Mới đây, khi Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam mở trại sáng tác tại Phú Yên, một người bạn là dân “ngoại đạo” nói với tôi: Dạo này trại sáng tác thường xuyên được mở ở Phú Yên. Lẽ nào mấy “ông” văn nghệ sĩ cần phải “vô trại” thì mới sáng tác được?
Hàng trăm tác phẩm đã được “thu hoạch” sau khi khép lại Trại sáng tác Văn học nghệ thuật do Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam tổ chức tại Phú Yên. Trong ảnh: Lễ bế mạc trại sáng tác - Ảnh: N.PHƯƠNG
Thắc mắc ấy hoàn toàn có cơ sở, khi mà kinh phí để tổ chức một trại sáng tác “cấp” địa phương cũng đã lên đến vài chục triệu đồng. Và những người sáng tác chuyên nghiệp nói chung, viết văn nói riêng, không phải đợi đến khi “vô trại” thì mới sáng tạo tác phẩm. Với những người chuyên nghiệp đó, sáng tác là công việc hàng ngày, hàng tuần. Họ không đợi cảm xúc đến mà tự “đi tìm” cảm xúc. Như nhà văn Trần Huiền Ân có lần đã nói: “Cứ ngồi vào bàn viết thì sẽ ra chữ. Chữ gọi chữ”. Hơn nữa, hội viên thì đông, trại sáng tác của hội địa phương và trung ương, nhiều lắm thì mỗi năm mở một lần. Năm nay “đi trại”, nhanh nhất thì cũng phải đến ba, bốn năm sau mới có cơ hội đi tiếp. Chờ đến khi “đi trại” mới sáng tác thì chờ đến bao giờ?
Thế nhưng không phải hội viên nào cũng là người sáng tác chuyên nghiệp, cũng có thời gian và đặc biệt là có kỹ năng ngồi vào bàn viết thì ra chữ. Rất nhiều hội viên bù đầu với những công việc chẳng liên quan gì đến văn học nghệ thuật, rất nhiều hội viên bị cuốn vào guồng quay hối hả của cuộc sống, có rất ít thời gian dành cho công việc sáng tạo. Và với họ, tham gia trại sáng tác là cơ hội tuyệt vời để tách mình ra khỏi công việc thường ngày, không phải hớt hơ hớt hải đưa đón con, lo chợ búa, cơm nước mà thư giãn đầu óc, kiếm tìm cảm xúc, sáng tác và hoàn thiện tác phẩm mà mình hằng ấp ủ.
Chưa bao giờ trại sáng tác “rộ” tại Phú Yên như gần 2 năm qua. Báo cáo tình hình hoạt động văn học nghệ thuật sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị cho thấy: Chỉ riêng trong năm 2011 và 4 tháng đầu năm 2012, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên phối hợp với các hội, đơn vị ở Trung ương như Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh và Tạp chí Văn nghệ Quân đội mở 5 trại sáng tác văn học nghệ thuật tại Phú Yên với hơn 200 trại viên tham dự. Hội đã mời nhà văn Chu Lai, nhà thơ Trần Đăng Khoa, các nhạc sĩ: Đỗ Hồng Quân, Thế Bảo, Đức Trịnh, các nghệ sĩ nhiếp ảnh: Lê Hồng Linh, Đào Tiến Đạt về truyền đạt nghiệp vụ chuyên môn cho trại viên. Đặc biệt, hội còn mời Giáo sư - tiến sĩ Đinh Xuân Dũng - Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, nhà văn Đỗ Kim Cuông, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và đồng chí Nguyễn Văn Tân, ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy truyền đạt nghị quyết của Đảng về văn hóa văn nghệ cho các trại viên để nâng cao nhận thức chính trị và định hướng sáng tác.
Trong số các trại sáng tác được tổ chức tại Phú Yên, đình đám nhất là trại sáng tác văn học của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Trước hết, vì Văn nghệ Quân đội là một tạp chí văn chương có uy tín, có bề dày hơn nửa thế kỷ đồng hành với công cuộc giữ nước, bảo vệ và xây dựng đất nước, và nhiều cây bút tên tuổi ở các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh, An Giang đã hội ngộ tại Khu du lịch sinh thái Sao Việt, nơi trại sáng tác của Văn nghệ Quân đội lần đầu tiên được mở trên xứ Nẫu. Trong bài viết tổng kết trại sáng tác có cái tên rất mềm mại Phú Yên tháng tư này, đi và viết, những người phụ trách cho biết: “Qua gần 20 ngày miệt mài, có hơn 20 truyện ngắn, bút ký của các tác giả đã hoàn thành, tác phẩm viết về chiến tranh lấy cảm hứng từ vùng đất và con người Phú Yên chiếm số lượng lớn… Kết thúc trại viết là sự bắt đầu của quá trình sáng tạo tác phẩm mới, không chỉ là truyện ngắn, bút ký hay thơ mà có thể là các thể loại văn học dài hơi hơn như tiểu thuyết, trường ca về chiến tranh cách mạng xưa và nay trên vùng đất Phú Yên này”.
Sau khi trại viết của tạp chí Văn nghệ Quân đội khép lại, đầu tháng 5/2012, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng tác (Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) mở trại sáng tác cho hội viên tại Nhà sáng tác Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc). Trong 15 ngày sống giữa mây trời, 13 văn nghệ sĩ ở 5 chi hội chuyên ngành: Văn học, Mỹ thuật, Âm nhạc, Sân khấu và Nhiếp ảnh thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên đã hoàn thành 62 tác phẩm gồm 5 truyện ngắn, 16 tản văn, 13 bài thơ, 11 tác phẩm mỹ thuật (phác thảo), 2 ca khúc, 1 kịch bản sân khấu và 14 ảnh nghệ thuật, trong đó có những tác phẩm đầy cảm xúc về Tam Đảo. Đó là chưa kể đến những tác phẩm ra đời sau khi các trại viên trở về mảnh đất chang chang nắng gió ở miền Trung, với nỗi nhớ dịu dàng về thị trấn bồng bềnh trong mây và trải cảm xúc lên những trang viết.
Mới đây, vào tháng 6/2012, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam mở trại sáng tác văn học nghệ thuật khu vực miền Trung, cũng tại Phú Yên, thu hút 25 văn nghệ sĩ đến từ 13 hội Văn học Nghệ thuật các tỉnh vùng duyên hải. Tuy thời gian tham gia trại không nhiều (chỉ hơn 10 ngày) song các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh trong khu vực đã sáng tác 32 truyện ngắn, 13 bút ký, hơn 100 bài thơ, 60 tác phẩm nhiếp ảnh và 13 phác thảo tranh với nhiều chất liệu: sơn dầu, acrylic, lụa, chì than... Không chỉ sáng tạo tác phẩm, văn nghệ sĩ tham gia trại sáng tác còn được các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ nhiếp ảnh có nhiều kinh nghiệm trao đổi về chuyên môn, trau dồi thêm kỹ năng sáng tác.
Nếu như hỗ trợ sáng tạo, hỗ trợ xuất bản là cách tiếp sức rất hiệu quả cho văn nghệ sĩ, thì mở trại sáng tác, tổ chức cho hội viên đi thực tế là cách khơi dòng cảm xúc để từ đó, nhiều tác phẩm ra đời.
NAM PHƯƠNG