Thứ Năm, 03/10/2024 16:07 CH
Nguyễn Duy Kiên và những bức ảnh Hà Nội tràn giai điệu
Thứ Năm, 25/01/2007 07:06 SA

Từ lâu, khi sưu tầm và nguyên cứu những bài hát viết về Hà Nội thời địch tạm chiếm sau 60 ngày đêm chiến đấu anh dũng, tôi rất mong nhìn thấy những bức ảnh có những hình ảnh như ca từ các bài hát đã tả về một Hà Nội đổ nát sau những giao tranh khói lửa. Nhưng dường như vô vọng cho đến khi xem những tác phẩm của nghệ sĩ tài hoa Nguyễn Duy Kiên trong cuốn sách ảnh “Những kí ức còn lại”.

 

070124-Dem-phao-hoa.jpg

Đêm pháo hoa  - Ảnh: Nguyễn Duy Kiên

Nguyễn Duy Kiên sinh năm Tân Hợi 1911 ở Hà Nội. Sống giữa lòng phố cổ, ông chụp ảnh như một người tài tử, đồng thời với Phạm Văn Mùi, Võ An Ninh, Nguyễn Cao Đàm, Lê Vượng... ông chụp ảnh như vừa muốn lưu giữ một cái thứ tao nhã của “Người Tràng An thanh lịch” lại vừa muốn đem tuổi trẻ ưa mới mẻ tiếp thu những cái tân tiến mà thời cuộc mang đến. Nếu nạn đói năm 1945 ở Việt Nam được lưu giữ với những bức ảnh chân thực của Võ An Ninh, thì cảnh phố xá Hà Nội tan hoang sau những ngày hóa thành chiến lũy chống giặc đã được lưu giữ bởi những bức ảnh cũng rất chân thực của Nguyễn Duy Kiên - những bức ảnh Hà Nội tràn giai điệu.

 

Nhìn những bức ảnh chụp ở ngã ba Bát Sứ - Bát Đàn, đầu phố Phúc Kiến (nay là Lãn Ông), phố Bắc Ninh (nay là phố Nguyễn Hữu Huân), phố Chợ Gạo, phố Hàng Dầu... ta bỗng thấy âm vang giai điệu trong tiết nhịp Tango của Trần Văn Nhơn trong bài hát “Hà Nội 49”: “Khắp chốn nay điêu tàn - Nhà xiêu đổ một cảnh nát tan”. Nhìn bức ảnh chụp toàn cảnh đền Ngọc Sơn và hồ Hoàn Kiếm khi đình Trấn Ba bị sụp đổ, cũng vẫn thấy giai điệu ấy trầm buồn:

 

Hồ xanh nay vẫn xanh

Những liễu xưa ven hồ nay đâu tá

Tôi đứng im lặng nhìn

Nhìn tháp cũ bóng soi hồ Gươm

Tháp kia sao lạnh lùng

Như giấu muôn e thẹn căm hờn

Nước nghiêm trên mặt hồ

Bao phen gió run hồn nước

Chinh chiến hung tàn

Ngất cao khói sương mờ gương...

 

Nhìn những bức ảnh chụp phố Hàng Gai, Hàng Đào, lại thấy lòng trào lên: “Bước men quanh hồ Hoàn Kiếm giữa thu chiều úa- Tôi nhớ tháng ngày sống nơi thủ đô hồi qua”. Và nỗi nuối tiếc như quay ngược về những giai điệu Nguyễn Đình Thi: “Hàng Đào, ríu rít Hàng Ngang, Hàng Bạc, Hàng Gai…”. Những bức ảnh khiến lòng ta gai buốt những giai điệu buồn man mác của Phạm Duy Nhượng trong bài hát “Chiều đô thị”:

 

Chiều lắng hồn kinh kỳ

Cây dài trong bơ vơ

Nghe mái buồn thương mơ

Nghe bụi trút hương xưa

Nghe lá tàn duyên tơ

Nghe dư âm ngày qua.

 

Bức ảnh “Ngoại ô đêm mùa đông” với độ sáng tối tương phản hằn lên bao tưởng tượng:

 

Ôi đường sá đêm khuya

Đôi mãi kề dịu êm trên hè

Và gầm cầu Long Biên cứ làm lay lắt mãi cung bậc:

Ôi trẻ khó lê la

Trong khói mờ gầm cầu chiều mưa…

 

Bức ảnh “Xuân về trên đất Hà thành” gợi lên bao giai điệu của Phạm Duy hay của Lâm Tuyền và Lệ Quyên trong bài hát “Xuân thanh bình” đầy khát khao, hy vọng:

 

Gió xuân về

Vườn trên mai đào

Lòng người xôn xao

Muôn loài đón chào

Nắng xuân về

Ngàn hoa thay màu

Một mùa yêu đương

Một mùa tơ vương

 

Còn bức ảnh “Ông đồ” thì dìu dịu một nhịp thơ ngũ ngôn của Vũ Đình Liên:

 

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu, giấy đỏ

Bên phố đông người qua

 

Những bức “Hơi ấm thời niên thiếu” hay “Cánh đồng quê” lại gợi nhớ những ấn tượng về bao cánh đồng ngoại thành Hà Nội mà bài hát “Em bé quê” của Phạm Duy đã làm xao xuyến con tim thơ trẻ thời ấy:

 

Ai bảo chăm trâu là khổ

Chăn trâu sướng lắm chứ

Ngồi mình trâu với đàn trẻ thơ

Miệng còn hát nghêu ngao

Vui thú không quên học đâu

Nằm đầu non gió mát

Cất tiếng theo ruộng lúa đang reo

Em đánh vần thật mau

 

Một không gian Hà Nội tạm bị chiếm xao xác những hình ảnh, những âm thanh như nỗi cảm hoài về một Hà Nội cổ kính xưa đã bị tàn phá nặng nề với những người ở lại trở nên yếu đuối, đáng thương trong đời sống thực tại. Ở đó, có cả nỗi chờ đợi, niềm mong mỏi một ngày đổi thay khi đoàn quân chiến thắng trở về. Và ngày ấy đã đến sau 9 năm trường kỳ kháng chiến.

 

Ngày ấy, hình như những dự cảm của Văn Cao trong “Tiến về Hà Nội” đã được ống kính tài hoa Nguyễn Duy Kiên khắc họa đầy đủ bằng hình ảnh. Chỉ cần chiêm ngưỡng bức ảnh “Đại Đoàn quân tiên phong 308 đang tiến qua quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục tiếp quản thủ đô 10/10/1954”, ta thấy vang lừng giai điệu hành khúc của tác giả “Quốc ca Việt Nam”:

 

Trùng trùng quân đi như sóng

Lớp lớp đoàn quân tiến về

Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng

Cờ ngày nào tung bay trên phố

Trùng trùng say trong câu hát

Lấp lánh lưỡi lê sáng ngời…

 

Những bức ảnh “các tầng lớp nhân dân Hà Nội chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ về thủ đô 1/1/1955” lại gợi lên âm vang da diết:

 

Chúng ta ươm lại hoa

Sắc hương phai ngày xa

Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu

Những bông hoa ngày mai

Đón tương lai vào tay

 

Nguyễn Duy Kiên là một nghệ sĩ nhiếp ảnh đầy cá tính. Những bức ảnh quý giá giàu giai điệu của ông đã lưu giữ lại được những hình ảnh “độc nhất vô nhị” về một Hà Nội tang hoang, đổ nát sau giao tranh khói lửa mùa đông 1946. Nhiều bức ảnh của ông đã được đưa trưng bày tại triển lãm ảnh quốc tế Mechelse Fotoking (Bỉ).

 

Có lẽ do cá tính sáng tạo của riêng mình, Nguyễn Duy Kiên đã gặp phải những thăng trầm cuối đời, những thăng trầm trong những cái xấu xa, cái bi kịch của cuộc sống mà không thể đưa vào ống kính được. Ông đã qua đời năm 1979, để lại cho cuộc sống những bức ảnh như “ký ức còn lại” vô giá.

 

Nguyễn Thụy Kha 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cả nhà đam mê văn nghệ
Thứ Tư, 24/01/2007 07:59 SA
Chân chất thơ Y Điêng
Chủ Nhật, 21/01/2007 08:38 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek