Trong ngày thứ 9 của Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, bờ hồ Gươm lại trở nên náo nhiệt khi có sự xuất hiện của đoàn đua xe đạp xuyên Việt và các sân khấu ngoài trời ở thủ đô tràn ngập những sắc màu văn hóa của bạn bè quốc tế.
CÁC CUA-RƠ VỀ ĐẾN HỒ GƯƠM
Cuộc đua xe đạp chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã kết thúc chặng cuối cùng vòng quanh bờ hồ Gươm vào sáng qua (9/10).
Các cua-rơ tranh tài trong sự cổ vũ của du khách ở hai bên đường.
Cuộc đua này là sự kiện thể thao lớn, khai mạc vào 23/9 tại TP Hồ Chí Minh, đúng vào ngày kỷ niệm Nam bộ kháng chiến, với 13 chặng đua và 3 vòng đua tính điểm, trải dọc suốt chiều dài đất nước từ TP Hồ Chí Minh đến Hà Nội. Đoàn đua về Thủ đô đúng vào dịp Đại lễ và thi đấu tính điểm cuối cùng chặng đua 18 vòng quanh hồ Gươm dài 30,6 km để xác định áo vàng xuất sắc của giải.
Kết quả chung cuộc, Ban tổ chức đã trao chiếc Áo vàng danh giá cho VĐV Mai Nguyễn Hưng, đội Bảo vệ thực vật Sài Gòn I; trao Áo xanh cho VĐV Bùi Minh Thụy, đội ADC Truyền hình Vĩnh Long I; trao Áo đỏ “Vua leo đèo” cho VĐV Lê Văn Duẩn, đội Bảo vệ thực vật Sài Gòn I; Áo trắng dành cho VĐV trẻ xuất sắc nhất được trao cho VĐV Nguyễn Tấn Hoài (SN 1992), đội Domesco Đồng Tháp.
Giải nhất tập thể thuộc về đội Bảo vệ thực vật Sài Gòn I; Đội Domesco Đồng Tháp nhận giải nhì và đội Bảo vệ thực vật An Giang được trao giải ba.
Cuộc đua xe đạp quốc tế xuyên Việt lần này còn là dịp để các vận động viên, đặc biệt là các vận động viên trong đội tuyển quốc qia có dịp nâng cao trình độ trước thềm ASIAD 16.
NHỮNG SẮC MÀU NGHỆ THUẬT
20g00 tối qua, tại các sân khấu ngoài trời ở Thủ đô Hà Nội, các đoàn nghệ thuật quốc tế biểu diễn những tiết mục độc đáo, góp thêm những sắc màu âm nhạc, văn hóa vào không gian của Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội, cho biết: Có hơn 20 thủ đô, thành phố trên thế giới cử các đoàn nghệ thuật đến Hà Nội tham dự Đại lễ và giao lưu văn hóa. Các đoàn nghệ thuật quốc tế đã mang đến Đại lễ những hoạt động văn hóa, nghệ thuật phong phú, đặc sắc. Đó là những vũ điệu Latin rộn ràng, hoang dã với tiếng trống của thổ dân Nam Phi; những làn điệu dân ca Palestin độc đáo; là chương trình nhạc cổ điển sang trọng của các nghệ sĩ đến từThủ đô Berlin (Đức); là chương trình múa rối mang tên Những người vun trồng giấc mơ - quà tặng của những người bạn Pháp…
Biểu diễn trước giờ khai mạc.
Khán giả Thủ đô và du khách từ khắp nơi có một đêm hòa mình vào tưng bừng âm nhạc của bạn bè quốc tế.
KHÁNH THÀNH HAI CÔNG TRÌNH
Vào lúc 7g45 sáng nay (10/10), lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội được tổ chức long trọng tại Quảng Trường Ba Đình và truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Đây là lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, nhằm biểu dương lực lượng, những thành tựu to lớn của thủ đô và đất nước trải qua 1.000 năm xây dựng và phát triển, qua đó giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống cách mạng, truyền thống lịch sử của Thủ đô văn hiến, anh hùng, Thành phố vì hòa bình. Kết thúc chương trình mít tinh, diễu binh, diễu hành, 1.000 thiếu nhi thả bong bóng bay và chim bồ câu lên trời
Sáng qua, UBND TP Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức lễ khánh thành và gắn biển công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội cho rạp Đại Nam (số 89 phố Huế).
Công trình rạp Đại Nam được xây dựng lại thành hệ thống rạp đa năng, với tổng kinh phí đầu tư là 96 tỉ đồng, được khởi công từ tháng 5/2009. Đến nay, toàn bộ công trình đã hoàn thành với quy mô 5 tầng nổi và 2 tầng hầm, trong đó có phòng biểu diễn đa năng gồm 409 chỗ ngồi, khu dịch vụ đa năng, sảnh đón tiếp kết hợp trưng bày, triển lãm, khu kỹ thuật phụ trợ...
Cùng thời điểm, lễ thông xe gói thầu 3A (cầu cạn Pháp Vân) đã được Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông - Vận tải) tổ chức. Gói thầu 3A, xây dựng cầu cạn Pháp Vân dài hơn 2,3km; tổng mức đầu tư 993 tỉ đồng do Liên danh Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) và Tổng công ty Xây dựng Thăng Long thi công. Hệ thống cầu cạn gồm 144 trụ bê tông cốt thép có móng là cọc khoan nhồi đường kính 1,2m. Kết cấu phần trên gồm 807 phiến dầm bê tông cốt thép dự ứng lực hình chữ I dài từ 28-33m và nhịp dầm hộp vượt đường Giải Phóng dài 50m. Cầu gồm 6 làn xe cơ giới, bảo đảm cho phương tiện đi lại với vận tốc 80km/h.
Việc hoàn thành và thông xe gói thầu 3A không chỉ có ý nghĩa đặc biệt chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội mà còn góp phần nối thông đường vành đai 3 với cầu Thanh Trì, giải tỏa ùn tắc giao thông tại khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của TP Hà Nội và các tỉnh lân cận.
YÊN LAN (tổng hợp)