Thứ Bảy, 12/10/2024 05:26 SA
Gian nan phổ biến dân ca bài chòi
Thứ Năm, 15/11/2012 09:00 SA

Lịch sử văn hóa người dân Phú Yên được ghi dấu trong những sản phẩm âm nhạc truyền thống, trong đó có dân ca bài chòi. Để giữ gìn bản sắc văn hóa, Sở VH-TT-DL Phú Yên đã có nhiều nỗ lực nhằm phổ biến dân ca, đặc biệt là bài chòi đến với người dân. Tuy nhiên đến nay, dân ca bài chòi vẫn chưa có nhiều đất diễn.

 

binh-thang121115.jpg

Nghệ sĩ Bình Thảng đang tập hát cho học viên của lớp tập huấn dân ca bài chòi - Ảnh: T.DIỆU

Thông thường, hai năm một lần, Sở VH-TT-DL Phú Yên tổ chức một lớp tập huấn dân ca bài chòi cho cán bộ văn hóa cơ sở để phổ biến kiến thức về loại hình âm nhạc truyền thống này. Lớp tập huấn mới nhất diễn ra trong ba ngày; các nghệ nhân hát bài chòi đã chỉ dẫn bốn làn điệu cơ bản là xàng xê, xuân nữ, hò quảng và cổ bản. Chị Tạ Thị Thu Thủy ở xã Hòa Tân Đông (Đông Hòa), học viên lớp tập huấn, chia sẻ: “Ba ngày là khoảng thời gian rất ngắn, chỉ để kịp biết phân biệt các loại làn điệu cơ bản của dân ca bài chòi. Việc hát đúng giọng điệu, vào đúng nhịp với nhạc công đã khó chứ nói gì đến việc hát truyền cảm, hát hay”.

Quả đúng như thế, sau ba ngày tập huấn, rất ít học viên có thể thể hiện tốt một làn điệu mà nghệ nhân truyền thụ.

Nghệ sĩ Bình Thảng, ủy viên Chi hội Sân khấu, cho biết: “Bài chòi như một món ăn dân dã, đi vào lòng người từ xưa đến nay. Dân ca bài chòi có lời ca phổ biến nhất là lục bát và lục bát biến thể. Nhịp phách chủ yếu phát triển trên ô nhịp 4/4 với 3 phách nổi và 1 phách lặng. Người thể hiện một bản bài chòi thành công chỉ cần biết cách xuống hò, tức gài nhịp, dứt nhịp; nhả chữ tròn vành rõ chữ, luyến láy rõ dấu. Hát bài chòi không khó, người hát chỉ cần biết hát và có niềm đam mê là có thể hát hay. Nhưng rất tiếc hiện nay, phần lớn lớp trẻ không biết đến dân ca bài chòi nữa”.

Hiện nay, khán giả bài chòi chỉ còn lại những người lớn tuổi và nông dân. Bởi với họ, âm hưởng dân ca bài chòi đã ngấm vào máu thịt. Đa số thanh niên không mặn mà với loại hình nghệ thuật dân ca này. Bạn Kim Thoa (17 tuổi, ở Tây Hòa) chia sẻ: “Em chưa biết và cũng chưa nghe bài chòi nên không thể nói là thích hay không thích”.

Hiện nay, dân ca bài chòi chỉ còn xuất hiện trong các hội diễn nghệ thuật quần chúng do Sở VH-TT-DL tổ chức. Họa may, bài chòi còn được hát trong các dịp liên hoan văn nghệ nội bộ các ban ngành, đoàn thể đã có định hướng sử dụng dân ca như một cách để bảo tồn giá trị của loại di sản phi vật thể này.

Phú Yên là địa phương mà bài chòi được xem là loại hình âm nhạc truyền thống. Tuy nhiên hiện nay, những hoạt động dành cho việc bảo tồn và phát huy di sản này vẫn chưa có hiệu quả. Việc bảo tồn gặp nhiều khó khăn vì càng về sau, số nghệ nhân biểu diễn và có khả năng truyền dạy dân ca bài chòi càng ít đi. Lực lượng cán bộ văn hóa cơ sở là cốt cán giúp phổ biến bài chòi đến với người dân lại không được tiếp cận nhiều với các hoạt động tập huấn.

Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của Sở VH-TT-DL Phú Yên trong công tác bảo tồn và phổ biến dân ca bài chòi mà hiện nay, ở các huyện Đông Hòa, Tuy An, các câu lạc bộ Dân ca bài chòi đã xuất hiện trong một số trường học. Phòng VH-TT TX Sông Cầu cũng đang triển khai chương trình “Bảo tồn di sản phi vật thể dân ca bài chòi”. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho nỗ lực bảo tồn và phát huy dân ca bài chòi ở Phú Yên.

DIỆU ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek