Nhằm hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc trong lĩnh vực internet và di động, thay đổi thói quen dùng nhạc “chùa” trong xã hội, từ 1/11 tới, một số trang web lớn sẽ đồng loạt thu phí tải nhạc, còn nghe nhạc thì vẫn miễn phí. Nhiều người hy vọng điều này sẽ góp phần làm cho trật tự về vấn đề bản quyền nhạc số được lặp lại và khỏa lấp những thiệt hại về kinh tế. Tuy nhiên, không ít ý kiến còn hoài nghi về tính khả thi của phương án này.
![]() |
Việc thu phí tải nhạc sẽ tạo thêm nguồn thu giúp các nghệ sĩ tái tạo sức lao động - Ảnh: H.MY
|
Ngày 15/8, tại TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Ghi âm Việt Nam và Công ty MV Corp đã tổ chức cuộc họp báo với chủ đề: “Nhạc số Việt Nam - Thực trạng và giải pháp”, trong đó bàn luận về nội dung chính là ký hợp đồng với một số trang web chia sẻ nhạc trực tuyến để đồng loạt chính thức thu tiền tải nhạc (1.000đồng/ lần/ca khúc) từ ngày 1/11/2012. 5 website âm nhạc trong nước, gồm: Zing, nhaccuatui, Nhac.vui, Socbay, nghenhac đã ký kết với Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam và Công ty MV Corp đồng loạt thu tiền người dùng khi tải nhạc trực tuyến, nhằm mang thêm nguồn thu cho đơn vị sản xuất và nghệ sĩ để tái tạo sức lao động. Riêng với các nhạc phẩm quốc tế, đại diện một trang nhạc lớn cho biết, họ đang trong quá trình thương lượng bản quyền với Sony Music và Universal để có thể thu phí tải nhạc quốc tế người dùng trong nước cùng vào đầu tháng 11 này.
Động thái thu phí được các cơ quan chức năng, giới nghệ sĩ và khán giả đánh giá là tín hiệu vui cho nền công nghiệp ghi âm và sự phát triển của âm nhạc Việt Nam. Nguyễn Thị Hải An, một khán giả cho biết: “Việc thu tiền tải nhạc là rất nên vì sẽ góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng, hạn chế xài hàng “chùa” của người Việt Nam. Tuy nhiên, cần xem lại phí mức thu, vì thu 1.000 đồng/lượt tải là khá cao”.
Song, biện pháp thu phí khí tải nhạc còn vấp phải nhiều thử thách, nhất là với tình trạng: vi phạm bản quyền nội dung, trong đó có nội dung âm nhạc ở Việt Nam hiện nay, đang là một “xu thế”, một hiệu ứng dây chuyền, và người sử dụng internet từ quá lâu đã quen sử dụng “chùa” sản phẩm âm nhạc. Thêm vào đó, nói như nhạc sĩ Huy Tuấn: “Nghe nhạc được miễn phí, còn tải nhạc mới trả phí thì lúc nào muốn nghe, bạn cứ lên web mà nghe, cần gì phải tải về cho nhọc công. Đây là việc làm ngây ngô, trên thế giới chẳng ai làm như thế cả. Một số trang web như iTune chẳng hạn, họ chỉ cho nghe một phần bài nhạc (khoảng 30 giây), sau đó nếu muốn thì tải về để nghe (và dĩ nhiên là phải trả tiền)”.
Cách kinh doanh này liệu sẽ đi đến đâu đang còn là một câu hỏi lớn bỏ ngỏ chờ thời gian trả lời!
KHÁNH HÀ