Từ một học sinh giỏi văn, ông bước vào trường chuyên Toán. Từ một kỹ sư, giảng viên địa chất, ông trở thành nhà thơ, dịch giả, thành người sáng tác những ca khúc chan chứa tình yêu quê hương. Đó là Triệu Lam Châu - người con của Cao Bằng.
Nhà thơ Triệu Lam Châu - Ảnh: D.T.XUÂN
NGẢ RẼ CỦA MỘT HỌC SINH GIỎI VĂN
Ở Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, Triệu Lam Châu là giảng viên môn Địa chất công trình, Địa chất thủy văn. Với người kỹ sư từng tốt nghiệp Trường Đại học Mỏ - Địa chất Lêningrat, giảng dạy là một công việc yêu thích. Bục giảng là nơi ông truyền đạt kiến thức cho học sinh sinh viên. Còn trong những chuyến đi thực tế, ông chia sẻ với các bạn trẻ những trải nghiệm trong công việc của một kỹ sư địa chất, chia sẻ niềm say mê của người chuyên “bắt mạch đất” và ẩn chứa trong đó là tình yêu dành cho mảnh đất đầy nắng gió ở miền Trung.
Sau những giờ lên lớp, sau khi hoàn tất công việc của người thầy, Triệu Lam Châu dành thời gian cho niềm đam mê sáng tác. Từng là học sinh giỏi văn ở Cao Bằng trong những năm học cấp 2, cấp 3, song ông lại học ở trường chuyên Toán của tỉnh. Việc “rẽ ngang” là do khách quan, song đã góp phần đưa Triệu Lam Châu đến với ngành Mỏ - Địa chất sau này. Thế nhưng tình yêu văn chương chưa bao giờ vơi cạn trong ông. Và những tác phẩm thơ lần lượt ra đời, giản dị, trong sáng và dạt dào tình cảm như tâm hồn người Tày ở núi rừng Việt Bắc: “Em đi tìm anh khắp Nà Sáng đầy trăng/Suối ngọt lịm tình anh từ độ ấy/Vườn ổi Thang Dào sao mà run rẩy vậy/Bao trái tròn thơm lấp loáng như trăng/Em lại trèo lên đỉnh Mèng Vần/Núi vẫn tròn mà tình ai lại khuyết/Một mình giữa ngàn sâu cách biệt…”
Trong các sáng tác của Triệu Lam Châu, quê hương Cao Bằng hiện lên sao mà thân thương gần gũi, tưởng như chỉ cần dõi mắt qua ô cửa là có thể thấy được thác Nặm Thoong, thấy đèo Kiéo Pỉt, tưởng như chỉ cần ngước mặt lên là chạm vào Nà Pẳng đầy trăng…
Bên cạnh da diết nỗi nhớ quê là đau đáu hoài niệm về người mẹ đã yên giấc thu, là tình yêu vẫn còn lung linh trong ký ức, là nghĩa nặng tình sâu với mảnh đất Phú Yên. Nhà thơ - dịch giả này thổ lộ: “Nơi đây đã thành quê hương thứ hai của tôi”.
Hơn nửa đời người duyên nợ với thơ ca, Triệu Lam Châu đã giới thiệu đến độc giả 4 tập thơ gồm Trăng sáng trên non, Ngọn lửa rừng, Giọt khèn và Thầm hát trên đồi. Những tập thơ ấy minh chứng cho quá trình lao động nghệ thuật không ngơi nghỉ và khả năng sáng tạo của cây bút đến từ núi rừng Việt Bắc. Thơ đi cùng ông qua những năm tháng thiếu thốn khó khăn, để ông trải lòng mình lúc vui buồn và giúp ông vượt lên bao lo toan áo cơm thường nhật.
NIỀM ĐAM MÊ DỊCH THUẬT
Không chỉ được biết đến với các tác phẩm thơ, Triệu Lam Châu còn là một dịch giả. Với 10 tập thơ, tiểu thuyết dịch từ tác phẩm của các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng ở nước ngoài, Triệu Lam Châu đã khẳng định vị trí của mình ở một lĩnh vực rất đặc thù, góp phần đưa văn hóa của các nước - đặc biệt là nước Nga Xô Viết - đến với độc giả Việt Nam. Năm 1987, tiểu thuyết Nàng dâu của nhà văn Bungari Ka-rax-la-vốp do Triệu Lam Châu dịch được Nhà xuất bản Phú Khánh giới thiệu đến độc giả với 25.000 bản in. Ông kể: “Sau 4 tháng miệt mài dịch tiểu thuyết Nàng dâu, tôi nhận nhuận bút 70.000 đồng từ nhà xuất bản. Thời điểm đó, lương kỹ sư bậc 2 của tôi chỉ 2.000 đồng/tháng”.
Nhưng người con của Cao Bằng đến với dịch thuật không phải vì những tính toán vật chất mà đơn thuần vì đam mê. Người thổi lên ngọn lửa đam mê đó chính là nhà văn - dịch giả Đào Minh Hiệp, một kỹ sư mỏ - địa chất được đào tạo ở Liên Xô (cũ).
Sau tiểu thuyết Nàng dâu, Triệu Lam Châu còn dịch một loạt tác phẩm: truyện ngắn Hoa nở muộn mằn của nhà văn Nga Sê-khốp, tiểu thuyết Lửa tình đã cạn của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ I-ưn-đư, truyện vừa Người đàn bà tôi thương của nhà văn Nhật Bản Ta-ni-đa-ki, tiểu thuyết Mối tình của người góa phụ của nhà văn Anh Hartley, tiểu thuyết Đi tìm hạnh phúc của nhà văn Pháp Phur-nơ, tiểu thuyết Túp lều lá bên sông của nhà văn Tiệp Khắc Ga-lêk… Năm 1994, Triệu Lam Châu dịch tập truyện Vương quốc chim họa mi của nhà văn Nga Pau-xtốp-xky và đoạt giải nhất cuộc thi dịch văn học nước ngoài ra tiếng Việt do Hội Nhà văn Việt Nam, Nhà xuất bản Văn học và Báo Văn nghệ phối hợp tổ chức. Ba năm sau, ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Cùng với việc những tác phẩm văn học dịch được giới thiệu đến công chúng, tình bạn giữa hai kỹ sư mỏ - địa chất: nhà thơ Triệu Lam Châu và nhà văn Đào Minh Hiệp thêm bền chặt.
Từ năm 2000, Triệu Lam Châu chuyển sang dịch thơ. Các tập thơ: Nửa phần sự thật, Đêm trắng, Thơ dân gian Tác-ta lần lượt ra đời trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2007. Và độc giả Việt Nam có thêm cơ hội tiếp cận những bài thơ nổi tiếng của những tên tuổi lớn ở các nền văn học trên thế giới, đặc biệt là văn học Nga.
Không dừng lại ở việc dịch các tác phẩm văn học nước ngoài từ bản tiếng Nga sang tiếng Việt, nhà thơ - dịch giả Triệu Lam Châu còn đưa một số tác phẩm thơ kinh điển của văn học Nga… sang tiếng Tày và được độc giả nồng nhiệt đón nhận.
DỊCH NHẬT KÝ TRONG TÙ RA TIẾNG TÀY
“Nhà thơ - dịch giả Triệu Lam Châu là người rất đam mê văn học nghệ thuật, nhất là thơ ca, âm nhạc. Môi trường giáo dục, công việc của một giảng viên cũng rất tốt để Triệu Lam Châu phát huy năng khiếu. Các tác phẩm của Triệu Lam Châu không tạo dư luận nhưng mang đến cho độc giả, người nghe những rung cảm trước tình cảm sâu nặng đối với quê hương đất nước”. (Nhà văn - dịch giả Đào Minh Hiệp, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên)
Năm 2009, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc ra mắt Nhật ký trong tù - tập thơ nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng Tày, theo thể thơ lục bát. Nhà thơ thổ lộ: “Đây là một công trình lớn mà tôi ấp ủ từ năm học cấp 3 ở ngôi trường chuyên Toán”. Biết bao tâm huyết đã được nhà thơ - dịch giả gởi vào từng con chữ trong 8 năm, bắt đầu từ năm 2000. Đến năm 2008, ông hoàn thành bản dịch toàn bộ tập thơ. Một năm sau, tập Nhật ký trong tù bằng tiếng Tày ra mắt bạn đọc.
Hơn 30 năm giảng dạy ở Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa cũng là từng ấy năm nhà giáo, nhà thơ, dịch giả Triệu Lam Châu gắn bó với Phú Yên, mảnh đất mà ông xem như quê hương thứ hai của mình. Ngôi nhà nhỏ của gia đình ông ở phía sau trường, giản dị như chính con người ông. Triệu Lam Châu và vợ - bác sĩ người Tày Dương Thúy Vân - có hai người con: con gái đang dạy học ở Cao Bằng, con trai sắp tốt nghiệp Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội. Vợ chồng ông sống một cuộc sống bình lặng và xem việc chăm sóc vườn rau nho nhỏ trước sân như một cách để thư giãn sau một ngày làm việc.
Trong tủ sách của gia đình, bên cạnh rất nhiều sách của ông, của bạn bè và sách được mua “tích lũy” từ những năm tháng khó khăn, Triệu Lam Châu còn lưu giữ nhiều kỷ vật của nước Nga Xô Viết - nơi ông đã trả qua những năm tháng tươi đẹp của đời sinh viên, nơi có mái trường và những người thầy đã cho ông kiến thức để trở thành kỹ sư địa chất, thành nhà giáo và thành dịch giả. Nước Nga luôn hiện hữu trong tim ông. Và dù đã rất nhiều năm trôi qua, song gương mặt của các thầy cô giáo và những người bạn Nga ở Trường Đại học Mỏ - Địa chất Lêningrat thi thoảng lại chập chờn trong nỗi nhớ.
Bận rộn với nhiều công việc song Triệu Lam Châu vẫn “lấn sân” sang một lĩnh vực khác mà ông yêu thích. Hai CD: Vầng trăng Nà Pẳng và Gánh nước ban mai với gần 20 ca khúc ra đời, khiến nhiều người bất ngờ. Năm 2006, CD Gánh nước ban mai được Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam trao giải C.
Nhà giáo, nhà thơ, dịch giả Triệu Lam Châu sinh năm 1952, quê ở xã Đức Long, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Vào Phú Yên công tác từ năm 1980 và thuộc thế hệ giáo viên đầu tiên ở Trường Trung học chuyên nghiệp Địa chất 2 - tiền thân của Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, ông đã góp phần vào việc đào tạo nhiều lớp học sinh, sinh viên địa chất cho các tỉnh trong khu vực. Cũng trên mảnh đất này, người con của Cao Bằng tìm thấy những mạch nguồn cảm xúc để rồi rất nhiều tác phẩm đã ra đời, hòa vào dòng chảy bất tận của văn học nghệ thuật Việt Nam.
NAM PHƯƠNG