Thứ Năm, 10/10/2024 13:25 CH
Nhà thơ Trần Hữu Dũng và những kỷ niệm với Phú Yên
Thứ Ba, 22/01/2013 15:00 CH

Quê ở Tiền Giang, tốt nghiệp kỹ sư nông lâm nhưng Trần Hữu Dũng lại chuyển sang hoạt động báo chí, văn nghệ. Anh là một trong những nhà thơ đáng chú ý ở TP Hồ Chí Minh trưởng thành ngay sau khi đất nước thống nhất. Đối với Phú Yên, nhà thơ Trần Hữu Dũng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ.

Tran-Huu-Dung-130122.jpg

Hai nhà thơ Trần Hữu Dũng (bên trái) và Phan Hoàng ở Vịnh Xuân Đài

“Mũi Điện bừng tỉnh giấc

Đón mặt trời đến sớm

Nhiều lần anh định hái

Hàng chuỗi ngọc ánh sáng

Tặng em”.

Đó là bài thơ ngắn của nhà thơ Trần Hữu Dũng trước vẻ đẹp “Hàng chuỗi ngọc ánh sáng” ở Mũi Điện.

Lần đầu, anh gắn bó với Phú Yên lâu nhất là cuối tháng 9/2010, khi tham dự trại sáng tác văn học do Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức gần hai tuần ở Sao Việt. Tôi đã đưa nhà thơ Trần Hữu Dũng cùng các bạn văn đi thăm và dâng hương tưởng nhớ bậc tiền hiền Lương Văn Chánh, chí sĩ Lê Thành Phương, những nông phu ngã xuống đập Đồng Cam, di tích lịch sử - văn hóa chùa Đá Trắng; tham quan Tháp Nhạn, Mũi Điện, đèo Cả, gành Đá Đĩa, đầm Ô Loan, vịnh Xuân Đài, làng biển ở Sông Cầu… Và đi đến đâu, Trần Hữu Dũng cũng có thơ, không chỉ tức cảnh sinh tình mà đầy suy tư sâu lắng. Đây là chùm thơ ba câu của anh:

Trăng sáng mơ màng

Giật mình nghe tiếng kèn thúc quân, tiếng ngựa hí vang

Sáng ra hoa trắng rụng khắp

sân chùa Đá Trắng.

(Ở chùa Đá Trắng)

Lặng im nhìn

Mặt nước đầm Ô Loan phản chiếu

Hiển hiện gương mặt em mỉm cười!

(Đầm Ô Loan)

Trong trại sáng tác Phú Yên năm ấy, nhà thơ Trần Hữu Dũng là một trong những người sáng tác “sung” nhất. Ngoài những bài thơ ngắn, anh cũng có những bài thơ dài như Một ngày ở đồi Thơm, Cụng ly với nhà văn Y Điêng,… hay Về Thạch Bi Sơn để nghiêng lòng trong dòng lịch sử: “Du khách phương xa đến Phú Yên/ Hối hả trèo lên Thạch Bi Sơn/ Một thoáng phiêu du/ Lòng gần hơn với bậc tiền nhân thời mở cõi…”.

Đất Phú trời Yên quyến rũ mời gọi, để rồi sau đó nhà thơ Trần Hữu Dũng cùng bạn thơ thân thiết Vũ Trọng Quang về lại Phú Yên trong trại sáng tác do tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức vào mùa hè 2012 vừa qua. Trò chuyện với tôi, anh tâm sự: “Nắng, gió, con người, phong cảnh Phú Yên luôn ẩn vẻ đẹp lung linh, nếu có cơ duyên chúng ta sẽ có lời đáp chân thành, lý thú. Tôi thật mê mẩn trước vịnh Xuân Đài, gành Đá Đĩa, Mũi Điện… Ở đây tôi nhớ lại những trang văn về tuổi thơ ấm áp của nhà văn Võ Hồng, thưởng thức giọng văn cuồn cuộn, lôi cuốn của Ngô Phan Lưu, Phùng Hy. Tôi cũng nhớ mãi những buổi giao lưu văn nghệ cùng đồng bào Chăm H’roi”. Và trong số những bài thơ Trần Hữu Dũng viết trong dịp này mà anh tâm đắc nhất là Mùa hè ở Phú Yên, hoàn thành sau một đêm mất ngủ ở đồi Thơm:

Mùa hè ở Phú Yên

gió rát mặt. Tôi ngồi

yên lặng nơi bàn viết.

Từng câu hỏi, không có lời giải tỏa,

đùn lên như bầy mối

phủ kín mọi điều.

Và bầy con chữ

đứng trật tự thẳng hàng. Tôi tự hỏi

về thói quen lạnh lùng của viết lách.

Ánh sáng cuối ngày

bừng lên đỉnh núi Chóp Chài. Thoáng phân vân

con chim cất tiếng hót giữa tàn cây bàng Ấn Độ.

Dập dìu sóng biển ngoài khơi

ùa vào. Luôn có thứ gì đó

tạo nhịp thở hồi sinh cuộc sống”

Nhà thơ Trần Hữu Dũng sinh năm 1956 tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Từ năm 1973, anh đã xuất bản tác phẩm đầu tay Thơ Trần Hữu Dũng ở Sài Gòn, về sau anh lại trình làng các tập thơ: Dọc đường nhặt lấy nụ cười (1990), Truông gió (1992), Cô em bé bỏng (1996), Lá thông non và Em, Trăng, Sương mù (2005), Gương mặt Ảo và Thật (2007) và Lúc 0 giờ (2011). Năm 2006, Trần Hữu Dũng nhận Giải thưởng Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh cho tập thơ Lá thông non và Em, Trăng, Sương mù.

Vốn là kỹ sư trồng trọt, một chuyên gia giỏi về lai tạo giống lúa mới, Trần Hữu Dũng từng lặn lội khắp đồng bằng Nam Bộ để ăn, ngủ và cùng nghiền ngẫm về phương thức trồng lúa đạt năng suất cao với bà con nông dân. Khi nghe tôi đặt vấn đề giữa lai tạo giống lúa với sáng tác thơ có điểm gì tương đồng và khác biệt, anh nói ngay: “Tchékov là bác sĩ, Rimbaud là tay buôn lậu vũ khí, Cao Bá Quát là người dấy binh khởi nghĩa… Dấu ấn nghề nghiệp luôn ám ảnh, trở đi trở lại trong các trang viết của họ. Tôi cũng không thể thoát được dấu ấn nghề nghiệp ấy. Lai tạo giống lúa hay sáng tác thơ đều có chung nỗi khổ và niềm vui sáng tạo”.

Một mùa xuân mới lại đến. Nhà thơ Trần Hữu Dũng hy vọng trong năm nay anh sẽ có dịp trở lại thăm Phú Yên, để được sống trong không gian ấm áp nghĩa tình như câu thơ anh viết trong Một ngày ở đồi Thơm:

“Sớm mai nơi cực Đông đất nước

Chim yến náo nức rời tổ

Chìm ngập trong tôi

Một ngày hạnh phúc trong veo”.

PHAN HOÀNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
“Ngôi đền” văn chương mang số 4
Chủ Nhật, 20/01/2013 10:00 SA
Thành phố đi vắng đoạt giải
Chủ Nhật, 20/01/2013 08:45 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek