Từ trung tâm TX Cao Bằng đi khoảng 50km về phía bắc là đến Khu di tích lịch sử Pắc Bó (thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng). Theo tiếng dân tộc địa phương, Pắc Bó có nghĩa là “miệng nguồn”, là mầm sống của sự sống “Nơi Bác về nguồn nước mới sinh” (thơ Tố Hữu).
Khách tham quan hang Cốc Bó nơi Bác Hồ ở và làm việc - Ảnh: T.QUỚI
Xe chạy qua vài khoảng đồng ruộng lúa hiếm hoi và những vách núi dựng đứng đầy hiểm trở. Hai bên đường, thỉnh thoảng điểm thêm những vạt hoa rừng từng khóm đỏ, nâu như tấm thổ cẩm đặc trưng của đồng bào các dân tộc phía bắc. Trước khi đến Pắc Bó, là một di tích cách mạng nổi tiếng: Mộ anh Kim Đồng. “Anh Kim Đồng đi liên lạc” bài học từ cấp một bỗng ùa về trong mỗi người. Mộ Kim Đồng (liệt sĩ Nông Văn Dền) được xây bên sườn vách núi Tẻo Lài, tựa lưng vào những tường đá xanh đen nhấp nhô, trước mặt là một khoảng đồng xanh mát quanh năm nhờ mạch nguồn từ con suối gần đó.
Tiếp tục về hướng Pắc Bó, bản Nà Mạ mở rộng cửa đón khách thập phương đến thǎm khu di tích cách mạng.
Pắc Bó là đây! những nóc nhà ẩn hiện sau từng lượt núi sừng sững, một vị trí xung yếu bao thời, nơi “quan hà bách nhị do thiên thiết” (chỗ xung yếu, hai người có thể chống được trǎm, do trời đặt ra). Ở đây núi Các Mác, suối Lê Nin, có hang Cốc Bó được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm nơi ở sau hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài trở về Tổ quốc (08/02/1941) để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trên đồi cao khu nhà thờ Bác Hồ đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Chúng ta về Pắc Bó để cảm nhận thêm về “Cuộc đời cách mạng thật là sang” của Bác Hồ vĩ đại. Hang Cốc Bó nơi Bác ở nằm tận cùng của khu di tích, trên một sườn núi. Đường lên cửa hang dài khoảng 50m dốc núi cheo leo. Hang rộng dài chừng hơn chục mét, một bên là tấm phản dùng làm nơi Bác nghỉ, phía đối diện là chỗ nghỉ của các đồng chí bảo vệ Bác. Trên trần hang, những giọt thạch nhũ tạo nên nhiều hình tượng kỳ thú đẹp đến bí ẩn. Nơi Bác ngồi làm việc là một phiến đá bằng phẳng (bàn đá) trước cửa hang bên kia bờ suối. Cách đó không xa là lán Khuổi Nậm, nơi đây Bác Hồ triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ tám, ra nghị quyết chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa, thành lập Việt Minh và Chiến khu cách mạng.
Nước suối trong vắt, đêm ngày rì rào như trò chuyện. Đứng trên phiến đá, chúng ta vốc từng vốc nước suối nguồn rửa mặt mà cảm nhận sự lạc quan cách mạng của Người:
“Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Ðảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang”.
Đi trên những tảng đá rêu phong dọc bờ suối, nơi Bác Hồ thường ngồi làm việc và câu cá thư giãn sau giờ lo việc nước, trong mỗi chúng tôi trào dâng một niềm mến thương, thán phục tột cùng về cuộc đời của vị cha già dân tộc.
QUỲNH MAI