Thứ Năm, 10/10/2024 21:24 CH
Hành trình không mỏi của dịch giả người Tày
Thứ Ba, 08/01/2013 14:00 CH

Những bài thơ cô đọng, triết lý sâu sắc và giàu tính nhân văn của nhà thơ Xô Viết Xec-gây Mi-khan-cốp vừa được dịch giả Triệu Lam Châu đưa đến độc giả người Việt và người Tày. Tập thơ dịch song ngữ Một ý tưởng táo bạo cho thấy tình yêu thi ca nước Nga chưa bao giờ vơi cạn và sự cần mẫn làm việc của Triệu Lam Châu trên lối đi riêng.

 

Sach130108.jpg

Bìa tập thơ “Một ý tưởng táo bạo” - Ảnh: Y.LAN

1. Rất chân phương, đó là điều mà ai cũng nhận thấy khi cầm trên tay những tập sách của nhà thơ - dịch giả Triệu Lam Châu. Có thể nói, tính cách của nhà thơ người Tày này thế nào, thì ngay cái… bìa sách đã có thể là một minh chứng. Bìa tập thơ dịch song ngữ Một ý tưởng táo bạo cũng vậy, rất chân phương. Thế nhưng bên trong cái vẻ đơn giản chân phương ấy là những tác phẩm độc đáo, cuốn hút của một nhà thơ nổi tiếng, từng nhận giải thưởng Lênin, giải thưởng Nhà nước Liên Xô và giải thưởng Nước Cộng hòa Liên bang Nga về văn học, đã được Triệu Lam Châu bắc một nhịp cầu, đưa đến với độc giả người Việt và người Tày.

 

Khó có thể trích đoạn thơ Xec-gây Mi-khan-cốp vì mỗi bài thơ là một câu chuyện được chắt lọc bởi ngôn từ hết sức cô đọng. Không ít bài thơ làm người đọc xúc động, như bài Mẹ và con trai do Xec-gây Mi-khan-cốp viết năm 1968, được Triệu Lam Châu dịch theo thể thơ lục bát: “Người con đi khắp năm châu/ Trải bao năm tháng dãi dầu nắng mưa/ Rồi anh về mái nhà xưa/ Mẹ già mong mỏi đợi chờ bao năm…/Bà con hàng xóm sang thăm:/ “Bà chủ có nhận ra thằng con trai?”/ Mắt buồn, bà mẹ thở dài:/ “Nó không đội mũ lưỡi trai nữa rồi!”.

 

Có những bài thơ ngụ ngôn sâu sắc, như bài Cây dây trường xuân trên cao, viết năm 1980: “Cây dây trường xuân đung đưa trên cao/ Một ngày đẹp trời, bỗng dưng tự mãn/ Ngó xuống vườn, nói lời ngạo mạn:/ “Các cây dưới kia sao mà nhỏ bé, thấp hèn/ Anh đào thì thô mộc đến ngạc nhiên/ Chỉ cao hơn đầu người một chút/ Ai lấy hoa nó, tôi cũng bực/ Từ trên cao, tôi có thấy hoa đâu”/ Một cây thông cao bỗng nổi khùng lên:/ “Này, cây dây trường xuân/ Ngươi bám vào thân ta chắc khỏe/ Nên mới leo cao thế mà thôi”.

 

Ở phần giới thiệu về Xec-gây Mi-khan-cốp, Triệu Lam Châu chia sẻ với độc giả sự ngưỡng mộ của ông đối với một nhà thơ ưu tú, người đã được nhà nước Liên Xô phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động xã hội chủ nghĩa (năm 1973): “Bằng hình thức ngụ ngôn, những bài thơ của ông đã phản ánh sâu sắc và sinh động nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội… Mỗi bài thơ là một ý tưởng sắc cạnh bất ngờ, làm cho người đọc hết sức thú vị và nhớ mãi”.

Xec-gây Mi-khan-cốp không chỉ sắc sảo mà còn rất hài hước. Sự hài hước đó được ông đưa vào thơ, nhưng độc giả đọc xong không chỉ cười mà còn suy ngẫm: “Gà trống tây thổ lộ nỗi lòng:/ “Sống không nổi với loài cáo nữa/ Giờ đây chúng ta vui hát múa/ Mai này… nộp mình vào hang cáo thôi”/ “Nào, các bạn hãy nói cùng tôi/ Làm cách nào trị loài ác ấy?”/ Chị gà mái nghiêm trang phát biểu:/ “Để mau nhận biết cáo đến gần ta/ Cần phải đeo chuông ngay vào cổ chúng”/ Con ngỗng liền tỏ lòng tán thưởng:/ “Ý tưởng hay, nhưng tôi phân vân/ Ai sẽ làm việc này được nhỉ?”/ Chị gà mái liền trả lời ngay:/ “Đấy chỉ còn là vấn đề kỹ thuật!”… (Một ý tưởng táo bạo - 1958).

 

Chau1-130108.jpg

Nhà thơ - dịch giả Triệu Lam Châu - Ảnh: D.T.XUÂN

2. Từ thập niên 80 của thế kỷ trước đến nay, nhà thơ - dịch giả Triệu Lam Châu say mê, cần mẫn góp phần đưa văn hóa của các nước, đặc biệt là nước Nga Xô Viết, đến với độc giả Việt Nam. Sau khi dịch các tiểu thuyết: Nàng dâu của Ka-rax-la-vốp, Lửa tình đã cạn của I-ưn-đư, Mối tình của người góa phụ của Hartley, Đi tìm hạnh phúc của Phur-nơ, Túp lều lá bên sông của Ga-lêk, tập truyện Vương quốc chim họa mi của Pau-xtốp-xky (đoạt giải nhất cuộc thi dịch văn học nước ngoài ra tiếng Việt do Hội Nhà văn Việt Nam, Nhà xuất bản Văn học và Báo Văn nghệ phối hợp tổ chức) và một số truyện ngắn, truyện vừa, từ năm 2000, Triệu Lam Châu chuyển sang dịch thơ. Trong vòng 7 năm, các tập thơ: Nửa phần sự thật, Đêm trắng, Thơ dân gian Tác-ta lần lượt được giới thiệu, tạo thêm cơ hội để độc giả Việt tiếp cận những bài thơ nổi tiếng của những tên tuổi lớn.

 

Các dịch giả khác dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, riêng Triệu Lam Châu còn đưa một số bài thơ nổi tiếng của văn học Nga sang tiếng Tày.

 

Công trình lớn của Triệu Lam Châu là dịch Nhật ký trong tù, tập thơ nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sang tiếng Tày. Ông cho biết đã ấp ủ ý tưởng này từ… năm học cấp 3. Trải qua 8 năm với bao tâm huyết, ông mới hoàn thành bản dịch toàn bộ tập thơ. Một năm sau, năm 2009, tập Nhật ký trong tù bằng tiếng Tày ra mắt bạn đọc.

 

Nhà thơ - dịch giả Triệu Lam Châu sinh năm 1952, quê ở Cao Bằng song gắn bó với mảnh đất Phú Yên từ đầu thập niên 80. Song song với công việc giảng dạy ở Trường trung học chuyên nghiệp Địa chất 2 (nay là Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa), Triệu Lam Châu được biết đến với những tác phẩm văn học dịch có giá trị qua bao biến đổi của thời gian.

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Chờ đợi những bất ngờ
Thứ Ba, 08/01/2013 08:10 SA
Sẽ là một đêm nhạc ấn tượng?
Chủ Nhật, 06/01/2013 11:00 SA
Adam Lambert - cá tính dẫn đến thành công
Chủ Nhật, 06/01/2013 08:40 SA
Bún cá rô
Thứ Bảy, 05/01/2013 08:40 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek