Thứ Năm, 28/11/2024 22:55 CH
Ðọc sách: Ký ức thời gian và những dòng thơ cuối (*)
Thứ Tư, 11/04/2012 07:30 SA

Năm 2011, với sự cấp phép của Nhà xuất bản Trẻ và hỗ trợ kinh phí in ấn của Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên, nhà thơ Liên Nam đã cho ra đời tập thơ thứ 12. Tập thơ lấy tên Ký ức thời gian, nghe rất chung và mênh mang hoài niệm. Thật không ngờ đây là tập thơ cuối cùng ông gửi lại cho đời khi vào tháng 3/2012, ông đã thanh thản ra đi về cõi vĩnh hằng.

 

Ky-uc-thoi-gian120410.jpg
Nhà thơ Liên Nam đến với cuộc đời này với hoài bão và nhiệt tâm cháy bỏng. Ông tham gia cách mạng từ thời trai trẻ, và đã sống trọn vẹn cuộc đời mình qua hai cuộc chiến tranh và xây dựng hòa bình. Thơ ông, vì thế, đã nổi tiếng từ những năm chống Mỹ. Đề tài trong thơ ông tập trung ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ. Đây là những câu thơ ông đã viết về Hồ Chủ tịch bằng niềm kính yêu vô hạn:

 

“Mọi bài thơ đứng trước Người như hạt cát giữa dòng sông

Như con chim giữa bạt ngàn rừng thẳm

Tôi là nhà thơ làm sao có bài thơ tương xứng”

Để rồi nhà thơ lòng tự nhủ lòng:

“Sáng tác đi cho nhiều kiệt tác

Nhưng hãy nhớ rằng Người là kiệt tác của muôn sau”

                                                            (Bác Hồ)

 

Ở những tình huống khác, ông cũng quan niệm về thơ với những kiếm tìm đau đáu. Đây là sự nhạy bén của thơ ca khi ông so với cánh đập đại bàng:

 

“Thơ cũng thế bao nhiêu hình ảnh mới

Cứ vút qua như tên vút bất ngờ

Người nắm bắt phải là thần thiện xạ

Chuyện phi thường đâu còn ở trong mơ”

                                                            (Thơ)

 

Quen thuộc hơn cả, ông cũng ví cái đẹp của thơ như bao nhà thơ khác:

“Giữa thực và hư đi trên đường dây ấy

Tôi lao qua mất mát đau thương đến trận thắng cuối cùng

Và nàng, cô gái miền xuôi tôi mơ thấy đấy

Bước ra từ câu thơ xé lòng của một trái tim”

                                                            (Mơ)

 

Những thành công của nhà thơ Liên Nam chủ yếu ở đề tài quê hương đất nước. Điều này được khẳng định với Chiều An Ninh, với Gió nam, với Trên đỉnh Chóp Chài, với Tổ quốc… Và trong tập thơ này lại xuất hiện những câu thơ theo mạch nguồn như thế. Hãy xem nhà thơ đã khảm ngọc lên quê hương:

 

“Trăng và sao mưa xuống vịnh Xuân Đài

Nước trào ra biển Đông vàng lấp lánh

Những rừng dừa như thiên thần vỗ cánh

Cứ xạc xào trong ngọn gió nam non”

Và ông không giấu diếm tự hào:

“Người hỏi ta ngọc sáng ở đâu hơn

Ta bảo vịnh Xuân Đài đẹp nhất

Bởi vì nó nằm trong lồng ngực

Núi ôm chầm hai cánh tay nghiêng”

                                    (Đêm ở vịnh Xuân Đài)

 

Có những câu thơ ông để lại nhiều ám ảnh day dứt, theo kiểu một câu hỏi lớn không lời đáp của nhà thơ Huy Cận:

 

“Người nhìn trăng khuyết để chơi

Ta nhìn trăng khuyết để rơi lệ buồn!

Biết rằng trăng khuyết lại tròn

Tình người đã khuyết có còn mãi chăng?”

                                    (Trăng khuyết)

 

Do đặc điểm công tác, tôi có dịp gần gũi với nhà thơ Liên Nam từ nhiều năm khi ông còn là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên những năm 90 của thế kỷ trước. Ông và tôi có một khoảng cách giữa hai thế hệ, thêm nữa là khoảng cách giữa “thủ trưởng” và “lính tráng”, tuy nhiên mọi khoảng cách rồi cũng xóa nhòa đi khi ông thường kêu tôi ngồi lại để “khoe” những bài thơ mới viết, có thể nói là chưa ráo mực. Rồi ông “bắt” tôi phải trình làng thơ của mình để ông góp ý! Lúc đó tôi cảm thấy mình như một chú nhóc được ông ưu ái chia sẻ những cảm xúc riêng tư chứ không chỉ đơn thuần là quan hệ công việc. Và nhiều lần như vậy, ông nói sở dĩ thường cho tôi nghe hoặc bình luận thơ ca cùng ông vì tôi là “dân trong nghề, nói chuyện được”. Một chút sung sướng trẻ con đưa tôi lên chín tầng mây, tuy nhiên tôi chả vui dai mà ở luôn trên ấy!

 

Nhưng cũng từ đó trong thâm tâm tôi, ông là nhà thơ như một bậc cha chú thân tình, đáng kính. Giờ đây ông đã đi đến cuối cuộc đời mình, và những câu thơ ông để lại trong tập thơ này như một niềm tiên cảm:

 

“Anh là con chim buồn

Thả đôi cánh mình vào trời biếc mênh mông

Vào cõi mộng tình yêu muôn thuở”

                                                (Trên cõi đời này)

 

Để rồi dù đã đi xa, ông vẫn nối kết với cuộc đời này bằng tấm lòng trải rộng:

“Như em đến để rồi em ở lại

Trong lòng anh ghe chở ánh trăng đầy

Nếu mai xa có ai lên núi Nhạn

Sẽ thấy tình tôi mang gió thổi về đây!”

                                                (Ngọn gió)

 

Những câu thơ như bàn tay vẫy chào từ biệt thế giới này, vừa nhẹ nhàng vừa da diết.

 

--------------------------------

(*) Thơ Liên Nam, NXb Trẻ - 2011

 

HUỲNH VĂN QUỐC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek