Nhà thơ, dịch giả Triệu Lam Châu vốn là một kỹ sư địa chất, chuyên tìm kiếm các vật chất trầm tích trong lòng đất. Bước chân của nhà thơ dân tộc Tày này đã từng in dấu ở nhiều nơi: Việt Bắc, Tây Nguyên, Tuy Hòa... Miền đất nào cũng lắng đọng nhiều ân tình kỷ niệm nên đã tạo ra những lớp trầm tích văn hóa trong thơ ông.
Triệu Lam Châu luôn trân trọng, nâng niu bản sắc dân tộc mình. Bởi vậy, ta thấy văn hóa Tày thể hiện trong thơ ông rất đa dạng: văn hóa vật chất, phong tục tập quán, tư duy ngôn ngữ... Theo phong tục hỏi vợ, nhà trai phải dùng lối nói bóng bẩy để thăm dò ý nhà gái:
“Mé bước lên nhà sàn
Nhà bác có trái hồng chín mẩy
Như mặt trời trên rẫy
Xin nhượng lại cho tôi được chăng?”
Nhà gái cũng đáp lại bằng những từ ngữ giàu hình ảnh:
“Vâng, nhà có trái hồng đậu trên cành
Chưa có ai xin hái
Nay bác để ý tới
Tôi hân hạnh lắm thay”
Nét độc đáo trong lối tư duy của đồng bào dân tộc ít người đã tạo thành nét độc đáo của bài thơ Mé già hỏi vợ cho con.
Đợi bạn - Ảnh: D.T.X
Trong thời gian học tập ở Trường Đại học mỏ Lêningrat, chàng sinh viên địa chất Triệu Lam Châu có những bài thơ đầy ắp hình ảnh Nga:
Em ngâm anh nghe những lời thơ Puskin
Náo động cả vùng Xibia tháng Chạp
Gió núi ngang tàng miền Capcat
Lá phong vàng vời vợi sắc thu Nga
(Tìm thêm nửa mặt trời)
Năm 1976, Triệu Lam Châu trở về Việt
Ôi núi rừng sáng đẹp như mơ
Những vỉa đá triệu năm rồi thức đợi
Đến hôm nay chúng tôi mới tới (...)
Bao mạch ngầm sôi động trang thơ
Tác giả không chỉ “nghẹn lòng” trước “những sắc màu hồng hoang kỳ ảo” mà còn cảm động sâu sắc trước tấm lòng của đồng bào, đồng đội trong những tháng năm vất vả giữa núi rừng. Vì thế tập thơ Trăng sáng trên non ra đời với lời phụ đề “Kính tặng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên”. Tập thơ đoạt giải thưởng Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt
Từ khi rời Tây Nguyên về công tác tại Trường Địa chất Tuy Hòa, thơ Triệu Lam Châu lại bổ sung những sắc màu của “quê hương muôn quý ngàn yêu” này. Vẻ đẹp cổ kính của Nhạn Tháp ám ảnh nhà thơ cả trong giấc ngủ. Cho nên, nếu đêm nào “Tháp Chàm bỗng vắng trong mơ” thì:
Sáng mai mình cứ mãi ngỡ ngàng
Như đánh mất điều gì quý giá
Như không phải chính bản thân mình nữa
Chập chờn rung... chắp nối chiêm bao
Nhà thơ gốc Cao Bằng này diễn tả tình yêu với mảnh đất Phú Yên thật sâu sắc, cảm động!
Mặc dù có sự dung hợp nhiều sắc màu văn hóa trong quá trình giao lưu, nhưng Triệu Lam Châu rất có ý thức giữ gìn bản sắc Tày, đặc biệt là ngôn ngữ, bởi vì “Ngôn ngữ là linh hồn của dân tộc” (Hum-bôn). Phần lớn các tập thơ in riêng đều được ông dịch từ tiếng Tày sang tiếng Việt như: Hai rủng nưa phja (Trăng sáng trên non-1998), Coong fầy đông (Ngọn lửa rừng-1999), Dẳc khèn (Giọt khèn-2001), Đỏi nhằm nưa khau (Thầm hát trên đồi-2004). Đặc biệt, ông còn có tập thơ dịch từ tiếng Nga sang tiếng Tày là Đêm trắng (2002). Triệu Lam Châu luôn trăn trở tìm cách nâng cao thơ mình sao cho “vừa dân tộc vừa hiện đại”. Ông đã tìm được “lối đi riêng của thơ mình” bằng cách dùng “bút pháp giao thoa văn hóa”. Nhà thơ tưởng tượng ra việc mời các danh nhân văn hóa nước ngoài về thăm Việt
Mơ cùng sương núi chon von
Lại nghe sóng biển rập rờn chân mây
Lòng chia đôi ngả thế này
Làm sao trọn vẹn niềm say cõi mình
(Giọt khèn)
Thành công mà Triệu Lam Châu có được là nhờ biết phát huy những tinh hoa của dân tộc Tày, luôn có ý thức học hỏi để nâng cao tầm văn hóa và biết cố gắng tạo ra những nét riêng. Có người cho rằng, Triệu Lam Châu là một hiện tượng văn hóa của dân tộc Tày.
PHẠM NGỌC HIỀN