Phong trào văn nghệ quần chúng ở huyện Đồng Xuân đã có sự lan tỏa xuống các xã, thôn; nhiều đội văn nghệ hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.
Các thiếu nữ đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đồng Xuân biểu diễn trong Ngày hội văn hóa các dân tộc - Ảnh: K.CHI |
Ngoài đội thông tin lưu động của huyện với 30 thành viên, ở Đồng Xuân hầu như xã nào cũng có đội văn nghệ với các thành viên năng nổ. Phong trào văn nghệ quần chúng trong huyện được phát triển, lan tỏa khắp các cơ quan, đơn vị, trường học và cộng đồng dân cư. Các hạt nhân văn nghệ như: Như Quỳnh, Thanh Thảo, Văn Liêm, Văn Dũng, Trịnh Huy Chuẩn, Văn Toàn… lặng lẽ góp phần nuôi dưỡng mạch nguồn phong trào.
Theo ông Phạm Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Đồng Xuân, những năm trước giải phóng, huyện đã có đội văn nghệ. Trước kia, dù hoạt động bí mật trong lòng địch nhưng lời ca, tiếng hát của các thành viên trong đội đã động viên nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, tham gia kháng chiến, phục vụ cách mạng. Trên nền tảng đó, những năm 1985-1986, khi huyện tách khỏi TX Sông Cầu, phong trào văn nghệ quần chúng bắt đầu phát triển sâu rộng hơn. “Hiện nay, gần như xã nào cũng có đội văn nghệ chuyên phục vụ tại địa phương. Văn nghệ đã trở thành liều thuốc bổ ích, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân nên mọi người đều cố gắng gìn giữ, bồi dưỡng niềm đam mê này. Hàng năm, Đảng ủy, UBND huyện dành một khoản kinh phí nhất định để tổ chức các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng nhằm phát hiện, bồi dưỡng, bổ sung hạt nhân cho phong trào, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sinh hoạt văn hóa của người dân”, ông Quang chia sẻ.
Ở Đồng Xuân, phong trào văn hóa văn nghệ phát triển sâu rộng ở nhiều loại hình nghệ thuật. Điểm nổi bật của phong trào văn nghệ quần chúng trong những năm gần đây là việc phát huy các loại hình văn nghệ truyền thống. Vào dịp đầu xuân, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện hỗ trợ các xã tổ chức hội bài chòi để phục vụ người dân. Đặc biệt, văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số luôn được gìn giữ và phát huy qua các lễ hội. Hầu hết các thôn của các xã vùng cao như Hà Rai, Xí Thoại… đều có đội cồng chiêng, có đội nhiều lần biểu diễn, giao lưu tại Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam khu vực và toàn quốc.
Tại các kỳ liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng cấp tỉnh và khu vực, các tiết mục văn nghệ của huyện Đồng Xuân thường đoạt giải cao. Trong mỗi đợt hội diễn, hội thi ở huyện, các đơn vị tham gia đều thể hiện sự đồng đều cũng như tiềm lực qua các chương trình bao gồm nhiều thể loại ca, múa, kịch được dàn dựng tốt, nội dung phong phú, thu hút đông đảo người xem. Trong năm 2011, đội thông tin lưu động của huyện đã tổ chức 3 chương trình văn nghệ phục vụ người dân nhân dịp mừng Đảng mừng xuân, lễ giao quân, lễ đón nhận bằng di tích lịch sử Suối Cối (Xuân Quang 1) và chương trình nghệ thuật với chủ đề “Quê hương ngày mới”. Ngoài ra, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện còn mở lớp khiêu vũ thu hút nhiều người tham gia.
Xác định được tầm quan trọng, sức tác động của văn nghệ quần chúng đối với đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương, các ban, ngành, đoàn thể ở huyện Đồng Xuân luôn dành sự quan tâm đặc biệt để phát triển phong trào. Bên cạnh đó, sự nỗ lực của cán bộ nghiệp vụ trong lĩnh vực văn hóa - văn nghệ ở địa phương, nhất là vai trò của Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện, nơi có đội ngũ cán bộ được đào tạo, cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng, làm “bệ phóng” cho phong trào phát triển mạnh. Nhưng quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm, yêu thích, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của người dân trong huyện.
KHÁNH HÀ