Là tác giả của hàng chục ca khúc nhưng nhắc đến nhạc sĩ Hoàng Quý, người mộ điệu thường nghĩ ngay đến nhạc phẩm Cô láng giềng. Bài hát bất hủ gắn liền với tên tuổi Hoàng Quý lại khởi nguồn từ một chuyện tình buồn của ông.
Cố nhạc sĩ Hoàng Quý.
MỐI TÌNH VỚI HOA KHÔI ĐẤT CẢNG
Hoàng Quý sinh năm 1920 tại Hải Phòng, là người đứng đắn, đàng hoàng và có đời sống tình cảm rất kín đáo, trong sáng. Yêu văn nghệ từ nhỏ nhưng không có tiền đi học nên nhiều đêm ông phải leo tường nhìn vào vũ trường, vừa xem vừa học lỏm các nhóm nhạc biểu diễn. Sau này ông dạy giờ - tức dạy giờ nào được trả lương giờ ấy - ở Trường trung học Ngô Quyền, Hải Phòng; cuộc sống tuy chật vật nhưng lúc nào ông cũng yêu đời và hăng say cống hiến. Năm Hoàng Quý 16 tuổi, thân mẫu qua đời, ông là anh cả nên phải cáng đáng chuyện gia đình, nuôi nấng các em ăn học, có nghề nghiệp ổn định. Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, Hoàng Quý là một trong số rất ít nhạc sĩ tiên phong sáng tác hùng ca, nhạc cho thanh niên, nhạc lịch sử.
Sinh thời, Hoàng Quý cũng có những mối tình đẹp, song khắc ghi trong tim ông sâu đậm là mối tình với cô gái láng giềng. Người con gái ấy tên Hoàng Oanh, rất xinh đẹp, được ca tụng là hoa khôi của thành phố Cảng lúc bấy giờ. Hoàng Oanh có nhiều người đeo đuổi, thương thầm nhớ trộm. Cô gặp Hoàng Quý như một sự an bài, họ dìu nhau đi vào cuộc tình thơ mộng. Hoàng Quý là người kín đáo, chuyện tình của ông ít người hay biết. Mỗi lần hẹn hò, họ thường đưa nhau về tận ngoại ô nên dân thành phố chẳng ai bắt gặp đôi trai tài gái sắc sánh vai bao giờ. Hoàng Oanh là người trọng tài, lại mến phục tính cách, biết hy sinh của người yêu nên lúc đó, dù có nhiều công tử con nhà giàu, quyền thế theo đuổi nhưng vẫn một lòng yêu thương Hoàng Quý. Trong số các cây si này có một người thông phán hết mực si mê, săn đuổi Hoàng Oanh. Trong lá thư gửi cho Hoàng Oanh, người này ca ngợi nhan sắc của cô đồng thời ngỏ ý trách giận cô thiếu thực tế, đi yêu một nghệ sĩ nghèo khổ, không xứng tầm nhan sắc. Lá thư đó, Hoàng Oanh cũng đưa cho người yêu đọc.
ĐAU TÌNH
Yêu say đắm song Hoàng Quý vẫn gác lại chuyện hẹn hò đôi lứa để bí mật tham gia Mặt trận Việt Minh. Thỉnh thoảng ông ghé về thăm nhà, gặp gỡ người yêu rồi lại lặng lẽ rời xa, đi theo tiếng gọi của quê hương. Trong những lần tái ngộ này, tình yêu của hai người càng thêm thắm thiết bởi Hoàng Oanh lo cho người yêu từ lọ dầu phòng lúc trở trời đến chiếc khăn làm kỷ vật. Nhưng rồi sau một chuyến về thăm, suốt mấy tháng trời họ bặt tin nhau, không ai thấy Hoàng Quý về thăm nhà như trước. Lòng dạ Hoàng Oanh héo hon, sầu muộn vì lo lắng, thương nhớ người yêu. Thời gian này, chuyện tình giữa họ càng trắc trở khi có người thứ ba - vừa khôi ngô vừa giàu có - đeo đuổi Hoàng Oanh. Cô đơn, trống vắng, Hoàng Oanh dần quên chàng nghệ sĩ nghèo khó và ngã vào vòng tay người khác. Cuộc tình diễn ra hết sức bí mật.
Hoàng Quý trở về, vẫn không biết người tình trong mộng đã bạc lòng thay đổi. Hoàng Oanh khó xử nhưng vẫn diễn vở kịch chung thủy, tha thiết yêu Hoàng Quý và nhạc sĩ này tưởng thật, cũng một lòng say đắm Hoàng Oanh.
Chỉ đến một hôm, có người bạn rỉ tai về chuyện người yêu từ lâu phản bội, Hoàng Quý mới lưu tâm dò xét. Một tối ra ngoài có việc về khuya, Hoàng Quý tình cờ nhìn thấy đôi nam nữ đang khoác vai đi từng bước chậm để tâm tình. Càng đến gần, Hoàng Quý càng nhận thấy vóc dáng quen thuộc của người con gái mình yêu thương. Ông bắt đầu đi chậm để tiện việc theo dõi. Đến lúc nhận định rõ ràng, Hoàng Quý mới rảo bước lại gần. Như kẻ trộm bị phát hiện, Hoàng Oanh biến sắc, còn Hoàng Quý vẫn tỏ ra bình thản, không một tiếng nói, không một cử chỉ, tiếp tục thả bộ về nhà. Tâm sự với bạn, Hoàng Quý chia sẻ có lẽ ông và Hoàng Oanh có duyên không nợ, và sự việc xảy ra, ông coi như Hoàng Oanh đã đi lấy chồng. Quả thật, một tháng sau, người tình một thời của Hoàng Quý bước lên xe hoa. Hoàng Quý buồn bã, chiều chiều thơ thẩn sau nhà, thấy hoa tường vi lại nhớ đến những ngày bên nhau say đắm. Nỗi buồn càng thấm đượm trong tim. Một đêm thao thức, cuốn phim dĩ vãng lại bất chợt quay về, Hoàng Quý ghi vội những câu ca xuất phát tự đáy lòng: “Cô láng giềng ơi, không biết cô còn nhớ đến tôi, đến phút êm đềm ngày xưa kia/ Khi còn ngây thơ…” Ca khúc Cô láng giềng ra đời trong hoàn cảnh ấy, và trở nên bất hủ với thời gian.
Đầu năm 1946, Hoàng Quý mắc bệnh nan y. Nằm liệt trên giường với nỗi đau thể xác, ông vẫn không sao quên được cuộc tình đẹp phút chốc như khói mây ngang trời.
Nửa năm sau, ông trút hơi thở cuối cùng, hưởng dương 26 tuổi trong sự thương tiếc của người thân, bạn bè và những ai yêu âm nhạc ở thành phố Cảng. Trước phút lâm chung, người cũ Hoàng Oanh có tìm đến xin thăm nhưng ông không đồng ý gặp, coi như đã chết một cuộc tình.
TUYẾT DÂN