Thứ Sáu, 11/10/2024 03:33 SA
Nâng cánh ước mơ cho trẻ khuyết tật
Thứ Năm, 27/12/2012 15:00 CH

Triển lãm Chắp cánh ước mơ vừa được Công ty Mỹ thuật-Thương mại và Du lịch Nhân Việt và Trường Niềm Vui (TP Tuy Hòa) phối hợp tổ chức. Đây là một hoạt động nghệ thuật mang tính nhân văn sâu sắc, nhằm giúp các em khuyết tật hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong học tập và thắp sáng ước mơ hội họa.

 

tranh121227.jpg

La O Thị Hoài (bìa phải) khoe tranh do mình vẽ với các bạn cùng trường - Ảnh: H.MY

TẠO SÂN CHƠI Ý NGHĨA

 

Lần thứ 2 tổ chức, triển lãm Chắp cánh ước mơ đã trưng bày 53 tác phẩm của 14 học sinh khuyết tật theo học tại Trường Niềm Vui. Trong đó, có 3 tác phẩm của cô học trò câm điếc người dân tộc thiểu số La O Thị Hoài (17 tuổi, học sinh lớp 4). Dẫn tôi đến xem lần lượt các tác phẩm Suối sau nhà, Đường phố, Bắt cá, em không giấu nổi niềm tự hào khi hai tay không ngừng ra ký hiệu và miệng ú ớ giải thích các chi tiết trong tranh. Qua ngôn ngữ chỉ tay của Hoài, nhờ sự trợ giúp phiên dịch của một cô giáo, tôi được biết Hoài sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện Sơn Hòa, bị câm điếc bẩm sinh. Tự ti, mặc cảm về bệnh tật, nên em chỉ ru rú trong căn nhà dài… Năm Hoài 12 tuổi, ba mẹ đưa em đến học tại Trường Niềm Vui với hy vọng sẽ trang bị những kỹ năng sống, giúp em hòa nhập với cộng đồng. Từ đó, thế giới của Hoài bắt đầu rộng mở… “Em rất thích vẽ tranh và có thể ngồi vẽ cả ngày. Năm trước, em cũng vẽ tranh và được chọn triển lãm. Năm nay, em vẽ ba bức tranh trong một tuần. Em chỉ ngồi trong phòng và tưởng tượng. Khi vẽ xong, em mang ngay đến khoe với thầy cô và các bạn. Mọi người khen tranh đẹp nên em

 rất vui”, La O Thị Hoài bộc bạch qua ngôn ngữ chỉ tay.

 

Không chỉ La O Thị Hoài, các học sinh khuyết tật khác có tranh triển lãm cũng rất vui khi được mọi người ngắm nhìn, trân trọng và đặt mua. Hiệu trưởng Trường Niềm Vui Nguyễn Thị Hồng tâm sự: “Các em sinh ra đã không may mắn, phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Vì thế, việc tạo sân chơi cho các em là rất cần thiết và ý nghĩa, vừa giúp các em hòa nhập cộng đồng và phát triển năng khiếu, vừa làm cho gia đình các em có cảm giác được quan tâm, chia sẻ từ xã hội”.

 

Bà Trần Thị Hạnh Nguyên, Giám đốc Công ty Mỹ thuật-Thương mại và Du lịch Nhân Việt cho biết: “Tổ chức triển lãm tranh Chắp cánh ước mơ xuất phát từ ý tưởng của công ty trong chương trình tình nguyện viên quốc tế về Việt Nam đến với trẻ em kém may mắn. Năm trước, chúng tôi triển lãm gần 100 bức tranh và thu hút nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm, mua tranh. Năm nay, tuy số lượng tranh có giảm nhưng lại xuất hiện nhiều sản phẩm khác thu hút người xem như bình hoa, bánh kem… do các em tự làm. Kết hợp với hoạt động triển lãm tranh, chúng tôi còn bán các sản phẩm này để gây quỹ từ thiện, giúp đỡ các em. Đây vừa là cách giúp các em thấy được niềm vui, ý nghĩa do thành quả lao động mình tạo nên, vừa là dịp để mọi người hiểu hơn về thế giới của các em thông qua ngôn ngữ hội họa”.

 

ĐẾN GẦN VỚI CÁC EM QUA HỘI HỌA

 

Đến với triển lãm, người xem xúc động trước một cái nhìn lạc quan về cuộc sống của học sinh khuyết tật. Bởi lẽ, dù sinh ra không được bình thường như bao đứa trẻ khác, phải sống trong điều kiện thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần, nhưng các em vẫn ấp ủ, nâng niu ước mơ về một cuộc sống tươi đẹp và hun đúc khao khát cháy bỏng về một tương lai tươi sáng. 53 tác phẩm của các em với những gam màu tươi tắn, nét vẽ hồn nhiên, đã phản ánh sinh động và chi tiết một thế giới trẻ thơ hồn nhiên, trong sáng và ngập tràn yêu thương với trường lớp, gia đình, bè bạn và quê hương. Đó là ước mơ về một Mùa hè của em ngập tràn tiếng cười đùa trên đồng ruộng cùng lũ trâu và cánh diều chấp chới bay của Đỗ Thị Tuyết Thỏa; là sự quan sát tinh tế Phố nhà em với đủ các loại xe chạy bon bon trên đường, mà hai bên là những dãy nhà cao tầng san sát nhau của Nguyễn Ngọc Thọ; là Bến sông Ba hiền hậu và thơ mộng với những chiếc thuyền buồm lững lờ trôi của Nguyễn Văn Thiện; hay cảnh Em vào lớp 1 vừa bỡ ngỡ, rụt rè, lại vừa ấm áp, thân thiện giữa vòng tay của cô giáo và bè bạn của Phạm Thị Tuyết Loan…

 

Họa sĩ Lê Đức Thắng, người trực tiếp hướng dẫn các em vẽ tranh, nhận xét: “Chúng tôi không có tham vọng biến các em thành những họa sĩ tài ba trong tương lai mà mong muốn khơi dậy những khả năng để các em tự thể hiện mình trong thế giới không có âm thanh và yêu thích việc các em có thể làm. Tôi bất ngờ với những ý tưởng đẹp đẽ, sinh động được thể hiện trong những gam màu mạnh mẽ đầy cá tính của từng em. Thông qua những nét vẽ, các em muốn thể hiện nội tâm của mình nhiều nhất để đến được với mọi người và hòa nhập vào cộng đồng. So với triển lãm năm trước, chất lượng tranh của triển lãm năm nay tốt hơn nhiều về mặt ý tưởng và cách thể hiện”.

 

Bà Hạnh Nguyên cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì lớp vẽ, dạy nâng cao và rèn luyện thêm các kỹ năng về tạo hình, thể hiện chất liệu… cho các em. Qua đó, các em sẽ tư duy tốt hơn để vẽ nên các tác phẩm hội họa hoặc làm ra những sản phẩm mỹ nghệ có chất lượng. Triển lãm lần này, tôi cũng hy vọng sẽ có nhiều tình nguyện viên và Mạnh Thường Quân hơn đồng hành, chia sẻ và giúp đỡ cùng các em khuyết tật có điều kiện tiếp tục học tập, phát triển ước mơ và học nghề để có một công việc mưu sinh ổn định trong tương lai”.

 

HÀ MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek