Từ ngày 9 đến 27/4/2012, Tạp chí Văn nghệ Quân đội phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên, được sự tài trợ của Khu du lịch sinh thái Sao Việt và New City đã tổ chức Trại sáng tác Văn học với đề tài chính Chiến tranh cách mạng trên vùng đất Phú Yên, xưa và nay.
Các nhà văn, nhà thơ tham gia Trại sáng tác giao lưu, thâm nhập thực tế tại Trung đoàn Không quân 910. Trong ảnh: Tham quan phòng truyền thống của Trung đoàn - Ảnh: Y.LAN
Chưa đến 20 ngày, một khoảng thời gian vô cùng ngắn ngủi để các nhà văn, nhà thơ tìm hiểu, thâm nhập thực tế và sáng tác về mảnh đất Phú Yên tươi đẹp, yên bình, phong phú đa dạng về văn hóa, giàu truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng xây dựng quê hương Tổ quốc. Nhưng vùng đất duyên hải Nam Trung Bộ có 400 năm lịch sử gắn liền với non sông Đại Việt, đến cái gió cũng để lại dấu ấn thi ca và ẩn dụ trữ tình cho thiên nhiên và con người Phú Yên chuyên cần và phóng túng này đã khai mở, bồi đắp những cảm xúc mới mẻ, những vốn sống bổ ích, lý thú cho người cầm bút.
Trại viết Văn nghệ Quân đội lần này tập hợp được một đội ngũ đông đảo tác giả văn xuôi sung sức trong cả nước hiện nay. Nhiều tác giả trong số này đã từng đoạt giải thưởng cao trong các cuộc thi truyện ngắn của Tuần báo Văn nghệ và Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Dù tuổi tác, phong cách sáng tác khác nhau nhưng đến với trại sáng tác lần này, các tác giả đều có chung mục đích: Viết được những tác phẩm mới có chất lượng.
Qua gần 20 ngày miệt mài, có hơn 20 truyện ngắn, bút ký của các tác giả đã hoàn thành, tác phẩm viết về chiến tranh lấy cảm hứng từ vùng đất và con người Phú Yên chiếm số lượng lớn. Đó là những truyện ngắn: Buôn làng đầu nguồn sông Hinh của Nguyễn Quốc Trung, Bóng chiều của Y Nguyên, Ma dưới ngón tay Phật của Nguyễn Hiệp, Miền gió ấm của Thu Phương, Mộ đàn của Nguyễn Xuân Thủy, Con mắt thứ ba của Trần Hữu Dũng… và các bút ký Theo cái gió Tuy Hòa của Nguyễn Hữu Quý, Bộ đội Phú Yên bây giờ của Đoàn Hoài Trunng, Đồi Thơm và Sao Việt của Nam Ninh…
Nhà văn Huỳnh Thạch Thảo với ưu thế “người nhà”, đã sớm hoàn thành truyện ngắn Những mùa hoa muống biển đẹp như một thiên tùy bút về những con người sống ở vùng gió cát khắc nghiệt Phú Yên, những con người đã cứng cỏi đứng lên chiến đấu, chấp nhận chia ly, gian khổ, chấp nhận mất mát hy sinh để chiến thắng.
Truyện ngắn Bước chân tìm nhau của nhà văn Lê Nguyên Ngữ khai thác chiến tranh bằng góc nhìn từ phía bên kia thông qua cốt truyện khá độc đáo: Một sĩ quan quân đội Việt Nam cộng hòa trong một tình huống trớ trêu đã phải đối mặt với một nữ cán bộ Việt cộng đang trong tình trạng thương tích nguy kịch. Và chính trong hoàn cảnh cấp bách ngặt nghèo ấy, ý thức đối địch đã nhường chỗ cho tình người bật sáng, mở đường cho lộ trình “tìm nhau” của những bước chân sâu thẳm tận tâm linh.
Ngọn đồi nhiều bướm bay của nhà văn Lê Hoài Lương là những rung động của người nghệ sĩ trước dấu tích Tàu không số tại Vũng Rô, như một biểu tượng bi tráng trong một bức tranh có nhiều gam màu, nhiều đường nét lãng mạn, trữ tình.
Ở mảng đề tài người chiến sĩ hôm nay - một đề tài khó, là một thách thức với các nhà văn trong và ngoài quân đội, nhưng thật đáng mừng, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy đã hoàn thành Búp bê tóc xanh, một truyện ngắn được viết bằng tâm thế của người trong cuộc nên chân thực, cảm động. Người lính trước hết cũng là những con người với nhiều mối quan hệ đời thường. Họ và cả hậu phương của họ cũng phải chịu mọi tác động của cuộc sống. Tuy nhiên, dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào thì phần thẳm sâu nhất, thiêng liêng nhất trong tâm hồn người lính vẫn là dành cho quê hương, đất nước, sẵn sàng nhận và hoàn thành bất cứ nhiệm vụ gì, không nề gian khó hy sinh. Búp bê tóc xanh được viết giản dị như chính người lính là thế, không cường điệu tô hồng, không ngợi ca sáo rỗng. Đọc truyện thấy cảm thông và yêu thương người lính đến nao lòng.
Ở mảng đề tài xã hội, các nhà văn đã đi sâu vào khai thác mọi khía cạnh của đời sống. Nhà văn Nguyễn Hiệp khai thác tâm lý hoang mang, bất ổn của con người trong xã hội hiện đại qua hai truyện ngắn Dịch cuồng và Mùa rêu sọ. Nhà văn Nguyễn Hiếu khai thác những bi hài kịch gia đình qua truyện Con mèo mun tội nghiệp. Nhà văn Doãn Dũng đã nung nấu ý tưởng từ lâu, khi tới trại đã hoàn thành hai truyện ngắn: Chuyện vỉa hè và Lưng chừng trời, cả hai truyện đều mang không khí bức bối, ngột ngạt với đủ vị chua chát, xót xa, hài hước… của đời sống đô thị đương thời. Nhà văn Nguyễn Minh Cường có truyện ngắn Trước nhà có một cây sung với những chi tiết khá sinh động về những kẻ mang danh trí thức nhưng lại nặng óc phong kiến gia trưởng, duy tâm, hãnh tiến, khát thèm quyền lực tiền tài, không từ những thủ đoạn đê tiện, thô bỉ để đạt được mục đích, bất chấp đạo lý, nghĩa tình… Nhà văn Lê Hoài Lương với truyện ngắn Người đứng cửa giữa mang giọng điệu humour giễu nhại những kẻ cơ hội, luồn lách, nịnh bợ nhằm tiến thân…
Nhạy cảm với những chuyển động của đời sống, với thái độ không né tránh hiện thực, các nhà văn đã dũng cảm đi sâu phản ánh mặt trái của xã hội, dóng lên hồi chuông báo động về sự tha hóa, xuống cấp của một bộ phận người với những mánh khóe lừa lọc, tham nhũng, hối lộ; sự xuống cấp của đạo đức, sự xói mòn niềm tin… Dù phản ánh cái xấu, cái ác nhưng tinh thần chung của các tác phẩm thuộc mảng đề tài này vẫn hừng lên hơi ấm tin yêu vào những con người thiên lương, tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống, tin vào xã hội sẽ ngày càng tươi sáng hơn.
Nhà thơ Inrasara (bên phải, đến từ TP Hồ Chí Minh) và Ma Joan (Phú Yên) đọc thơ trong đêm bế mạc Trại sáng tác - Ảnh: Y.LAN
Ở trại viết lần này, một số tác giả đã cố gắng mở rộng biên độ truyện ngắn sang các mảng đề tài mới. Nhà văn Ngô Phan Lưu hoàn thành truyện ngắn độc đáo tạm xếp vào “đề tài danh thắng” mang tên Nhà bếp của chư tiên. Bằng tình cảm kết đọng cùng ngôn ngữ tinh luyện, Ngô Phan Lưu đã thổi hồn vào một thắng cảnh nổi tiếng đất Phú Yên, khiến gành Đá Đĩa không còn đơn thuần là một sản phẩm thiên tạo mà đã trở thành một thực thể văn hóa ẩn chứa những triết lý nhân sinh.
Nhà văn Nam Ninh đau đáu với đề tài lịch sử nên đã dồn nhiều tâm huyết để hoàn thành truyện ngắn Bảy ngày mở hội. Truyện không chỉ là một bản tình ca bất hủ về mối tình vượt qua lễ giáo, khuôn phép cung đình của Trần Quốc Tuấn và công chúa Thiên Thành, mà còn lý giải cách hành xử cao thượng, sáng suốt của bậc minh quân. Với tầm nhìn xa trông rộng, biết đặt vận mệnh đất nước lên trên hết, gạt qua những quy phạm tín điều cứng nhắc, Trần Thái Tông đã giữ được một nhân tài lớn cho đất nước, người đã lãnh đạo quân dân nhà Trần làm nên những chiến công hiển hách qua ba lần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông. Chuyện xưa nhưng ý nghĩa luôn mới ở mọi thời.
Không chỉ chú trọng mở rộng đề tài, các nhà văn cũng đã trăn trở tìm tòi những hình thức biểu đạt mới cho thể loại truyện ngắn. Nhà thơ Inrasara vốn đắm say với thi pháp hậu hiện đại trong thơ, nhưng ở trại viết này ông đã gây bất ngờ khi vận dụng thi pháp hậu hiện đại để viết truyện ngắn Chưa là chiếc bánh cuối cùng đậm bản sắc thông qua những mỹ tục của văn hóa Chăm. Nhà văn Di Li vận dụng thi pháp truyện trinh thám, kinh dị để viết nên truyện ngắn Khách lạ và người lái taxi có không khí huyền hoặc, liêu trai. Nhà văn Nguyễn Anh Vũ, người luôn nuôi khát vọng hoàn hảo trong lao động nghệ thuật đã vật vã tìm ngôn từ phù hợp cho lối viết giả tưởng thông qua truyện ngắn Thì nước vẫn sâu tạo nhiều liên tưởng thú vị về tình yêu và cái đẹp. Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài sử dụng lối viết cô đọng, hàm súc trong truyện ngắn Ngày 7 đã tạo ra được một không gian phảng phất không khí huyền ảo, bảng lảng khói sương, mơ hồ và quyến rũ.
Trại viết do Tạp chí Văn nghệ Quân đội mở tại Phú Yên lần này, số lượng nhà thơ tham gia ít hơn, gồm: Trần Hữu Dũng, Inrasara, Vũ Trọng Quang, Đình Thu, Hồ Thanh Điền, Trần Thế Vinh, Ma Joan. Bên cạnh đó là các nhà thơ khách mời của Ban tổ chức như Phan Thị Thanh Nhàn, Lê Khánh Mai. Phần lớn các nhà thơ đã có những sáng tác hướng về Phú Yên nói riêng và đất nước nói chung theo hai dạng quen thuộc của thể loại là thế sự và trữ tình. Một số bài thơ viết về mảnh đất, con người Phú Yên với những góc độ, tầng nấc khác nhau. Đó là các bài thơ: Cụng ly với nhà thơ Y Điêng và Chín đoạn khúc về biển của Trần Hữu Dũng, Đồi Thơm thơm lại tình người của Inrasara, Đêm hoang và Mùa yêu trên đại ngàn của Nguyễn Minh Cường, Bên khu mộ A Mang của Hồ Thanh Điền, Núi Nhạn của Vũ Trọng Quang, Việt, Phong lan phố, Diện mạo, Linh khúc A Man của Ma Joan, 24 giờ ngụ ở đồi Thơm của Trần Thế Vinh… Nhà văn Khuất Quang Thụy, một người lính từng chiến đấu ở Phú Yên, tuy chỉ là khách mời của trại viết cũng đã xúc động làm 2 bài thơ về vùng đất này là: Gặp lại Tuy Hòa và Lời ru chim Nhạn.
Có 4 chùm thơ vững hơn và đều hơn là của Inrasara, Trần Hữu Dũng (TP Hồ Chí Minh), Ma Joan (Phú Yên) và Nguyễn Minh Cường (Quân đội). Các bài thơ của họ mang hơi thở nóng hổi của đời thường, của xã hội với những xung động đa dạng, có sự tìm tòi ý tứ và khá kỹ càng trong chọn lựa hình ảnh, ngôn từ. Inrasara vẫn giữ được phong độ với việc thể hiện khả năng kết hợp khá nhuần nhuyễn diễn đạt cảm xúc trữ tình với cảm xúc triết luận, với mạch thơ mạnh, sức liên tưởng rộng.
Kết thúc trại viết là sự bắt đầu của quá trình sáng tạo tác phẩm mới, không chỉ là truyện ngắn, bút ký hay thơ mà có thể là các thể loại văn học dài hơi hơn như tiểu thuyết, trường ca về chiến tranh cách mạng xưa và nay trên vùng đất Phú Yên này. Thiên nhiên và con người Phú Yên nơi đã “cho” Trần Mai Ninh tác phẩm Nhớ máu và Tình sông núi nổi tiếng, “cho” Hữu Loan một Đèo Cả sừng sững trong thi ca, biết đâu sẽ tiếp tục “cho” nhiều nhà văn, nhà thơ cảm hứng và hiện thực sống động để từ đó làm nên những tác phẩm xúc động. Con người Phú Yên cần cù, dũng cảm, phóng khoáng, tình nghĩa, chân thành, cởi mở sẽ là đối tượng sáng tạo của các nhà văn, nhà thơ không chỉ trong một tháng, một năm mà rất dài lâu. Một vùng đất có nhiều dòng văn hóa đặc sắc, độc đáo của người Việt, người Chăm, người Ê Đê, Ba Na…, với những giá trị lịch sử văn hóa vật thể, phi vật thể quý báu, với thiên nhiên tươi đẹp sẽ là nơi thu hút không chỉ với du khách mà với cả các nhà văn nhà thơ.
Thực sự thì không có nhà văn nào bằng lòng với tác phẩm đã có của mình, dù đó là những tuyệt tác vang dội. Tác phẩm hay nhất của họ đang ở phía trước, ở thì tương lai. Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi các nhà văn ai cũng muốn hẹn với núi Nhạn, sông Đà Rằng, hẹn với cái gió Tuy Hòa chuyên cần và phóng túng ngày trở lại. Lời hẹn ấy giản dị nhưng sâu bền lắng lót như lời người xứ Nẫu từng cất lên từ thuở rất xa xưa ấy:
Ra về bẻ lá cắm cây
Đến mai ta nhớ chốn này ta qua.
Vâng, Đến mai ta nhớ chốn này ta qua. Xin hẹn với Phú Yên, ngày trở lại!
“Tạp chí Văn nghệ Quân đội cùng tỉnh Phú Yên và Công ty Du lịch Sao Việt tổ chức được Trại sáng tác với đề tài “Chiến tranh cách mạng trên vùng đất Phú Yên xưa và nay” trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn là điều rất đáng quý, đáng trân trọng. Có thể thấy rằng trên thế giới ít có cuộc chiến tranh nào khốc liệt, dai dẳng nhưng rất anh hùng bất khuất như cuộc chiến tranh cách mạng của Tổ quốc và nhân dân ta mà Phú Yên là một vùng đất kiên cường của đất nước. Thế hệ hôm nay và thế hệ mai sau cần phát huy truyền thống này vào cuộc sống, trách nhiệm này phần quan trọng ở các nhà văn nhà thơ, ở các đồng chí”. Bà NGUYỄN THỊ BÌNH Nguyên Phó chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam |
Đại tá - nhà thơ NGUYỄN HỮU QUÝ