Tối 4/4, anh Phan Đình Phùng, Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên thảng thốt gọi điện “Biết tin ông Ba Phước mất chưa?”. Giật mình, tôi hỏi lại “Anh bảo sao? Ai mất?”. “Ông Lê Hữu Phước, nguyên Phó chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, Chủ nhiệm CLB Tuồng 10/5 Phú Hòa, hội viên Chi hội Sân khấu của anh đó. Tôi đang có mặt tại nhà ổng ở Hòa Trị đây!”.
Sinh thời, ông Lê Hữu Phước luôn tâm huyết với việc giữ hồn nghệ thuật sân khấu truyền thống. (Ảnh chụp ông tại một cuộc họp). |
Vậy là sau nhiều năm chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác, cuối cùng ông cũng đã tuân theo quy luật sinh tử. Dẫu biết rằng hung tin này rồi sẽ đến nhưng khi hay, tôi vẫn thấy đột ngột và chua xót về lẽ tử sinh.
Tôi biết ông từ sau khi tái lập tỉnh Phú Yên và tôi thuộc hàng con cháu. Hồi đó ông làm Chánh văn phòng, rồi Phó chủ tịch UBND TX Tuy Hòa (nay là TP Tuy Hòa), còn tôi là cán bộ ở Sở Văn hóa - Thông tin. Nghe các anh Phạm Ngọc Sơn, Bùi Thanh Tuấn, Vũ Hoài, Nguyễn Phụng Kỳ, Huỳnh Như Ngân… kể, ông thoát ly tham gia cách mạng từ rất sớm. Vì đam mê và có khả năng hát, sáng tác bài chòi, năm 1973, ông được tổ chức điều động về Đoàn Văn công của Tỉnh ủy. Trước đó và trong thời gian gắn bó với Đoàn Văn công, ông đã sáng tác nhiều bản bài chòi ở tất cả các làn điệu và cách đây mấy năm được ông cùng bạn bè tập hợp lại xuất bản sách dân ca bài chòi Đường về quê mẹ. Đường về quê mẹ cũng là tên của một ca khúc trữ tình, lạc quan cách mạng mà ông đã viết trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất ở chiến trường Phú Yên, đến nay nhiều đồng đội cũ vẫn thường hay hát.
Sau ngày giải phóng, ông công tác ở Đoàn Tuồng Thống Nhất (tỉnh Phú Khánh). Say mê với nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc, ông cùng nhiều nghệ sĩ tâm huyết đã dày công xây dựng đoàn tuồng ngày càng phát triển, gặt hái được nhiều thành công qua nhiều kỳ liên hoan, hội diễn…
Chính vì tâm huyết và yêu nghệ thuật sân khấu truyền thống như máu thịt nên sau khi nghỉ hưu, mặc dù có nhà và hộ khẩu ở TP Tuy Hòa nhưng ông không ở lại đây mà quay về nơi chôn nhau cắt rốn để vực dậy loại hình nghệ thuật đã và đang dần mai một này. Với uy tín và nhiệt huyết của ông, Câu lạc Tuồng 10/5 huyện Phú Hòa đã ra đời, quy tụ những người yêu nghệ thuật hát bội và ông được tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm suốt nhiều nhiệm kỳ. Thành lập CLB đã khó nhưng duy trì hoạt động thường xuyên, phát triển nó lại càng khó hơn mà mấu chốt vẫn là khâu “đầu tiên”. Vậy là ông phải đi vận động, đi xin kinh phí, “gõ cửa” những nơi có thể gõ. Một trích đoạn, rồi hàng chục trích đoạn tuồng cổ được dàn dựng, khôi phục; đạo cụ, phục trang cũng được mua sắm dần…
Liên tục trong nhiều năm qua, Tết Nguyên đán năm nào CLB Tuồng 10/5 cũng tổ chức biểu diễn phục vụ ở tất cả các xã, thị trấn trong huyện. Ngoài ra, CLB còn tham gia chương trình Đưa sân khấu vào học đường, Giỗ tổ Sân khấu hàng năm do Chi hội Sân khấu (Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Phú Yên) tổ chức… Đặc biệt, CLB đã giành giải thưởng cao tại Liên hoan các đoàn nghệ thuật ngoài quốc doanh do Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở VH-TT-DL) tổ chức.
Là Chủ nhiệm CLB Tuồng 10/5 huyện Phú Hòa, Phó chủ nhiệm CLB Tuồng (Chi hội Sân khấu), điều ông luôn trăn trở là làm sao đào tạo được thế hệ kế tiếp. Ông thường trao đổi với nghệ sĩ Phạm Ngọc Sơn (hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch Hội VHNT tỉnh Phú Yên) về điều này mỗi khi có dịp. Theo ông, muốn phát triển cái mới phải gìn giữ cái gốc đã tạo ra nó. Do vậy, cần có chiến lược giữ gìn và trả lại cho sân khấu truyền thống những giá trị bản sắc của nó, đưa thanh thiếu nhi đến với sân khấu dân tộc, yêu thích sân khấu dân tộc. Ta không có trường nghệ thuật, không có nhà hát thì nên coi trọng việc bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu truyền thống theo kiểu truyền nghề. Làm sao để người dân Phú Yên hiểu được giá trị của nghệ thuật sân khấu truyền thống, yêu mến nó, từ đó mới có thể chung tay giữ gìn, phát huy. Ông nói: Phú Yên là một trong những cái nôi của nghệ thuật tuồng. Trong những năm chiến tranh, dù gian khó và ác liệt nhưng Tỉnh ủy vẫn thành lập Đoàn Tuồng, Đoàn Dân ca, tại sao bây giờ rất có điều kiện mà lại không có kế hoạch để duy trì, phát triển?
Ông biết mình mắc bệnh ung thư từ những năm 1997, 1998. Sau nhiều lần ra Huế, vào TP Hồ Chí Minh để chữa trị, biết không thể nào “chiến thắng” được nó nên ông “quên nó đi” và dành hầu hết thời gian để đầu tư cho nghệ thuật sân khấu tuồng, cho công tác khuyến học và cho hoạt động của Hội Người cao tuổi (ông là chủ tịch của hai hội này). Cũng như thời làm Chánh văn phòng hay Phó chủ tịch UBND TX Tuy Hòa, lúc nào ông cũng hết lòng, tận tụy với công việc. Ở tuổi 77, ông vẫn còn ngồi viết báo cáo tổng kết và không quên dặn dò, nhắc nhở những điều còn dang dở, chưa tròn…
Nay ông đã đi xa. Vĩnh biệt ông - nghệ sĩ Lê Hữu Phước - người đã giữ hồn nghệ thuật sân khấu truyền thống của Phú Yên cho đến cuối đời. Chi hội Sân khấu và những người yêu quý loại hình nghệ thuật này thành kính thắp nén hương lòng tiễn đưa ông về cõi vĩnh hằng và nguyện sẽ tiếp bước ông, một đời “vác tù và hàng tổng” vì sự nghiệp sân khấu truyền thống.
Trọn đời gắn bó với “nghiệp” sân khấu truyền thống, Ông - người cách mạng từ lòng dân ra đi, luôn gắn bó với cội nguồn văn hóa dân tộc, mãi mãi để lại tấm gương trong cho lớp lớp đàn em về một sự nghiệp lớn mà ông tâm huyết cho đến lúc vĩnh biệt cõi đời.
LÊ VĂN HIẾU
Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu (Hội VH-NT Phú Yên)