Thường ngày, anh xuề xòa quần ống thấp ống cao, lam lũ chăn hàng ngàn con vịt chạy đồng. Những khi vào dịp lễ, CLB Hội Bài chòi tỉnh đi diễn, anh lại áo dài khăn đóng chỉnh tề hóa thành anh hiệu ngọt ngào mang lời ca tiếng hát và trò chơi dân gian phục vụ mọi người. Anh là Phùng Long Ẩn, Phó chủ nhiệm CLB Các trò chơi dân gian, phụ trách CLB Hội Bài chòi tỉnh.
Anh hiệu Phùng Long Ẩn đang hô bài chòi tại cửa biển Đà Diễn - Ảnh: H.MY
HẠNH NGỘ CÙNG BÀI CHÒI
Phùng Long Ẩn sinh ra trong một gia đình nông dân ở thôn Giai Sơn, xã An Mỹ, huyện Tuy An. Từ nhỏ, anh đã mê ca hát. Năm 7 tuổi, Ẩn đã biết chắt chiu số tiền ăn vặt ít ỏi để mua các loại băng nhạc về nghe và tự học. Giọng ca ngọt ngào, đằm thắm của các nghệ sĩ cải lương cứ thấm lịm vào tai Long Ẩn, và rồi phát ra từ cửa miệng của anh tự lúc nào không hay. Lớn hơn, Long Ẩn tham gia vào đội văn nghệ của thôn, xã, mang lời ca phục vụ bà con. Năm 2000, một lần, anh tình cờ xem diễn bài chòi. Trò chơi dân gian thú vị và dí dỏm đã cuốn hút chàng trai “chân đất” ngay từ những câu thai, bài vè đặc sắc. Anh tìm mua các loại băng đĩa và tài liệu bài chòi về nghiên cứu. Long Ẩn học hát bài chòi mọi lúc, cả những khi lang thang theo bầy vịt cạp cạp dưới mương hay những đêm khuya dựng lều thức canh vịt giữa đồng. Tự học vẫn chưa yên tâm, anh tìm đến hai thầy dạy nhạc Phạm Ngọc Dũng và Dương Kim Hoàng để học cách hát bài bản. Tuy say mê bài chòi nhưng thời điểm đó, Long Ẩn chưa có đất “dụng võ”. Thấy nhiều người bạn ở các xã lân cận cũng làm nông như mình, cũng mê ca hát, nên năm 2006, anh tập hợp thành một nhóm đờn ca tài tử. Cuối tuần, sau thời gian làm đồng vất vả, các thành viên lại tụ tập quanh sân nhà một người trong nhóm hát hò thư giãn. Thấy vậy, ông Trần Đông (xã An Hiệp, huyện Tuy An), một người rất yêu thích và hay sưu tầm các câu thai bài chòi đã đề nghị anh Long Ẩn cùng các thành viên trong nhóm đờn ca tài tử thành lập CLB Bài chòi để phục vụ bà con. Từ đó, nghiệp hô hiệu gắn liền với cuộc đời Long Ẩn… “Đánh bài chòi là một trò chơi dân gian giải trí mang tính chất văn chương bình dân. Người ta đánh bài chòi để thử thời vận hên xui, chứ không tính ăn thua đỏ đen. Mỗi lần hô bài chòi, thấy người dân hào hứng tham gia, thả hồn theo những câu hò, điệu hát mộc mạc, dân dã…, tôi thấy rất vui vì đã góp phần gìn giữ và phát triển một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc của dân tộc”, anh Long Ẩn chia sẻ.
DƯỠNG NUÔI NGUỒN MẠCH
Ở tuổi 49, công việc chăn vịt chạy đồng đã gắn bó với anh Long Ẩn hơn nửa cuộc đời mưu sinh. Vào mùa ruộng nước, ban ngày anh lùa hơn 2.000 con vịt đi ăn. Đêm đến, anh dựng chòi thức canh vịt giữa đồng. Tuy cuộc sống mưu sinh vất vả, nhưng không vì thế mà tâm hồn anh Long Ẩn trở nên chai lì, khô cứng. Cứ vào dịp tết hoặc bất cứ khi nào các địa phương tổ chức lễ hội, anh lại nhốt bầy vịt trong vườn nhà, khăn gói cùng CLB Bài chòi đi biểu diễn, phục vụ bà con. Gác đi điệu bộ của một anh nông dân chân lấm tay bùn, trong trang phục áo dài, khăn đóng của người hô hiệu, anh như một liền anh ca câu thai trữ tình, đằm thắm mà không kém phần dí dỏm, thu hút: “Đây chung rượu đậm đà tình nghĩa/Chúc quý cô trẻ mãi không già/Đẹp xinh như một bông hoa/ Sắc hương cá lặn chim sa nguyệt nhường/Nếu như vẫn phòng không gối chiếc/Chúc năm nay cô sẽ kết duyên/Ví như ván đã đóng thuyền/Chúc cho bền đẹp mối duyên tơ hồng”. Theo anh Long Ẩn, cuộc chơi bài chòi có sinh động và rôm rả phụ thuộc nhiều vào tài hô hát của anh hiệu. “Hô hiệu tưởng đơn giản nhưng lại là công việc đòi hỏi nhiều kỹ năng, vừa phải rành các điệu hát, điệu hò quen thuộc, nhớ nhiều thơ, ca dao và am hiểu văn hóa, đặc trưng của nơi diễn ra hội bài chòi để ứng biến vào trong các câu thai nhằm tạo sự gần gũi và sinh động, vừa phải dí dỏm, hài hước và có duyên để thu hút sự chú ý của người chơi, qua đó giúp họ cảm nhận rằng đây là một trò chơi văn hóa đầy ý nghĩa và thú vị”, anh bộc bạch.
Theo học hô bài chòi từ năm 2000, anh bắt đầu đi diễn từ năm 2005 cho Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tuy An, sau đó từ năm 2007 cùng CLB Bài chòi diễn tại Thuận Thảo và khắp các nơi trong tỉnh. Hơn 12 năm gắn bó, anh Long Ẩn đã xem loại hình dân gian này như một phần máu thịt. Hiện anh đang là Phó chủ nhiệm CLB Các trò chơi dân gian, phụ trách trò chơi bài chòi, đồng thời là hội viên Hội Văn nghệ dân gian và văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh và Hội Văn học nghệ thuật tỉnh.
Ông Lê Văn Hiếu, Chủ nhiệm CLB Các trò chơi dân gian nhận xét: “Long Ẩn là một người đam mê và giàu nhiệt huyết với bài chòi. Mặc dù việc mưu sinh vất vả nhưng mỗi khi có lịch diễn, anh lại hào hứng tham gia. Nếu có nhiều người giàu lửa say mê như anh, không chỉ riêng bài chòi mà các loại hình văn hóa dân gian khác cũng sẽ được duy trì và phát triển”.
HÀ KIỀU MY