Có một thực tế là Phú Yên đang thiếu những người viết trẻ. Mặc dù có nhiều bạn trẻ đã bộc lộ khả năng viết văn nhưng họ vẫn không chọn con đường này để dấn thân.
Đọc sách là một cách hiệu quả để nâng cao khả năng ngôn ngữ văn chương. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người thờ ơ với sách
Với tác phẩm Người mang mặt trời từ đáy biển, Trần Thị Thu Hà, học sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh đã đoạt giải nhất cuộc thi viết truyện phiêu lưu Tomi Happy và hành trình vạn dặm trên biển do Báo Thiếu niên tiền phong và Công ty TNHH Thế giới túi xách phối hợp tổ chức. Thu Hà thổ lộ: “Em rất vui khi đoạt giải nhất nhưng văn chương không phải là lựa chọn của em. Em sẽ theo đuổi chuyên ngành mỹ thuật, còn nếu em có viết văn thì chỉ coi đó là nghề tay trái”.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Phó hiệu trưởng, Trưởng khoa Khoa học xã hội và Nhân văn Đại học Phú Yên cho biết: “Trong trường hiện nay, số sinh viên bộc lộ khả năng viết chiếm khoảng 3%. Tôi cũng tin rằng rất nhiều bạn chưa nhận ra được khả năng, sở trường của mình hoặc chưa có điều kiện khơi dậy tiềm năng của mình. Các sinh viên yêu thích văn chương có sáng tác thơ văn nhưng số lượng và chất lượng chưa ổn định”.
Văn chương không còn hấp dẫn nhiều người trẻ xuất phát từ nhiều lý do, từ trong nhà trường ra đến ngoài xã hội. Trong nhà trường, môn Văn không thu hút được nhiều học sinh. Ngoài xã hội, đa phần người giàu đều dựa vào kinh doanh. Giá trị nghề nghiệp đang bị xáo trộn. Nếu như trước đây, nhà văn, nhà thơ được coi trọng, tác phẩm xuất bản với số lượng lớn thì nay, rất nhiều nhà văn nhà thơ không sống được bằng nghề.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang nói: “Tôi cho rằng trường học luôn là môi trường tốt nhất để phát hiện và ươm mầm tài năng, kể cả tài năng sáng tác văn chương. Văn học cũng là một môn học, nếu không có kiến thức căn bản và sự đầu tư, học tập thì sẽ khó thành công. Nhà trường luôn quan tâm đến hoạt động sáng tác của sinh viên như làm báo lớp, báo tường, ra tập san, tuyển tập… Chúng tôi không coi trọng việc sinh viên có đi theo nghề viết văn hay không mà chỉ chú ý bồi dưỡng thế giới tâm hồn, kỹ năng hành văn, kỹ năng diễn đạt cho sinh viên. Nếu sáng tác thơ văn là một sân chơi thì trò chơi chữ nghĩa sẽ đem lại rất nhiều lợi ích về tinh thần cho con người”.
Nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, Phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Phú Yên, cho biết: “Viết văn là một lao động nghệ thuật rất vất vả và nhọc nhằn. Văn học không chỉ là câu chữ mà là trái tim. Người viết văn phải có một con tim nhân ái, lòng vị tha mới mong đem câu chữ chạm vào lòng người đọc. Hiện nay, ngoài một số gương mặt như Phan Thị Bích Nhàn, Nguyên Hậu, Phạm Thị Hà Tuyên, có rất ít các bạn trẻ tham gia viết văn cho Tạp chí Văn nghệ Phú Yên. Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên có CLB Sáng tác trẻ được xem là cái nôi ươm mầm những cây bút trẻ. Tôi mong ngày càng có nhiều bạn đam mê và nhiệt huyết với văn chương”.
TUYẾT DIỆU