Thứ Bảy, 12/10/2024 23:37 CH
Hội tụ và lan tỏa văn hóa Chăm
Thứ Năm, 18/10/2012 14:30 CH

Tối 16/10, Bộ VH-TT-DL phối hợp với Sở VH-TT-DL tỉnh Ninh Thuận tổ chức lễ bế mạc Ngày hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm tại Khu du lịch tháp Po Klongirai (Ninh Thuận). Sau ba ngày diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi, ngày hội đã tôn vinh văn hóa nghệ thuật dân gian Chăm trong sự thống nhất và đa dạng, phong phú của nền văn hóa 54 dân tộc Việt Nam.

 

cham-121018.jpg

Đoàn nghệ nhân Chăm Phú Yên biểu diễn tại ngày hội - Ảnh: H.MY

Với chủ đề “Văn hóa Chăm, bảo tồn, phát huy và hội nhập”, Ngày hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm đã thu hút sự có mặt của hơn 1.000 nghệ nhân, diễn viên và hơn 300 vận động viên của các đoàn nghệ thuật quần chúng Chăm các tỉnh, thành phố: Tây Ninh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, TP Hồ Chí Minh, An Giang và hai đoàn tham gia trưng bày giới thiệu di dản văn hóa Chăm: Khánh Hòa và Bình Định.

 

Màu sắc văn hóa Chăm trên dải đất duyên hải miền Trung đến Tây Nam Bộ đã được các nghệ nhân của các tỉnh, thành phố thể hiện sinh động thông qua liên hoan nghệ thuật quần chúng. Khi sân khấu lên đèn, tiếng trống đôi, chinh năm, cồng ba vang lên vừa hùng tráng, vừa sâu lắng của đoàn Phú Yên đã mang đến cho khán giả cảm giác được về với buôn làng, về với cội nguồn, hòa nhập vào nét văn hóa độc đáo ngàn đời của dân tộc Chăm qua các tiết mục: múa “Tống quái”, hát giao duyên “Anh về để em trao Koong”, “Yàng H Lăh xấu bụng”, “lễ hội Quại PôKai”… Những nghệ nhân làng Hà Rai với những bộ trang phục đời thường và truyền thống đặc sắc, ấn tượng cứ vui tươi, thướt tha trong điệu múa xoang. Đặc biệt, hòa tấu trống đôi, cồng ba, chinh năm, múa xoang, giới thiệu cây niêu truyền thống với chủ đề “Âm vang ngày hội” đã mang đến cho khán giả một cảm nhận thật khác về văn hóa Chăm ở Phú Yên.

 

Sau ba ngày tranh tài tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm, đoàn Phú Yên đoạt được: giải B Tuyên truyền và giới thiệu sách nghiên cứu về văn hóa Chăm; giải A Triển lãm văn hóa dân gian Chăm; giải A giới thiệu Văn hóa ẩm thực; giải C Trình diễn trang phục truyền thống Chăm; giải C tiết mục hát giao duyên “Anh về để em trao Koong”; giải B cho hai tiết mục hát sử thi “Yàng H Lăh xấu bụng” và hòa tấu các dụng cụ “Âm vang ngày hội”; giải A cho tiết mục “lễ hội Quại PôKai”. Ngoài ra, đoàn thể thao Chăm Phú Yên đoạt 1 HCV, 2 HCB, 4 HCĐ.

Trong khi đoàn Bình Thuận mang đến liên hoan các tiết mục nghệ thuật đơn ca “Apsara”, “Niềm vui lễ hội Rija Praung”, múa “Vĩnh cửu”, hòa tấu “Âm vang Pangina” và để lại dấu ấn với việc sáng tạo đạo cụ thành xích đu, chèo thuyền, khắc họa sinh động hình ảnh bà bóng, thầy cả, thì đoàn Tây Ninh với màn biểu diễn trang phục truyền thống Chăm rực rỡ đã mang đến cho khán giả một cái nhìn đầy màu sắc về trang phục của người Chăm trong thời hiện đại. Nếu cảm xúc chủ đạo trong chương trình nghệ thuật của đoàn An Giang là tái hiện một không gian “Làng Chăm vào hội” tươi vui, rộn rã, ẩn chứa trong đó tình yêu đôi lứa lồng trong tình cảm tự hào về “An Giang - miền đất đứng”, thì đoàn TP Hồ Chí Minh lại tô điểm cho liên hoan bằng những tiết mục trữ tình, duyên dáng với múa “Chiếc khăn duyên”, “Về thăm cô gái làng Chăm”… Đặc biệt, chủ nhà Ninh Thuận, nơi có 50% dân số là người Chăm đã mang đến cho liên hoan một chương trình nghệ thuật giàu bản sắc với “Trống hội Ka-tê”, múa “Dâng lễ”… để rồi, bất kỳ khán giả nào, dẫu chưa một lần đến với Ka tê nhưng vẫn cảm nhận được không khí linh thiêng và tươi vui của lễ hội này.

 

Bên cạnh các chương trình nghệ thuật, màu sắc Chăm tại ngày hội còn được thể hiện rõ nét thông qua những hoạt động phong phú khác như: Hội chợ Thương mại gắn với Lễ hội Ka - tê 2012; Liên hoan tuyên truyền, trưng bày, giới thiệu sách; chiếu phim tư liệu về văn hóa Chăm; giới thiệu văn hóa ẩm thực; trưng bày Mỹ thuật Chăm và di sản văn hóa Chăm; thi đấu các môn thể thao dân gian Chăm như đẩy gậy, kéo co, thi đội bình nước Chăm về đích, thi dệt thổ cẩm Chăm tại làng Mỹ Nghiệp; thi nặn sản phẩm gốm tại làng Bàu Trúc; Hội thảo “Bảo tồn và phát huy văn hóa Chăm”… Trong đó, hoạt động triển lãm, trưng bày, tuyên truyền sách với chủ đề “Đặc sắc văn hóa Chăm” tại Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm Ninh Thuận đã trưng bày hơn 500 đầu sách cùng những thước phim quý hiếm về con người và nét đặc sắc trong văn hóa Chăm; triển lãm ảnh cộng đồng các dân tộc cũng đã trưng bày 130 hình ảnh giới thiệu nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng 54 dân tộc. Ngoài ra, ngày hội còn trưng bày các văn hóa vật thể và phi vật thể Chăm được UNESSCO công nhận là di sản văn hóa thế giới của các tỉnh, thành.

 

Ông Lê Văn Hùng, Phó vụ trưởng, Phó giám đốc Phụ trách cơ quan đại diện Bộ VH-TT-DL TP Hồ Chí Minh nhận xét: “Trong không gian linh thiêng của đền tháp, tiếng kèn Saranai réo rắt, tiếng đàn Pranưng sôi động, những điệu múa truyền thống, những trang phục đặc sắc, các trò chơi dân gian giàu màu sắc cùng sự khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân, diễn viên đến từ các đoàn đã góp phần tôn vinh sắc màu văn hóa Chăm trong tổng thể văn hóa Việt. Đặc biệt, ngày hội được tổ chức đúng vào dịp lễ hội Ka-tê 2012 của dân tộc Chăm nên càng nâng lên giá trị, sức sống của văn hóa Chăm trong sức sống văn hóa các dân tộc Việt Nam”.

  

HÀ MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek