Lần đầu tiên, một đại diện của sông nước miền Tây đã giành chiến thắng trong cuộc thi sắc đẹp uy tín nhất Việt Nam. Và sau hai mùa thi hoa hậu với ít nhiều tiếng bấc tiếng chì, lần này, sự lựa chọn của ban giám khảo đã được công chúng ủng hộ.
Chiếc vương miện lấp lánh đáng mơ ước song cũng rất “nặng”. Lịch sử 24 năm cuộc thi Hoa hậu Việt Nam cho thấy: giành chiến thắng trong cuộc thi này rất khó, song giữ được vương miện lấp lánh càng khó hơn!
Hoa hậu Bùi Bích Phương luôn được nhắc đến như một người đẹp học cao biết rộng.
GIỮ GÌN VƯƠNG MIỆN
Kể từ khi cuộc thi được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1988 (với tên gọi Hoa hậu toàn quốc Báo Tiền Phong, từ năm 2002 đổi tên thành Hoa hậu Việt Nam) đến nay, 13 người đẹp đã được xướng danh hoa hậu. Trên chặng đường sau đó, có những hoa hậu đã làm rạng rỡ thêm danh hiệu của mình, có những hoa hậu chọn cách sống lặng lẽ và cũng có những hoa hậu vất vả vượt qua thị phi. Chiếc vương miện mang đến cho người đội nhiều thứ song cũng lấy đi của họ nhiều thứ. Và, giữ cho vương miện luôn lấp lánh chưa bao giờ là điều dễ dàng!
Trong 13 hoa hậu đăng quang từ năm 1988 đến nay, một số người đã thành công trong sự nghiệp. Hoa hậu Bùi Bích Phương là một minh chứng. Được trao vương miện khi đang là sinh viên Khoa Tiếng Anh Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, hoa hậu đầu tiên của cuộc thi Hoa hậu toàn quốc Báo Tiền Phong sau đó đã giành được học bổng du học tại Hàn Quốc. Tốt nghiệp cao học chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại một ngôi trường có uy tín ở thủ đô Seoul, hoa hậu Bùi Bích Phương làm việc cho Quỹ Giáo dục đại học và sau đại học Hàn Quốc tại khu vực Đông Nam Á. Nhìn những gì mà hoa hậu Bùi Bích Phương làm được, ai dám bảo rằng người đẹp thì không thông minh, giỏi giang?
Đăng quang sau Bùi Bích Phương đúng 10 năm, Nguyễn Thị Ngọc Khánh là một hoa hậu đa tài và tích cực hoạt động. Đội vương miện khi là sinh viên Trường đại học Luật TP Hồ Chí Minh, sau đó người đẹp Hà Nội này thử sức mình qua nhiều công việc: tiếp viên hàng không, PR, dẫn chương trình, người mẫu, biên tập viên truyền hình… Khác với nhiều hoa hậu Việt Nam, Ngọc Khánh có gương mặt rất tây, ánh mắt luôn nhìn thẳng đầy tự tin và nụ cười làm người đối diện liên tưởng đến “người đàn bà đẹp” Julia Robert.
Chọn con đường kinh doanh sau khi du học tại Mỹ, hoa hậu Nguyễn Thu Thủy (đăng quang năm 1994) đã thành công với một chuỗi salon làm đẹp có mặt ở các thành phố lớn trong cả nước. Gần 20 năm sau khi đăng quang, người đẹp Hà Nội này vẫn giữ được vẻ tươi trẻ và rất tự tin.
Không chọn sự nghiệp mà chọn gia đình và có một cuộc sống hạnh phúc, đó là các hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa, Nguyễn Thiên Nga. Khi đăng quang cuộc thi Hoa hậu toàn quốc Báo Tiền Phong 1990, Nguyễn Diệu Hoa là sinh viên Khoa Tiếng Nga Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Ngoài tiếng Nga, hoa hậu này còn thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp. Những tưởng sẽ nối gót hoa hậu Bùi Bích Phương du học song chị kết hôn với một doanh nhân người Ấn Độ và trở thành bà mẹ hạnh phúc của ba đứa con. Còn hoa hậu Nguyễn Thiên Nga (đăng quang năm 1996), sau khi du học tại Mỹ, đã kết hôn với một giáo sư đại học. Các hoa hậu khác, dù không tham gia vào showbiz song thi thoảng vẫn xuất hiện trong các sự kiện của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, riêng hoa hậu Nguyễn Thiên Nga mất hút ở trời Tây.
Vẻ rạng rỡ của tân hoa hậu Đặng Thu Thảo - Nguồn: ngoisao.net
VẤT VẢ VỚI THỊ PHI
Trong khi một số hoa hậu khá im hơi lặng tiếng với truyền thông thì những hoa hậu khác thường xuyên xuất hiện trên mặt báo. Mai Phương Thúy (đăng quang năm 2006) là một ví dụ. Cô là hoa hậu Việt Nam tích cực tham gia hoạt động xã hội - từ thiện nhất và cũng là hoa hậu “hot” nhất. Với rất nhiều việc làm thể hiện sự quan tâm đối với trẻ em có hoàn cảnh không may, Mai Phương Thúy được công chúng yêu mến. Cô tham gia trình diễn thời trang, đóng phim (vai chính trong bộ phim truyền hình về ma túy, HIV/AIDS tên Âm tính), làm người mẫu ảnh... Và tai họa đến khi bộ ảnh Mai Phương Thúy mặc áo dài quá gợi cảm, quá táo bạo được đưa lên mạng. Nhiều người giận dữ chỉ trích cô hoa hậu có đôi chân dài nhất trong số các hậu Việt Nam.
Cùng với đàn chị Hà Kiều Anh (đăng quang năm 1992), Trần Thị Thùy Dung (đăng quang năm 2008) có lẽ là hoa hậu hứng chịu nhiều thị phi nhất. Tai tiếng mệt mỏi nhất của hoa hậu Hà Kiều Anh là vụ chồng cũ cô đi tù vì trốn thuế, còn tai tiếng của hoa hậu Thùy Dung là kết quả học tập, chưa tốt nghiệp THPT cùng “nghi án” học bạ giả. Việc Thùy Dung đăng quang đã gây nhiều tranh cãi bởi ngoài chiều cao, cô không phải là gương mặt nổi bật trong cuộc thi. Ngay sau khi Thùy Dung được trao vương miện, kết quả học tập của cô “rò rỉ” trên mạng cộng với thông tin chưa tốt nghiệp THPT, nhiều người bất bình đòi tước vương miện.
Theo chồng “bỏ cuộc chơi” và tránh ống kính báo giới, hoa hậu Phan Thu Ngân (đăng quang năm 2000) sống lặng lẽ đến mức công chúng dường như quên bẵng cô. Nhưng rồi cái tên Phan Thu Ngân trở lại trên mặt báo khi chồng cô vướng vào vòng lao lý trong một vụ án hối lộ và người đẹp Đồng Nai vất vả vượt qua áp lực của dư luận.
Có một gương mặt đẹp, một thân hình đẹp, một đôi chân dài là điều may mắn. Nhưng, như ông bà ta vẫn nói, rằng “Hồng nhan đa truân”, rằng trời cho thứ này thì lấy đi thứ khác. Và khi được trao vương miện, thì đó không chỉ là sự công nhận một nhan sắc mà là sự công nhận một VẺ ĐẸP. Để vương miện luôn lấp lánh thì người đăng quang phải trau dồi vẻ đẹp của mình, thể hiện vai trò “đại sứ cái đẹp” bằng những việc làm có ý nghĩa cho cộng đồng chứ không chỉ chăm chút cho nhan sắc, tham gia trình diễn thời trang, làm người mẫu ảnh… Công việc khó khăn đó, có hoa hậu làm được, có người không. Tân hoa hậu Đặng Thu Thảo, cô gái 21 tuổi đến từ Bạc Liêu vừa giành chiến thắng thuyết phục trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2012 tổ chức tại TP Đà Nẵng sẽ làm gì để danh hiệu tỏa sáng? Câu trả lời vẫn còn ở phía trước.
LÂM VY