Chủ Nhật, 02/02/2025 19:53 CH
Để công tác phát hành, quảng bá phim đạt hiệu quả cao hơn
Chủ Nhật, 03/10/2010 18:20 CH

Sau khi chuyển đổi từ kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường, xóa bỏ độc quyền trong sản xuất, phát hành và phổ biến phim, việc xã hội hóa hoạt động điện ảnh đã đem lại những kết quả nhất định.

 

xemphim6101003.jpg

Đội lưu động 35 ly (Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Phú Yên) chuẩn bị chiếu phim phục vụ người dân xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh)   - Ảnh: H.CHƯƠNG

 

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này cũng đã ảnh hưởng đến hoạt động điện ảnh của các tỉnh. Công ty điện ảnh các tỉnh – trong đó có Phú Yên - từ chỗ chiếm lĩnh thị trường với mạng lưới hàng chục cửa hàng dịch vụ kinh doanh băng đĩa, hệ thống rạp chiếu phim luôn đông khách với trên 2 suất chiếu/ngày, kinh doanh bảo toàn được vốn và có đóng góp cho ngân sách địa phương, đã gặp nhiều khó khăn. Hệ thống cửa hàng băng đĩa không còn, phim chiếu tại rạp không thu hút người xem do không có nguồn phim kịp thời; các rạp chiếu ngày càng cũ kỹ, chưa được đầu tư nâng cấp để tạo sự thoải mái cho người xem. Bên cạnh đó, truyền hình, truyền hình cáp phát sóng thường xuyên, liên tục chiếu phim Việt Nam và nước ngoài. Nhiều bộ phim đã được phát trên truyền hình trước khi phim nhựa của các công ty điện ảnh phát hành đến hệ thống rạp.

 

Công tác phát hành phim và chiếu phim gặp khó khăn do không chủ động được nguồn phim cả về số lượng, chất lượng, thời gian nhận phim và quảng bá phim sẽ chiếu tại rạp. Phim có chất lượng tốt, hấp dẫn, có khả năng thu hút người xem không được phổ biến kịp thời (thông thường chậm trên 2 tháng), khi đến được rạp thì đã có đĩa in sang bán tràn lan trên thị trường. Do đó, dẫn đến nhiều hệ quả như doanh thu rạp thấp, mất lao động có tay nghề chuyên môn, rạp không có vốn đầu tư nâng cấp…

 

Vì sao như vậy? Nguyên nhân là quản lý Nhà nước trong lĩnh vực phát hành và phổ biến phim chưa đủ mạnh, để cho việc in sang băng đĩa lậu còn phổ biến trên thị trường. Đồng thời, chưa định hướng cho công tác xuất nhập khẩu cũng như sản xuất phim, phân bố thời lượng, thời gian chiếu phim trên các kênh truyền hình làm ảnh hưởng đến chiếu phim tại rạp. Đơn vị phát hành phim chủ lực của Nhà nước (Fafim) đã mất vai trò điều tiết nguồn phim bao gồm phim nhập khẩu và phim từ các nhà sản xuất trong nước. Trong khi đó, thực tế đã có biểu hiện thao túng trong việc phát hành và phổ biến phim ở một số công ty có thế mạnh về tài chính và nhân lực. Sản xuất phim trong nước không đủ cả về số lượng phim và số bản phim để phát hành đồng loạt ra hệ thống rạp trên toàn quốc một cách thường xuyên mà chỉ tập trung chủ yếu vào dịp tết. Hệ thống rạp chiếu phim xuống cấp chưa được đầu tư cải tạo để đem đến sự thoải mái cho người xem trong điều kiện xã hội đã có bước phát triển cao.

 

Để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác phát hành phim, cần tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước trên lĩnh vực phát hành và phổ biến phim, đặc biệt là công tác chống in sang phim lậu, đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh của các nhà sản xuất, nhập khẩu. Nhà nước tham gia quản lý trong sản xuất, phát hành và phổ biến phim, chống lũng đoạn, độc quyền trong phát hành, phổ biến phim; đồng thời tăng cường chức năng của Fafim, tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa Fafim với các nhà sản xuất, nhập khẩu phim, tiến đến Fafim phải là cơ quan tham gia định hướng sản xuất và nhập khẩu phim phù hợp với thị hiếu người xem để có thể đặt hàng và phát hành cho hệ thống rạp chiếu phim trong cả nước. Cần thành lập một tổ chức (hội hoặc hiệp hội Phim Việt Nam) để bảo vệ quyền lợi chung trong hoạt động điện ảnh, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà sản xuất, phát hành và phổ biến phim. Nhà nước cần có chính sách đầu tư phát triển điện ảnh, đặc biệt là cơ sở sản xuất và phổ biến phim; đầu tư cho hoạt động chiếu bóng lưu động một cách đồng bộ, từ thiết bị chiếu phim, phương tiện vận chuyển đến đảm bảo thường xuyên nguồn phim nhựa. Có làm được như vậy mới thiết thực góp phần vực dậy nền điện ảnh thông qua công tác phát hành và phổ biến phim trong giai đoạn hiện nay, đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ điện ảnh của nhân dân trong tình hình mới.

 

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nền kinh tế Phú Yên đã có sự tăng trưởng khá, đời sống của nhân dân ngày càng phát triển nên nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao, trong đó, hưởng thụ nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng là một nhu cầu tất yếu. Được sự quan tâm của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XVII sẽ được tổ chức tại Phú Yên vào năm 2011. Đây là tiền đề quan trọng và thuận lợi để đánh thức tiềm năng và góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng trong công tác phát hành, phổ biến, quảng bá phim trên địa bàn tỉnh thời gian tới.

 

VÕ XUÂN THỐNG

Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Phú Yên

               

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Vĩnh biệt giọng ca đại ngàn Tây Nguyên!
Thứ Bảy, 02/10/2010 16:25 CH
Hai tác phẩm độc đáo của Phú Yên
Thứ Sáu, 01/10/2010 13:30 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek