Từ một người chụp ảnh dịch vụ ở thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, vì say mê vẻ đẹp của ảnh nghệ thuật, Lê Châu Đạo đến với sân chơi này. Vừa sáng tác vừa tìm tòi học hỏi, 12 năm sau, “phó nháy” ở thị trấn trở thành Nghệ sĩ ưu tú FIAP. Ông cũng là nghệ sĩ nhiếp ảnh đầu tiên ở Phú Yên được Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế phong tước hiệu này.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Châu Đạo chụp ảnh tại đập Tam Giang- Ảnh L.VY
Buổi sáng trên sông là bức ảnh ghi dấu kỷ niệm khó quên, bởi nó mang về cho nghệ sĩ nhiếp ảnh sinh năm 1957 này chiếc huy chương vàng FIAP đầu tiên. Đây cũng là chiếc huy chương vàng FIAP đầu tiên được trao cho một nghệ sĩ nhiếp ảnh ở Phú Yên. Thế rồi, từ một “phó nháy làng” - theo cách gọi của nhiều người, Lê Châu Đạo trở thành một nghệ sĩ nhiếp ảnh được quốc tế công nhận, với hơn 760 lượt tác phẩm được triển lãm tại 34 quốc gia, 132 giải thưởng quốc tế và 43 giải thưởng trong nước. Tác phẩm của ông - những bức ảnh ghi lại sinh hoạt đời thường của người dân trên vùng đất Nam Trung Bộ đã làm người xem rung cảm bởi sự sống động, tinh tế và vẻ đẹp giản dị chất phác, như chính tác giả những bức ảnh này.
* Ông có hàng trăm bức ảnh tuyệt đẹp, mang về nhiều giải thưởng, trong đó có bức ảnh Buổi sáng trên sông với khởi đầu khiêm nhường bằng giải nhì cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật “Phú Yên - Đất nước - Con người” năm 2006. Ông có dàn dựng chút nào khi chụp Buổi sáng trên sông?
- Vợ tôi quê ở ven đầm Ô Loan, huyện Tuy An. Ban đêm, người dân ven đầm đi đánh bắt hải sản, đến sáng thì về. Họ cột những chiếc sõng (một loại thuyền nhỏ, làm bằng tre hoặc tole, sử dụng mái chèo - PV) cong cong như chiếc lá vào một cái cọc. Khi tôi nhìn thấy hình ảnh đó, ánh sáng rất đẹp. Tất nhiên mình phải dàn dựng một chút để có bố cục đẹp như trong hình. Bức ảnh đó đã đoạt 36 giải thưởng ở hai thể loại: ảnh màu và đen trắng.
* Thời điểm ông đến với ảnh nghệ thuật cách đây 12 năm, những người chụp ảnh vẫn sử dụng máy cơ, tốn từ tiền mua phim đến tráng phim, rọi ảnh. Thu nhập chính của gia đình ông là từ việc chụp ảnh dịch vụ. Vậy ông làm thế nào để theo đuổi niềm đam mê tốn kém này?
- Khi bước chân vào con đường ảnh nghệ thuật, tôi gặp nhiều khó khăn nên vừa sáng tác vừa học hỏi. Ảnh nghệ thuật không phải lúc nào cũng chụp. Hôm nào người ta không kêu đi chụp ảnh đám cưới thì tôi sáng tác. Nếu chụp ảnh nghệ thuật ở ngoài trời, tôi thường chụp vào buổi sáng, trước 8 giờ. Hồi đó chơi ảnh tất nhiên là tốn kém, nhưng rọi ảnh ra, nhìn tác phẩm của mình là tôi lại thấy rất vui.
“Buổi sáng trên sông” - tác phẩm mang về cho Lê Châu Đạo chiếc huy chương vàng FIAP đầu tiên
* Ông thường tham gia các cuộc thi, triển lãm ảnh nghệ thuật quốc tế. Ở những sân chơi này, người tham gia phải đóng lệ phí. Vì sao ông hăng hái “đem chuông đi đánh xứ người”?
- Tôi tham gia vì sân chơi ảnh nghệ thuật quốc tế rất rộng lớn, có rất nhiều cuộc thi, triển lãm được tổ chức trong một năm, đáp ứng được niềm đam mê ảnh nghệ thuật của mình. Lúc trước, mỗi lần gởi ảnh dự thi đúng là tốn kém, phải tráng ảnh, rọi ảnh lớn và gởi qua bưu điện, rất nhiều khâu và phải đóng lệ phí nữa. Sau này, đến “thời đại” của máy ảnh kỹ thuật số, tụi tôi chỉ cần ngồi bên máy tính gởi ảnh đi kèm theo vài thông tin.
* Tước hiệu Nghệ sĩ ưu tú FIAP được trao cho “các nghệ sĩ nhiếp ảnh đặc biệt xuất sắc, có sự sáng tạo trong tác phẩm; tham gia một cách thắng lợi ít nhất 30 cuộc thi quốc tế dưới sự bảo trợ của FIAP tại ít nhất 15 nước khác nhau; có ít nhất 150 điểm với ít nhất là 50 tác phẩm khác nhau trong các cuộc thi quốc tế do FIAP bảo trợ”. Vừa rồi, được FIAP phong tước hiệu này, cảm xúc của ông thế nào?
- Những người thường xuyên tham gia các sân chơi ảnh nghệ thuật quốc tế và có tác phẩm đoạt giải thì sẽ hội đủ tiêu chuẩn để được trao tước hiệu Nghệ sĩ ưu tú FIAP. Tôi tham gia sân chơi quốc tế đã 8 năm và được công nhận. Khi anh Đức Thắng ở Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam gọi điện thông báo, tôi cảm thấy rất vui.
* Chuyên đi săn tìm khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống đời thường, có bao giờ ông dự định chuyển sang chụp ảnh những người làm công việc khá đặc biệt trong xã hội hoặc những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương?
- Tôi chưa nghĩ đến điều đó. Tôi biết để “theo” những đề tài đó phải có nhiều thời gian và có điều kiện nữa. Những người làm báo có điều kiện hơn. Tôi dự tính sẽ tập trung vào đề tài biển để tổ chức triển lãm ảnh cá nhân.
* Xin cảm ơn ông!
LÂM VY (thực hiện)