Chủ Nhật, 02/02/2025 13:02 CH
“Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn và nhà Lý:
Nhiều điều kỳ lạ
Chủ Nhật, 10/10/2010 13:30 CH

Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn và nhà Lý có nhiều điều kỳ lạ như huyền thoại.

 

Trước hết, nói về “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn. Nghe nhiều người nói, “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn có 214 âm tiết (24 từ, chữ), ứng với 214 năm cai trị của nhà Lý. Tôi tò mò lục sách xem thử.

 

doido101010.jpg

“Chiếu dời đô” đặt tại vườn hoa Ba Đình - Hà Nội - Ảnh: Q.KHƯƠNG

 

Trong tay tôi có “Chiếu dời đô” bằng 3 thứ tiếng: bản tiếng Hán, bản tiếng Việt và bản tiếng Anh. Riêng bản tiếng Hán tôi có 2 bản.

 

Tôi đếm thử bản tiếng Việt thì nhiều hơn 214 âm tiết. Tôi đếm sang bản chữ tiếng Hán thì đúng 214 âm tiết (trong nội dung của Chiếu). Tựa đề “Chiếu dời đô” và tên tác giả Lý Công Uẩn chưa có trong 214 âm tiết này.

 

Bản chữ Hán thứ 1 có 14 cột, một cột có 6 âm tiết và 13 cột 16 âm tiết. Như thế là 13x16+6=214 âm tiết.

 

Bản thứ 2 có 7 cột; 1 cột 22 âm tiết và 6 cột 32 âm tiết. Như thế là 6x32+22=214 âm tiết.

Như vậy, rõ ràng “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn phần nội dung có 214 chữ (hay âm tiết) là chính xác.

 

Các bản tiếng Việt hay tiếng Anh, do phải làm rõ nghĩa nên nhiều hơn 214 âm tiết và chúng ta căn cứ vào bản chữ Hán là chính xác hơn cả.

 

Nhà Lý trị vì từ tháng 10 năm Kỷ Dậu (1009) và ngày 11 tháng Chạp năm Ất Dậu (1225), Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, như vậy là từ năm 1009-1225 là 216 năm.

 

Nếu tính đến Lý Huệ Tông (phụ hoàng của Lý Chiêu Hoàng) thì đúng 214 năm. Bởi vì tháng 10 năm Giáp Thân (1224), Lý Huệ Tông truyền ngôi cho Lý Chiêu Hoàng rồi đi tu. Nếu làm phép trừ 1224-1009 thì bằng 215 năm nhưng nếu tính năm tròn 360 ngày theo âm lịch thì từ tháng 10 năm Kỷ Dậu (1009) đến tháng 10 năm Giáp Thân (1224) thì tròn 214 năm tức là tròn 2.568 tháng. Hay nói cách khác, nếu tính từ lúc dời đô về Thăng Long (hoặc là lúc ban bố “Chiếu dời đô” vào năm Canh Tuất (1010)) thì nhà Lý trị vì 214 năm.

 

Viết “Chiếu dời đô” từ năm 1010, vậy mà số chữ (âm tiết) trong “Chiếu” lại trùng hợp với số năm trị vì vừa là điều kỳ lạ, vừa là điều kỳ diệu mà con cháu sau nghìn năm phải suy nghĩ!

 

Tiếp đến là mây bay từ lăng 8 vua Lý bay về đền Đô và rồng vàng lại xuất hiện tại đền Đô.

 

Đầu tiên là lúc 8g ngày 26/8/1998, tức là ngày mồng 5 tháng 7 năm Mậu Dần, đúng vào ngày giỗ của Lý Anh Tông. Khi bắt đầu lễ giỗ Lý Anh Tông, thì có những đám mây (trong ảnh thì đếm được 8 đám mây, màu trắng hiện từ khu Thọ Lăng Thiên Đức, cách đền Đô 1km bay về đền Đô. Ông Nguyễn Đức Thìn, Ủy viên Ban quản lý di tích đền Đô gọi hiện tượng này là “Bát Đế vân du”.

 

Thọ Lăng Thiên Đức là nơi yên nghỉ của 9 vua triều Lý (cả Lý Chiêu Hoàng) và Lý Thánh Mẫu Phạm Thị (mẹ của Lý Công Uẩn); Nguyên Phi Ỷ Lan. Lăng cũng thuộc làng Cổ Pháp xưa (nay là phường Đình Bảng, TX Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

 

Còn đền Đô, tức đền Cổ Pháp được Lý Thái Tổ xây dựng từ năm Kỷ Mùi (1019). Đền Đô vốn là Thái miếu của nhà Lý. Năm Mậu Thìn (1028). Khi Người băng hà, triều đình và thần dân thờ Người ở đây. Năm Canh Ngọ (1030), Lý Thái Tông cho tu bổ và đặt tên là Cổ Pháp điện. Nhân dân gọi là đền Đô. Các vua Lý mất đều thờ ở đây (trừ Lý Chiêu Hoàng, thờ ở đền Rồng, cũng ở Cổ Pháp). Đến đời Trần gọi là đền Lý Bát Đế.

 

Chưa hết, lúc 4g45 ngày 1/9/1998 (cũng năm 1998), nhằm ngày 11 tháng bảy năm Mậu Dần (sau việc mây từ Thọ Lăng bay về đền Đô 6 ngày), có một đám mây vàng, giống hình con rồng bay về đền Đô. Ông Nguyễn Đức Thìn, thành viên Ban quản lý di tích đền Đô gọi là “Hoàng Long linh hiện”. Việc này làm ta nhớ tới mùa thu năm 1010, khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La, thuyền đỗ dưới chân thành, có rồng vàng hiện ra ở thuyền Ngự bay lên và cái tên thành “Thăng Long” (rồng bay) là thế.

 

Các sự việc trên cho ta suy ra đền Đô rất huyền diệu, lạ kỳ và rất linh thiêng!

 

Về sự việc này, ngày 21/1/2009, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nói chuyện với nhân dân tại đền Đô, có đoạn: “Những sự tích và những đám mây ở đây rất là xúc động, rất linh thiêng. Nó báo hiệu một cái gì đó vừa lung linh trong truyền thống dân tộc mình, vừa sáng chói các triển vọng của non sông đất nước ta. Nó thể hiện một cái bề sâu và sự bền vững văn hóa Việt Nam ta...”.

 

Cuối cùng là về các lời sấm truyền và sự linh nghiệm của nó.

Ở Bắc Ninh có lưu truyền câu sấm: “Bao giờ rừng Báng hết cây, Tào Khuê cạn nước, Lý nay lại về”.

 

Lời sấm này không phải của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, ở thế kỷ XVI mà người ta nói rằng, của nhà sư Vạn Hạnh (?-1025). Những lời sấm vĩ và kiến thức phong thủy của ông, được nhà sử học Ngô Sĩ Liên cho rằng “kiến thức vượt người thường”. Chính vua Lý Nhân Tông sau này có làm bài thơ ca ngợi vị thiền sư có công nhất trong việc lập ra nhà Lý.

 

Thơ rằng:

 

Vạn Hạnh dung tam tế

Châu phù cổ sấm ký

Hương quan danh Cổ Pháp

Trụ tích trấn vương kỳ

Nguyễn Lang dịch:

Hành tung thấu triệt ba đời

Ngữ ngôn phù hợp muôn lời sấm xưa

Quê hương Cổ Pháp bây giờ

Dựng công tích trượng, kinh đô vững bền

 

Như vậy, chính Lý Nhân Tôn xác nhận, mỗi câu nhà sư Vạn Hạnh nói như một lời sấm truyền.

Đầu tiên là năm 1994, giếng cổ đền Đô cạn nước; người ta tìm thấy bộ đồ thờ chôn vùi trong giếng gồm 1 lư hương, 2 con hạc và một cái chiêng (tất cả đều bằng đồng).

 

Tiếp đến, vào lúc 11g 45, ngày 18/5/1994, một người Hàn Quốc tự giới thiệu là Lý Xương Căn, hậu duệ đời thứ 31 của Lý Thái Tổ, hậu duệ thứ 26 của Hoàng Thúc Lý Long Tường (là con vua Anh Tông em của Cao Tông và là chú của Huệ Tông), theo gia phả tìm về cố hương, đến đền Đô lễ Lý Bát Đế.

 

Hai việc trên phù hợp với lời sấm xưa:

 

“Bao giờ rừng Báng hết cây

Tào Khê cạn nước Lý nay lại về”.

 

Chỉ mấy việc trên, đủ thấy, điều kỳ lạ, linh thiêng của triều Lý, triều đại khai sinh ra Thăng Long - Hà Nội ngày nay!

 

TRẦN KHẮC LUYỆN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek