Lễ Cầu ngư vừa dứt cũng là lúc CLB Hội Bài chòi (Hội Văn nghệ dân gian và Văn nghệ các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên) mang lời ca tiếng hát và trò chơi dân gian phục vụ người dân làng biển. Trong nhịp sống tất bật, những thành viên của CLB Hội Bài chòi vẫn âm thầm dưỡng nuôi mạch nguồn văn nghệ dân gian và mang đến cho người dân phút thư giãn bổ ích, ý nghĩa.
Các anh, chị hiệu hô tên quân bài tại Hội Bài chòi - Ảnh: H.MY
TRÒ CHƠI GIÀU TÍNH NHÂN VĂN
Khu dân cư cửa biển Đà Diễn, phường 6 (TP Tuy Hòa) thường ngày yên ả là thế, gần đây trở nên rôm rả và sôi động bởi trò chơi bài chòi. Vào mỗi buổi tối, từ 19g, Hội Bài chòi đã thu hút nhiều người dân TP Tuy Hòa đến tham gia. 11 chiếc chòi tre được dựng với các tên gọi: Trung, Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý. Người chơi với đủ lứa tuổi, thành phần, ngồi trên các chòi tre. Cuộc chơi bắt đầu khi người hô hiệu (anh, chị hiệu), mặc áo dài khăn đóng chỉnh tề, vui vẻ cất câu hò: “Muốn cho vui vẻ thảnh thơi/ Ai về phường 6 mà chơi bài chòi”.
Sau câu hò mở đầu, anh hiệu bắt đầu đưa tay rút một quân bài trong ống tre và xướng những câu thai là câu ca dao hoặc bài vè có liên quan đến quân bài đó. Tên các quân bài được đặt theo lối dân gian rất ngộ nghĩnh như: Nhất Trò, Nhì Nghèo, Ba Bụng, Tứ Cẳng, Chín Xe… Những người dự hội thích thú và im lặng lắng nghe lời hô hiệu để suy đoán quân bài gì sẽ ra. Khi có quân bài trùng với tên quân bài anh hiệu vừa xướng, người chơi thích thú hô to “có đây, có đây” và gõ vào mõ tre “cốc cốc cốc”. Lập tức một người chạy hiệu đến trao cho người chơi đó một thẻ quân bài vừa xướng. Ai có đủ ba quân bài phù hợp với thẻ mình đang giữ thì gióng một hồi mõ dài báo hiệu đã “tới”. Tiền thưởng và một ly rượu nồng được anh hô hiệu dâng cho người thắng cuộc với câu hát ngọt lịm trên môi: “Đây chung rượu đậm đà tình nghĩa/ Chúc cho cô (anh, chị) trẻ mãi không già…”. Cứ thế, ván chơi này kết thúc, mọi người lại thích thú mua quân bài cho ván tiếp theo... Chị Trần Thị Bích Ly (phường 6) chia sẻ: “Tôi thích chơi bài chòi vì đây là một trò chơi dân gian thú vị. Bài chòi có cả tiếng hát, tiếng nhạc dân ca, vừa dí dỏm, lại đậm đà, sâu lắng”.
Đêm hội bài chòi vừa mang hơi thở nóng hổi của cuộc sống hiện đại, vừa chứa đựng vẻ dịu dàng, duyên dáng của một nét văn hóa truyền thống đầy ý nghĩa. Anh Phùng Long Ẩn, Phó chủ nhiệm CLB Các trò chơi dân gian, phụ trách CLB Hội Bài chòi chia sẻ: “Hội bài chòi là một hình thức vui chơi không chỉ có ý nghĩa giải trí, mà còn là một sân khấu trình diễn các làn điệu dân ca rất đặc trưng của Khu V mà Phú Yên là một trong những cái nôi. Nội dung các câu hát sử dụng trong hội bài chòi giàu tính nhân văn và có tính giáo dục cao. Chính những điều đó đã cuốn hút chúng tôi”.
GIỮ GÌN NÉT ĐẸP VĂN HÓA DÂN GIAN
Không chỉ biểu diễn phục vụ cho bà con ngư dân TP Tuy Hòa, CLB Hội Bài chòi còn mang trò chơi dân gian thú vị này phục vụ cho nhiều địa phương trong tỉnh. Với họ, được tổ chức, được hát và cùng chơi bài chòi với bà con là một niềm vui.
CLB Hội Bài chòi được thành lập từ năm 2007, bắt nguồn từ ý tưởng của ông Trần Đông (xã An Hiệp, huyện Tuy An). Vốn yêu thích trò chơi dân gian này, nên mỗi dịp tết đến, ông Đông tổ chức cho bà con trong làng cùng chơi. “Ngày ấy, chúng tôi không hát mà chỉ kêu quân bài. Một lần, tình cờ nghe nhóm Đờn ca tài tử huyện Tuy An hát, thế là tôi liền đề nghị anh em cùng thành lập CLB Hội Bài chòi để phục vụ bà con. Tôi sưu tầm những câu hát trong dân gian và sáng tạo thêm những câu thai mới, còn các thành viên khác tập, rèn giọng. Hai tuần sau, chúng tôi đi diễn”, ông Đông tâm sự.
Hiện CLB Hội Bài chòi có 10 thành viên, chủ yếu là người dân xã An Phú (TP Tuy Hòa) và một số xã của huyện Tuy An, gồm: hai nhạc công, hai người chạy hiệu, bốn người hô hiệu và hai người phụ trách âm thanh, ánh sáng. Hầu hết họ đều bám ruộng, bám vườn mưu sinh. Có người hằng ngày vất vả làm thuê ở các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai… nhưng mỗi lần nghe tin CLB tổ chức phục vụ bà con, lại tất tả đón xe về ngay. Các thành viên trong CLB say mê bài chòi đến mức, tối nào, họ cũng vượt một quãng đường xa để đến TP Tuy Hòa, TX Sông Cầu để phục vụ cho những người yêu thích trò chơi này. Chị Kiều Thị Dư (xã An Hòa, huyện Tuy An, thành viên CLB) chia sẻ: “Điều được nhất sau những buổi diễn là niềm vui của anh chị em được đứng hô bài chòi. Qua đó, chúng tôi muốn góp phần giúp mọi người hiểu hơn về loại hình dân gian độc đáo mà cha ông đã vun đắp gìn giữ bao đời”.
“Ngoài việc giữ gìn nét đẹp văn hóa dân gian, qua những câu thai và các làn điệu bài chòi, CLB Hội Bài chòi còn góp phần tuyên truyền về dân số, xây dựng nông thôn mới, ca ngợi quê hương, đất nước… Lợi nhuận thu được sau những đêm tổ chức được CLB trích đóng góp vào quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ an ninh trật tự của xã, phường, thị trấn... Mong rằng, ngành chức năng, nhất là chính quyền cơ sở tạo điều kiện cho CLB Hội Bài chòi “có đất” hoạt động”, Chủ nhiệm CLB Các trò chơi dân gian Lê Văn Hiếu bày tỏ.
HÀ MY