Thứ Ba, 15/10/2024 03:23 SA
Thắp lửa cuộc đời
Thứ Sáu, 03/08/2012 18:00 CH

Không có được cơ thể toàn vẹn, nhưng bù lại cuộc sống cho ông niềm say mê với âm nhạc. Và ông đã đi đến cùng niềm đam mê ấy bằng nội lực của bản thân và sự giúp đỡ của bạn bè. Ông là Nguyễn Tư, ở thôn 2 (xã Hòa Vinh, Đông Hòa), được học trò và những người say mê tiếng đàn của ông gọi bằng cái tên thân thương: “thầy Tư”.

cafe120803.jpg

Ông Tư chơi đàn tại quán cà phê Hương Tư - Ảnh: T.HÀ

TUỔI THƠ XOAY VẦN BÊN CON CHỮ

Tôi hỏi thầy Thanh vì sao có đủ kiên nhẫn để hằng ngày đạp xe tới nhà một học trò tàn tật dạy nhạc, ông trả lời: “Tôi nhìn thấy ngọn lửa đam mê và khao khát cháy bỏng trong mắt em ấy. Tư là niềm tự hào của tôi”.

Năm lên một tuổi, cậu bé Tư bị cơn sốt hành hạ đến bại liệt. Mặc cảm tàn tật đôi chân đè nặng lên trái tim non nớt, biến Tư trở thành người lặng lẽ, ngại tiếp xúc với người khác. Vì di chuyển bằng tay vất vả, nên Tư không được đi học như những đứa trẻ cùng lứa. Ông Tư bộc bạch: “Cha rất khổ tâm khi nhìn thấy tôi bò lếch bằng tay, trong khi những đứa trẻ khác vui chơi, chạy nhảy trên những đôi chân khỏe mạnh… nên cha cho tôi ở nhà để bớt mặc cảm”. Còn ông Nguyễn Được, anh trai ông Tư, nhớ lại: “Nhà đông anh em, thấy Tư bị tật như vậy tôi cũng thương lắm, nhưng lúc còn nhỏ tôi chưa quan tâm nhiều đến em. Với lại, tính Tư ít nói, chẳng bao giờ chia sẻ với ai điều gì nên rất khó biết được suy nghĩ của chú ấy”. Gia đình ai tự lo cho người ấy, chẳng để ý đến cậu bé Tư tàn tật suốt ngày quanh quẩn ở nhà. Cũng không ai biết sau vẻ thầm lặng ấy của Tư là một khát khao: được biết chữ.

Không đến trường như bè bạn, Tư tự học ở nhà. Ban đầu, với tập vở và bút chì, Tư hỏi những người xung quanh để biết được một chữ cái, rồi viết vào giấy, nhẩm đi nhẩm lại, đến khi nào thuộc, lại hỏi chữ tiếp theo. Cứ thế, cậu bé mò mẫm theo từng con chữ. Không được dạy bài bản, chữ nghĩa cứ lẩn quẩn làm Tư rơi không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt. Thế nhưng chưa bao giờ Tư đầu hàng trước những khó khăn. Đến khi biết được các mặt chữ rồi, Tư mày mò kiếm sách để học; tìm được sách gì đọc sách đó. Những con chữ ban đầu không biết trật tự là gì, dần dà phải chịu khuất phục trước sự miệt mài của Tư. Hành trình học chữ gian nan và kéo dài đến năm 15 tuổi, cậu bé tàn tật ấy mới có thể đọc thông, viết thạo. Vậy mà mọi người cũng chẳng thấy Tư vui hơn. “Sách thổi vào lòng tôi những ước mơ. Tôi muốn sống khác đi. Tôi muốn đi tới nhiều nơi để làm những việc mình thích nhưng càng đọc tôi càng thấy mình bất lực. Những ngày tự học tuy vất vả nhưng ít ra đó cũng là một công việc để tôi có hướng đi tới. Sau khi học xong rồi, tôi lại thấy mọi thứ trống rỗng, khủng hoảng lại bắt đầu. Đó là thời kỳ buồn tủi nhất trong đời tôi”, ông Tư thổ lộ.

SAY MÊ VỚI CÂY ĐÀN

Chính vì cái buồn ấy mà ông bén duyên cùng cây đàn. Lúc đầu ông ôm đàn chỉ muốn cho cuộc sống đỡ tẻ nhạt, dần dà say mê tiếng đàn lúc nào không hay. Năm 17 tuổi, ông may mắn gặp thầy Ngô Văn Thanh. Dù đang giảng dạy bộ môn Toán tại Trường THPT Lê Trung Kiên, nhưng thầy vẫn am hiểu về nhạc lý và say mê đàn hát. Sự xuất hiện của thầy Thanh như một phép màu với ông. “Thầy Thanh đã khơi sáng tâm hồn tôi. Nếu không có thầy Thanh, sẽ không có tôi của ngày hôm nay”, ông Tư tâm sự.

Người thầy ấy đã dạy cho ông guitar và những kiến thức âm nhạc căn bản, đồng thời thổi vào cuộc sống thầm lặng của ông một làn gió mới mẻ. Ông say mê lao vào học đàn như khi học chữ. Sự tiến bộ của ông có thể nhìn thấy từng ngày. Hai năm sau, dựa trên những kiến thức âm nhạc sẵn có, ông tự học thêm Organ. Vì theo như ông nói, Organ đại chúng hơn. Và một lần nữa, ông lại thành công.

Có được cây đàn, ông bắt đầu bước vào con đường nghệ thuật. Lúc đầu ông chỉ đệm đàn cho các hoạt động văn nghệ trong xã, huyện và đoàn thanh niên. Ông ham mê những hoạt động sôi nổi của tuổi trẻ; đồng hành cùng họ từ đêm nhạc này sang đêm nhạc khác, từ nơi này sang nơi khác. Ông đi khắp nơi mang tiếng đàn khát khao cuộc sống của mình làm xao động trái tim của những người yêu nhạc. Thời đó, kinh phí hoạt động đoàn thanh niên rất hạn chế, nên những đêm chơi đàn của ông cũng là “miễn phí”. Nhưng từ những chuyến đi đó, người ta bắt đầu biết đến ông rồi mời ông đệm đàn ở các quán bar, nhà hàng. Từ việc chỉ chơi đàn vì niềm đam mê, giờ đây ông có thể sống được với nó.

Không có đôi chân, thiếu phương tiện đi lại, hằng đêm, ông nhờ người chở bằng xe đạp từ Hòa Vinh ra quán Hoa Sứ ở xã Hòa An, huyện Phú Hòa và chơi đàn đến 11, 12g khuya. Ông đã đi như thế trong 3 năm liền. Ông Tư nhớ lại: “Có những lúc đang chơi đàn thì trời đổ mưa, bạn bè phải bê cây đàn vào trước rồi mới quay ra bế tôi vào sau. Đó là những ngày tháng cơ cực, nhưng vui. Và tôi đã chơi đàn hết mình”.

Phong trào hát nhạc sống ngày càng nở rộ, ông đi khắp nơi từ các quán trong tỉnh đến ngoài tỉnh để phục vụ những người yêu ca hát. Lần nào cũng là bạn bè chở đi. Từ đó, nhiều người biết đến ông. Học trò tìm đến nhờ ông chỉ dạy. Từ ngôi nhà nhỏ ông dùng làm lớp học, đã có vài trăm học trò “tốt nghiệp”. Trong số đó có Nguyễn Hân, nhạc công Đoàn ca múa nhạc Dân gian Sao Biển và nhiều học trò đang dạy nhạc ở các trường tiểu học, THCS...

daynhac120803.jpg
Ông Tư (ngồi giữa) dạy đàn cho học trò- Ảnh: T.HÀ

HẠNH PHÚC GIỮA ĐỜI THƯỜNG

Ông làm việc tất bật nhưng không kiếm được nhiều tiền. Học trò đến học đưa bao nhiêu tùy tâm; hoạt động trong xã đoàn thì không tiền; đánh đàn ở các quán phải trả nhiều chi phí. Thế nhưng, chưa bao giờ ông nản, bởi biết rằng sau lưng vẫn còn rất nhiều tấm lòng. Từ lúc học đàn đến khi đi làm, ông đã “tàn phá” nhiều cây đàn mà chẳng bao giờ có tiền mua lại. Và hết lần này đến lần nọ, bạn bè, học trò đều gom góp để mua cho ông cây đàn mới. Họ đã song hành cùng ông, ủng hộ, giúp đỡ ông từ những chuyến đi gần đến xa, từ lúc còn độc thân đến khi có gia đình. Cả hôn lễ của ông cũng có sự đóng góp không nhỏ từ họ. Và đến giờ, những người bạn vẫn đang tiếp tục đồng hành bên ông. Đó là những nghĩa cử không bao giờ ông quên. Ông tự hứa với lòng mình phải sống mạnh mẽ, sống hết mình, xem đây như là một cách trả nợ cho cuộc đời này, cho những tấm lòng đã yêu thương, tin tưởng, giúp đỡ ông.

Giờ ông có một gia đình với vợ và hai con trai. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Thu Hương, quê Khánh Hòa gặp nhau lúc ông làm ở quán Hoa Sứ. Bà cảm mến và khâm phục ý chí của ông từ lâu, nhưng phải vài năm sau mới đủ dũng cảm đến với ông. Hai con ông đã học THCS, cả hai đều chăm ngoan học giỏi.

Đến gia đình thầy Tư vào những ngày hè, nhìn lớp học gần 20 người với mọi lứa tuổi; nhìn thầy Tư say sưa chỉ dạy học trò đánh đàn, tôi cảm thấy cuộc đời ông đã qua rồi những ngày buồn tủi. Ông không đi đệm đàn ở các quán nữa. Ở nhà, ngoài việc dạy đàn ban ngày, ban đêm ông mở một quán cà phê nho nhỏ. Cà phê Hương Tư, dành cho những người yêu ca hát. Quán nằm sâu trong con hẻm, nhưng vẫn có một lượng khách cố định mỗi đêm. Quán được lập ra là nỗ lực của bản thân và là tình cảm của rất nhiều học trò, bạn bè dành cho ông. Hỏi về cuộc sống hiện tại, ông bảo gia đình vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng ông bằng lòng với những gì mình đang có.

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek