Tràn ngập sắc hoa suốt bốn mùa, thành phố xinh đẹp và yên bình trên cao nguyên Langbiang là nơi dừng chân của nhiều nghệ sĩ. Và từ đó, nhiều tác phẩm nghệ thuật ra đời, trong đó có những tác phẩm vượt thời gian. Ca khúc Ai lên xứ hoa đào của nhạc sĩ Hoàng Nguyên là một ví dụ.
“Ai lên xứ hoa đào, dừng chân bước lần theo đường hoa
Hoa bay đến muôn người, ngại ngần rồi hoa theo chân ai
Đường trần nhìn hoa bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa
Lâng lâng trong sương khói rồi bàng hoàng theo khói sương
Lạc dần vào quên lãng rồi đường hoa, lặng bước trong lãng quên...”
Ca từ như tranh, giai điệu như ru lòng người, Ai lên xứ hoa đào đưa người nghe chạm vào vẻ đẹp lãng mạn của thành phố hoa Đà Lạt.
Ngạc sĩ Hoàng Nguyên
Có những loài hoa đã góp phần định danh Đà Lạt. Đó là mimosa - một loài hoa làm nao lòng người bởi sắc vàng nhẹ nhàng mà quyến rũ, tượng trưng cho tình yêu thầm kín và vẻ đẹp khiêm nhường, có nguồn gốc từ Australia. Đó là phượng tím, một loài cây thân gỗ, lá kép, được trồng nhiều ở các nước thuộc Nam Mỹ; màu tím của hoa gọi về bao hoài niệm cho những ai từng đến với xứ sở ngàn thông reo, từng có những rung động ngọt ngào trước đất trời và con người Đà Lạt. Đó là những cây hoa đậu tía với hai màu xanh lơ và trắng, được đưa về từ Đài Loan, hay hoa vông kê với từng chuỗi rực lên như những đốm lửa…
Rất nhiều loài hoa hiện hữu ở phố xuân Đà Lạt được du nhập từ nước ngoài. Song người Đà Lạt vẫn có niềm tự hào riêng về loài hoa mà họ cho rằng của riêng Đà Lạt. Đó là mai anh đào.
Khi hàng trăm cây mai anh đào được đưa từ rừng về trồng ven hồ Xuân Hương bừng nở, tạo nên một “không gian mai anh đào” lãng mạn, thì người Đà Lạt càng thêm nhớ ca khúc Ai lên xứ hoa đào của Hoàng Nguyên - nhạc sĩ tài hoa đoản mệnh. Ông tên thật là Cao Cự Phúc, sinh năm 1932 tại Quảng Trị, cựu học sinh Trường Quốc học Huế. Ông có một thời gian gắn bó với Đà Lạt, dạy học tại Trường trung tiểu học và mẫu giáo Việt Anh. Những kỷ niệm về nhạc sĩ Hoàng Nguyên, cụ Lê Phỉ ở phường 6 (TP Đà Lạt), nguyên Hiệu trưởng Trường Việt Anh, vẫn còn lưu giữ. Trong ký ức của cụ Lê Phỉ, Hoàng Nguyên là một người nghệ sĩ tài hoa, đa tình song cũng là một người thầy đúng mực. Nhạc sĩ này sáng tác rất ngẫu hứng, có khi ca khúc ra đời trong lớp học, lúc các học trò của Hoàng Nguyên cặm cụi làm bài. Và những người nghe đầu tiên chính là học trò rồi đến bạn bè của nhạc sĩ Hoàng Nguyên. Dường như Ai lên xứ hoa đào - một trong những ca khúc nổi tiếng của Hoàng Nguyên - cũng ra đời như thế.
Cụ Lê Phỉ có hơn nửa thế kỷ gắn bó với Đà Lạt và cũng có nhiều kỷ niệm với Tuy Hòa - nơi cụ từng học thời thơ ấu. Trong
ngôi nhà tràn ngập hình ảnh, cụ già 84 tuổi này vẫn còn lưu giữ những quyển sổ đã ngả màu ghi tên các học trò, thầy cô giáo ở Trường trung tiểu học và mẫu giáo Việt Anh ngày ấy, trong đó có cái tên Cao Cự Phúc. Và cụ vẫn còn lưu giữ trong tâm trí mình dáng đi, ánh mắt, nụ cười của người bạn nhạc sĩ tài hoa.
Mai anh đào khoe sắc bên hồ Xuân Hương, TP Đà Lạt - Nguồn: LĐO
Một số tư liệu ghi rằng, trong một đợt lùng bắt ở Đà Lạt, do trong nhà có bản Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao - người mà Hoàng Nguyên rất ái mộ, nhạc sĩ này bị bắt và đày ra Côn Đảo vào khoảng cuối thập niên 50. Tại nơi lưu đày, mối tình trái ngang đã nảy nở giữa người nghệ sĩ đa tình với cô con gái của “chúa đảo”. Mối tình dang dở và dư âm còn đọng mãi trong ca khúc Thuở ấy yêu nhau.
“Thuở ấy yêu nhau anh làm thơ
Thuở ấy yêu nhau em đợi chờ
Dòng nước Hương giang trôi lặng lờ
Chưa biết chi giận hờn và chưa biết sầu mộng mơ...”
Cũng theo một số tư liệu, sau khi được trả tự do, Hoàng Nguyên trở về Sài Gòn, tiếp tục sáng tác và dạy nhạc ở trường tư thục. Sau đó ông học tại Đại học Sư phạm Sài Gòn, ban Anh văn rồi kết hôn với một thiếu nữ con nhà gia thế, biết làm thơ, viết văn, viết báo, tâm hồn lãng mạn và cũng đa tình.
Cuộc hôn nhân dường như không mang lại hạnh phúc, Hoàng Nguyên tìm vui trong giai điệu lời ca. Năm 1973, tác giả của Ai lên xứ hoa đào, Bài thơ hoa đào, Cho người tình lỡ… qua đời do tai nạn giao thông tại Vũng Tàu. Khi đó ông mới hơn 40 tuổi.
Rất nhiều năm sau khi nhạc sĩ Hoàng Nguyên đi vào giấc thu, mỗi khi nhắc đến Đà Lạt, mỗi khi đặt chân lên xứ sở tràn ngập sắc xuân, những người dễ rung cảm lại thao thiết nhớ giai điệu trữ tình cùng lời ca nhẹ nhàng bay bổng của một trong những ca khúc vượt thời gian về Đà Lạt.
NAM PHƯƠNG