Chủ Nhật, 13/10/2024 15:22 CH
Hội họa Phú Yên:
Loay hoay tìm “đất sống”
Thứ Năm, 27/09/2012 09:47 SA

Nhiều họa sĩ ở Phú Yên nói rằng, đất này chưa có họa sĩ nào sống bằng nghề. Năm khi mười họa mới bán được một bức tranh sáng tác. Phòng tranh “sống được” là nhờ nguồn thu từ những công việc khác bù vào.

Hoa-si120927.jpg

Tranh chép bán chạy hơn tranh sáng tác. Trong ảnh: Một họa sĩ trẻ chép tranh tại phòng tranh Art Gallery (TP Tuy Hòa) - Ảnh: T.DIỆU

“Kinh tế “thong thả” và có kiến thức nền là những yếu tố cơ bản để có thể thưởng thức nghệ thuật nói chung, hội họa nói riêng. Khi những yếu tố này còn hạn chế thì hội họa khó có người thưởng thức và họa sĩ cũng không có điều kiện để trau dồi nghề nghiệp. Đây là thực trạng chung ở Phú Yên.” - họa sĩ Võ Tĩnh, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật (Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên) nói.

Hiện nay, một vài khách sạn, nhà hàng và một ít các gia đình có nhu cầu mua tranh treo trên tường, trong phòng khách, phòng ngủ. Khách hàng ở Phú Yên thường chuộng tranh tả thực như tranh phong cảnh dễ nhìn. Những bức tranh như thế thường được mua vào dịp mừng nhà mới. Và họ có thể tìm thấy tranh cần mua tại Art Gallery, Loka ở TP Tuy Hòa - các phòng tranh như những nét chấm phá cho hội họa Phú Yên thêm chút sắc màu.

Họa sĩ Diệp Xang, chủ phòng tranh Art Gallery, nói: “Art Gallery có trên 100 bức tranh sơn mài phong phú về mặt nội dung và nghệ thuật. Giá tranh từ 900.000 đến 5 triệu đồng. Tuy nhiên, họa may lắm mới có một người thích thưởng thức hội họa mà mua tranh; phòng tranh chủ yếu sống dựa vào nguồn thu khác”.

Tranh chép (tranh được vẽ lại từ bức tranh gốc) vẫn được thị trường ưa chuộng hơn vì loại tranh này hợp thị hiếu, giá cả lại phù hợp với khách hàng. Trong khi đó, tranh sáng tác của các họa sĩ Phú Yên hầu như chỉ sử dụng trong vài cuộc triển lãm để những người cầm cọ cùng nhau thưởng thức, giá cả tất nhiên là đắt hơn tranh chép. Không bán được tranh, họa sĩ không sống được với nghề và phải mưu sinh bằng công việc khác. Chính vì thế, họ không thể toàn tâm toàn ý dành cho hội họa.

Mặc dù hiện tại, hội họa chưa có công chúng riêng ở Phú Yên nhưng số lượng những người cầm cọ vẫn tăng. Nhiều họa sĩ vẫn miệt mài sáng tác để thỏa mãn niềm đam mê với loại hình nghệ thuật này. Nguyễn Hưng Dũng, Trần Quyết Thắng là những cái tên đã ghi dấu ấn ở Phú Yên.

Những bức tranh về núi Nhạn, sông Đà Rằng đã theo chân du khách đến nhiều nơi, đưa hình ảnh của Phú Yên đi xa qua từng nét cọ. Ngoài giá trị nghệ thuật, tranh còn là “sứ giả” quảng bá hình ảnh của con người và vùng đất. Thực tế cho thấy, địa phương có sự phát triển về du lịch thì ở đó hội họa sẽ phát triển. Phú Yên có một lực lượng họa sĩ giàu tiềm năng sáng tác nhưng nay chưa phải là thời điểm thích hợp để họa sĩ và tranh của họ khẳng định giá trị đối với công chúng. Du lịch Phú Yên đang có những bước khởi sắc là một dấu hiệu đáng mừng cho hội họa và những người cầm cọ ở Phú Yên.

Nếu Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và những nhà quản lý du lịch tích cực phối hợp với những người cầm cọ thì hội họa Phú Yên sẽ có nhiều cơ hội phát triển và ngành du lịch cũng có thêm địa điểm, sản phẩm phục vụ du khách.

TUYẾT DIỆU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Võ Trọng Phúc: Giọng ca mê đắm ra mắt MV
Thứ Năm, 27/09/2012 15:00 CH
Sức hút của 1Q84
Thứ Năm, 27/09/2012 09:00 SA
Một bông hoa khoe nhiều sắc
Thứ Ba, 25/09/2012 17:00 CH
Phát hành tập thơ Dặm đường
Thứ Ba, 25/09/2012 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek