chiêu tập nghĩa quân ở Phú Yên dựng cờ khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược. Cuộc khởi nghĩa do Lê Thành Phương tổ chức và lãnh đạo ở Phú Yên là một bộ phận quan trọng của phong trào Cần Vương trên toàn quốc, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào Cần Vương ở các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ. Tháng 2/1887, Lê Thành Phương bị địch bắt, trước quân thù ông đã khảng
khái với câu nói bất hủ: “Thà chịu chết chứ không sống nhục”. Vì không dụ dỗ, mua chuộc được ông, ngày 20/2/1887, tức ngày 28 tháng Giêng năm Đinh Hợi, tên việt gian Trần Bá Lộc đã ra lệnh xử tử ông tại bến Cây Dừa (thuộc xã An Dân, huyện Tuy An ngày nay). Trước khi hành hình, Lê Thành Phương đã ung dung ngâm bài thơ “Tuyệt bút” để bày tỏ lòng yêu nước thiết tha, nỗi uất hận lũ giặc xâm lăng và bọn tay sai bán nước, đồng thời gửi gắm niềm tin vào hậu thế. Ngày 27/9/1996, mộ và đền thờ của ông được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
HOÀNG ANH