Ở buôn Dành A (xã Ea Bia) có già Ma Thơm (tên đầy đủ là K’sor Y Thia) nghệ nhân Êđê thuộc nhiều và hát sử thi hay nhất vùng đất phía tây Phú Yên. Để gặp Ma Thơm, tôi phải nhờ K’sor Y Thư, anh cán bộ trẻ của Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Sông Hinh làm “hướng dẫn viên” kiêm “phiên dịch”.
Ở tuổi xế chiều, Ma Thơm đau đáu lo mai này chẳng còn ai hát khan - Ảnh: PHÙNG HƯNG
Nhà Ma Thơm nằm ngay ở đầu buôn, nhà nhỏ lắm và cũng nghèo nàn, chỉ có dăm ché rượu cần để không lăn lóc bên bếp lửa. Mí Thơm (vợ của Ma Thơm) đang ngồi gọt mấy củ măng làm thức ăn cho bữa cơm trưa, còn già Ma Thơm đang ôm con bé H’Ngao, đứa cháu ngoại cút côi, ngồi bên bậu cửa. Ma Thơm người gầy gò, 62 mùa rẫy đã phủ đồi mồi lên làn da đen sạm nắng gió núi rừng. Có cảm giác ông giống như cái cây xà nu dai sức bám vào đá trên đỉnh núi mà sống. Bẩm sinh đôi mắt Ma Thơm đã bị lòa. Nhưng hình như Giàng lấy đi đôi mắt rồi trả cho ông một đôi tai biết nghe, cái đầu biết nhớ rất nhiều sử thi, để mỗi bận buôn làng mở hội đâm trâu hay khi sum họp trong nhà dài, ông lại hát khan cho lũ con cháu cùng nghe. Khan kể về cuộc chiến đấu của chàng Đam San trước thiên nhiên hoang dã, chuyện chàng Xinh Nhã bắt con beo, con gấu, chiến đấu với kẻ thù to và cả câu chuyện những cánh rừng già kéo dài tít tắp về phía hồ lớn (biển), ở giữa rừng có cây kơ nia vươn đến tận trời xanh, nơi con chim chơ rao thường bay về đậu…
“Ngày trẻ mình kể khan cho lũ làng nghe, còn việc nương rẫy, đi vào rừng lấy cái cột nhà, săn con thú… bọn thanh niên làm giúp hết. Mình không nhìn thấy cái đường mà... - Ma Thơm kể - Hồi mẹ chưa về với ông bà, mẹ hát khan hay lắm! Những bài Xinh Nhã, Đam San, Khinh Zú, Vahblim, Xinh Cníp… mẹ kể ngày này qua ngày khác, ta nhớ hết mới kể lại cho lũ làng nghe. Hồi cái chân còn khỏe, ta đi hát khan tận buôn Êđê trên Gia Lai kia, còn bên buôn Thu, buôn Đức, buôn Bầu, buôn Thinh… ở Ea Trol, Ea Bia ta đi hát hết rồi”. Nói rồi ông nhấp một ngụm rượu, bất chợt cả thân hình ông rung lên trong điệu khan Chinhcrí: “Uêđươi… uêđượi… em ơi, em ời, em đi đâu mà vui thế vậy?... Em đi tìm Chinhcrí để lấy anh làm chồng!...”. Nhìn sang K’so Y Thư, thấy người thanh niên Êđê này đang lắc lư theo điệu khan trầm bổng, tôi biết anh cũng bị Ma Thơm chinh phục.
Ban sáng, trên đường vào buôn Dành A, tôi hỏi K’sor Y Thư biết hát khan không. Anh bảo thích nhưng không nhớ được vì có trường ca kể 3 ngày, 3 đêm bên bếp lửa mới hết, dài lắm. K’sor Y Thư là một trong nhiều thanh niên Êđê ở đây được đi học dưới xuôi. Đẹp trai, hát hay, từng tham gia Đoàn ca múa nhạc Sao Biển, nhưng K’sor Y Thư chỉ hát được nhạc Tây Nguyên của Nguyễn Cường, Trần Tiến. Để hát được khan, còn phải học hỏi nhiều.
Già Ma Thơm bảo: Ở buôn Dành A, lũ thanh niên vẫn còn mê hát khan lắm, nhưng cũng chỉ có Ma Ung, Ma Tao, Ma Ơn là thường học hỏi, biết cũng không nhiều đâu. Chỉ tay qua con bé H’Ngao, ông nói: “Nó sáu tuổi, đang học cái chữ lớp 1, ta sẽ dạy nó biết khan như ta hồi nhỏ. Khan của cha ông truyền lại ngàn đời nay, phải yêu và có trí nhớ tốt mới thuộc được để hát lại cho con cháu nghe”.
Trước khi lên gặp già Ma Thơm, tôi ghé thăm nhà văn Y Điêng, người đã tìm hiểu và dịch nhiều sử thi của người Êđê ra tiếng phổ thông để in thành sách. Từ những năm 1960, khi còn là phóng viên của Đài tiếng nói Việt
Trong sử thi của người Êđê có con chim chơ rao, tương truyền đó là con chim mạnh mẽ, thông tuệ nhất của đại ngàn. Con chim biết tiếng người, thường bay khắp nơi kể cho buôn làng nghe những câu chuyện của núi rừng. Ma Thơm cũng như chim chơ rao, vẫn mải miết kể khan bên bếp lửa bập bùng. Nhưng rồi đây, khi con chim chơ rao cuối cùng mỏi cánh, trong những buôn làng xa xôi giữa đại ngàn kia liệu có còn vang lên những điệu khan?
PHÙNG HƯNG