Những ngày Văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội lần thứ II với chủ đề “Tây Nguyên - Truyền thống và phát triển” vừa khai mạc trong âm thanh trầm hùng của các đoàn cồng chiêng đến từ rừng núi đại ngàn. Hơn 500 nghệ sĩ, nghệ nhân đại diện cho 5 tỉnh ở khu vực Tây Nguyên đã khắc họa một không gian đậm đà bản sắc dân tộc giữa lòng Hà Nội.
Các cô gái Tây Nguyên trong một điệu múa dân tộc.
Tây Nguyên của sắc hoa Pơ Lang, của bóng cây Kơ Nia, của những ngọn thác bạc đầu; của kho tàng sử thi, khan được già làng kể, truyền nối cho con cháu dưới ánh lửa bập bùng chưa bao giờ tắt. Tây Nguyên của những mái nhà Rông hùng dũng vươn lên trời xanh, nơi sản sinh, lưu giữ không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại… Tất cả được tái hiện trong chương trình khai mạc đầy ấn tượng.
Diễn ra đến hết 2/9, Những ngày Văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội sẽ giới thiệu đến người xem những nét văn hóa mang tính đặc trưng của các tộc người Tây Nguyên thông qua những hình ảnh, sưu tập hiện vật như trang phục truyền thống, trống da voi, cồng chiêng, công cụ lao động sản xuất, nhạc cụ, các hiện vật liên quan đến nghi lễ đời người… Bên cạnh đó, người xem cũng có cơ hội chiêm ngưỡng không gian lễ hội đâm trâu mừng lúa mới của dân tộc Ba Na, lễ trao vòng cầu hôn của người Ê Đê, giới thiệu các nhạc cụ tiêu biểu như trống làng Tây Nguyên, đàn đá, t'rưng, đinh pút… Lần đầu tiên, người xem có thể tiếp cận được với 100 bộ sử thi Tây Nguyên của các dân tộc Ba Na, Ê Đê, Raglay, Xê Đăng... Trong khuôn khổ Những ngày Văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội còn có 4 cuộc giao lưu, tọa đàm mang tên “Tây Nguyên - Những năm tháng không quên”, “Gặp gỡ Tây Nguyên”, “Âm vang Tây Nguyên” và “Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo và đa dạng của Tây Nguyên” được tổ chức với sự tham gia của rất nhiều chuyên gia, nhà văn hóa gắn bó với Tây Nguyên.
KHÁNH HÀ (tổng hợp)