Thứ Năm, 03/10/2024 05:23 SA
Tiến sĩ Đinh Quang Ngữ, Thứ trưởng Bộ Văn hoá – Thông tin:
Không cực đoan, áp đặt trong xóa bỏ hủ tục
Thứ Tư, 16/08/2006 08:57 SA

Văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số khu vực miền Trung –- Tây Nguyên bao gồm các giá trị tiêu biểu trong văn hoá vật thể và phi vật thể. Trong đó, có nhiều giá trị văn hoá cần được bảo tồn, phát huy trong giai đoạn hiện nay.  Tuy nhiên, vẫn còn những hủ tục lạc hậu, trở thành lực cản cần phải loại bỏ để xây dựng một nền văn hoá tiên tiến, mang đậm bản sắc dân tộc. Trao đổi với báo Phú Yên, Tiến sĩ Đinh Quang Ngữ, Thứ trưởng Bộ Văn hoá -–Thông tin (VHTT) nói:

 

Có thể khẳng định rằng, trong thời kỳ đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền Trung – Tây Nguyên đã được cải thiện, từng bước nâng cao nhưng so với bình quân chung của cả nước thì vẫn ở mức thấp. Trình độ dân trí rất không đồng đều, hiện tượng di dân tự do, hoạt động tôn giáo trái pháp luật vẫn đang là những thách thức gay gắt.

 

Trong khi đó, các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng chống phá ta. Văn hoá vật thể, văn hoá phi vật thể của bà con cũng chịu nhiều tác động và đang đứng trước nguy cơ phai nhạt mất dần bản sắc. Có những tộc người ở tình trạng có thể nói là lạc hậu  và đang suy thoái về nòi giống, quên lãng các giá trị về văn hoá. Thực tiễn này đặt ra cho chúng ta vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá gắn với bài trừ hủ tục lạc hậu sao cho thật hiệu quả để thúc đẩy văn hoá dân tộc phát triển, có nhiều đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội.

 

Thứ trưởng nhận định như thế nào về các hủ tục đang tồn tại trong vùng đồng bào dân tộc miền Trung – Tây Nguyên hiện nay?

 

060816-DQN.jpg

Thứ trưởng Bộ VHTT Đinh Quang Ngữ - Ảnh: THẠCH BÍCH

- Muốn phát triển văn hoá thì phải phân biệt rõ   ba yếu tố. Một là, những giá trị văn hoá tốt đẹp thì cần phải gìn giữ và phát huy. Hai là, những gì lạc hậu thì phải kiên quyết xoá bỏ. Cuối cùng, chúng ta phải biết tiếp thu những tinh hoa văn hoá mới của thời hội nhập toàn cầu để làm phong phú thêm nền văn hoá dân tộc. Thẳng thắn mà nói, hiện nay hủ tục vẫn còn và do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, chúng ta tập trung phá bỏ chưa nhiều

 

°Có thể qua cách nhìn của  người Kinh chúng ta, một tập tục nào đó của bà con  dân tộc thiểu số được xem  là hủ tục. Nhưng theo tập quán của đồng bào, đôi khi lại không hẳn là như  thế. Rõ ràng đây là một vấn đề rất phức tạp và nhạy cảm. Vậy, theo Thứ trưởng, phải có những giải pháp như thế nào để xử lý cho thật hài hoà và đảm bảo xoá bỏ hiệu quả các hủ tục?

 

- Việc xác định là hủ tục hay không cần phải hết sức cẩn trọng. Bởi vì, do phong tục tập quán khác nhau nên mỗi dân tộc lại có cách nhìn nhận cũng khác nhau. Tuy nhiên, cần phải thống nhất rằng, hủ tục là những yếu tố lỗi thời, trở thành lực cản cho quá trình phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Cách làm tối ưu nhất vẫn là phải thống kê cụ thể trong từng dân tộc phong tục nào là hủ tục. Từ  đó, cần kiên trì tuyên truyền vận động, đề ra  các biện pháp xoá bỏ sao cho không gây “sốc” mà được bà con vui vẻ, đồng tình hưởng ứng. Chúng ta không cực đoan, không  áp đặt và không áp dụng các biện pháp hành chính. Quan trọng nhất là phải làm  thế nào  để bà con xác định tư tưởng, thấy rõ lợi hại, tự tay xoá bỏ hủ tục chứ không phải cán bộ văn hóa thông tin hay Nhà nước đứng ra làm thay. Có như vậy thì  công cuộc đấu tranh với hủ tục mới đạt kết quả bền vững và sâu rộng.

 

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

THẠCH BÍCH (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek