Thứ Bảy, 12/10/2024 05:26 SA
Nhà văn - nhà báo Tô Phương: Cây bút trưởng thành từ chiến trường
Thứ Ba, 13/11/2012 15:00 CH

Nhà văn - nhà báo Tô Phương là cây bút chiến trường nổi tiếng, từng đi qua ba cuộc chiến tranh. Không chỉ là tác giả của những thiên ký sự nóng hổi thời chiến, sau khi đất nước thống nhất ông vẫn gắn bó với đề tài chiến tranh, đặc biệt là hình ảnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Sau một thời gian lâm trọng bệnh, ông đã qua đời sáng 24/10 tại quê nhà Phú Yên, hưởng thọ 75 tuổi.

 

Nha-van-To-Phuong121113.jpg

Nhà văn - nhà báo Tô Phương trên đường hành quân cùng đoàn xe bọc thép của Trung đoàn Đồng Xoài tiến vào Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4/1975.

TỪ CHIẾN TRƯỜNG ĐẾN DINH ĐỘC LẬP

 

Vào trưa 30/4/1975, Tô Phương là tổ trưởng một mũi phóng viên Báo Quân Đội Nhân Dân đã có mặt tại dinh Độc Lập. Thời khắc lịch sử đặc biệt ấy của dân tộc và riêng cuộc đời cầm bút của ông là một trong những điều ông luôn tâm đắc. Ngoài tổ trưởng Tô Phương, mũi phóng viên ấy còn có nhà văn Cao Tiến Lê và phóng viên nhiếp ảnh Trọng Lượng. Khi đang trên đường hành quân tiến vào Sài Gòn, nghe tin quân giải phóng đã cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập, Tô Phương liền tách đội hình tìm Honda “ôm” và khoảng 30 phút sau ông có mặt ở trung tâm thành phố. Nhớ lại giây phút này, nhà văn Tô Phương từng tâm sự với chúng tôi: “Nhìn Sài Gòn tràn đầy cờ hoa, tôi và đồng đội vô cùng xúc động. Đây là một trong những giờ phút đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm báo, viết văn của tôi”.

 

Ông có họ tên đầy đủ là Nguyễn Tô Phương, sinh ngày 30/6/1938 tại xã Xuân Sơn, huyện Đồng Xuân. Mới 15 tuổi, đang là học sinh Trường trung học kháng chiến Lương Văn Chánh, ông gia nhập bộ đội rồi tập kết ra Bắc. Tốt nghiệp Trường Sĩ quan pháo binh ở Sơn Tây, nhờ có năng khiếu, Tô Phương được cử về làm phóng viên lần lượt các báo: Quân Khu 4, Quân Khu 3 và Quân Đội Nhân Dân. Ông có mặt ở khắp các chiến trường Lào, Campuchia, Nam Bộ… và các trận địa ác liệt ở miền Bắc trong chiến tranh phá hoại của Mỹ. Ông từng bị thương khi đang làm phóng viên mặt trận Xiêng Khoảng của Lào năm 1959. Ông thổ lộ: “Gần nửa cuộc đời tôi là người lính. Kể cả cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam, tôi tham gia đến ba cuộc chiến tranh. Nhờ quân đội tôi đã trở thành nhà văn. Nhờ quân đội tôi có một số tác phẩm viết về người lính và cuộc chiến đấu thần thánh của nhân dân ta chống lại kẻ thù xâm lược mạnh hơn gấp nhiều lần”.

 

Đến năm 1982, Tô Phương chuyển ngành ra khỏi quân đội, nhưng vẫn tiếp tục nghề báo với cương vị Tổng biên tập Báo Phú Khánh, rồi khi tách tỉnh trở thành Tổng biên tập Báo Phú Yên.

 

Làm báo với ông cũng là bệ phóng cho trang văn. Suốt hành trình cầm bút, Tô Phương đã viết hàng ngàn bài báo, trong đó có nhiều thiên phóng sự chiến trường, cùng 15 tập truyện ký xuất bản: Mùa hoa ô môi (1979), Làng xã đánh giặc (1980), Vùng cao Lũng Vân (1980), Bà mẹ đất thép (1984), Đội nữ du kích Củ Chi (1985), Hương tràm (1986), Làng cát (1986), Hòa Hiệp anh hùng (1995), Hai mẹ con - hai anh hùng (2000), Sự hy sinh cuối cùng (2002), Những sợi chỉ đỏ (2004), Vùng cát cháy (2007)... Số lượng tác phẩm như vậy không phải là ít, nhưng Tô Phương vẫn canh cánh nỗi lòng: “Tôi cảm thấy mình còn mắc nợ nhiều với đồng bào, đồng chí, nhất là những người đã hy sinh, vì chưa viết được những tác phẩm xứng đáng với tầm vóc của họ”. Ông cũng nói: “Tôi nghĩ các nhà văn Việt Nam cũng cần quan tâm hơn nữa về đề tài chiến tranh, nhất là cuộc kháng chiến chống Mỹ - một pho tư liệu quý vô giá”.

 

KHẮC HỌA HÌNH TƯỢNG BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG

 

Nói đến nhà văn Tô Phương, nhiều người nghĩ ngay đến tập truyện ký Mùa hoa ô môi, tác phẩm đầu tay của ông viết về vùng đất thép Củ Chi. Bấy giờ, ông là phóng viên Báo Quân Đội Nhân Dân được phân công vào chiến trường miền Nam trước khi mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh. Về vùng địa đạo Củ Chi sống và chiến đấu cùng với đồng nghiệp Báo Quân Giải Phóng, Tô Phương cảm nhận được cuộc sống gian khổ mà dũng cảm trong lòng địa đạo. Trong nỗi xúc cảm mãnh liệt, ông đã viết ký sự Củ Chi - lòng đất lòng người đăng liên tiếp 10 kỳ trên báo Quân Đội Nhân Dân.

 

Mấy năm sau, trên cơ sở thiên ký sự ấy, Tô Phương viết lại thành tập truyện ký Mùa hoa ô môi. Tập sách dày 230 trang, in lần thứ nhất hơn 15.000 cuốn vào năm 1979. Đây chính là chiếc cầu đưa nhà báo Tô Phương đến với thế giới văn chương, trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam về sau…

 

Nhìn lại hai cuộc chiến tranh vệ quốc thế kỷ XX, hình ảnh người mẹ Việt Nam anh hùng đã trở thành huyền thoại, là nguồn sử thi vĩnh cửu. Hình ảnh người mẹ cũng nổi bật trên các trang văn của Tô Phương. Như mọi người, ông cũng có một người mẹ. Nhưng khác với nhiều người, ngay tại quê hương trong chiến tranh, mẹ ông bị giặc bắt cột vào thanh tà vẹt để xử tử. Nỗi đau xót lớn lao ấy như ngọn lửa soi đường cho ông. “Từ hình ảnh mẹ mình, tôi nghĩ đến những người mẹ khác. Hình ảnh người mẹ thiêng liêng, cao quý là hiện thân của Tổ quốc, là niềm xúc động sâu xa trong trái tim mỗi con người. Có những bà mẹ miền Nam bị tra tấn, tù đày, bị kết án tử hình. Cũng có những bà mẹ miền Bắc tiễn con ra trận, ngày đón con về là… tấm giấy báo tử! Nhìn lại các tác phẩm của mình, đúng là tôi viết rất nhiều bút ký về người mẹ. Những người mẹ bằng xương bằng thịt có thực ở ngoài đời, chứ không phải hư cấu. Đó là mẹ Rành của đất thép Củ Chi, hai lần được phong anh hùng; mẹ Nguyễn Thị Gấm, mẹ Mười Thay…” - nhà văn Tô Phương đã từng tâm sự với tôi như vậy. Ông còn cho biết mình không chỉ viết về người mẹ, mà còn chụp nhiều chân dung về các bà mẹ. Chân dung mẹ Rành, mẹ Gấm… do ông chụp, sau khi các mẹ đã qua đời, đã trở thành những tư liệu quý giá.

 

Có một câu chuyện mà bậc đàn anh Tô Phương hay kể cho đồng nghiệp đi sau, rằng trong chiến tranh biên giới Tây Nam ông đã ra tận trận địa chốt. “Thấy vậy, anh em chiến sĩ kéo tôi lại nói rằng: Anh nhà báo, nhà văn ơi, anh đừng ra trận địa chốt. Ở đây nguy hiểm lắm. Chỉ chút nữa thôi là chúng tôi có thể hy sinh, khi đối đầu với giặc. Anh cần phải sống để viết lại cuộc chiến đấu của chúng tôi cho người thân, bạn bè chúng tôi đọc…”. Vâng, có thể nói sứ mệnh và trách nhiệm của người cầm bút là hết sức thiêng liêng và lớn lao, ngay cả trong mắt những người kề cận cái chết. Với riêng nhà văn - nhà báo chiến trường Tô Phương, ở góc độ nào đó của nghề nghiệp, tôi nghĩ ông có thể mãn nguyện với sứ mệnh cầm bút của mình…

 

PHAN HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đi thi hoa hậu
Chủ Nhật, 11/11/2012 16:00 CH
Dương Thụ: Tôi thế nào, nhạc thế ấy!
Chủ Nhật, 11/11/2012 11:00 SA
Berenice Marlohe - giai nhân mới của James Bond
Chủ Nhật, 11/11/2012 08:59 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek