Chiều ngày 1/10, Nghệ sĩ nhân dân Y Moan - tiếng hát rực lửa của núi rừng Tây Nguyên đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 15g25, sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư.
Cố Nghệ sĩ nhân dân Y Moan
Nhiều người đã đến để chia sẻ với nỗi đau lớn của gia đình và nỗi mất mát to lớn của âm nhạc Tây Nguyên, trong đó có nhạc sĩ Linh Nga Niê K’Đăm. Vào khoảng 20g cùng ngày, gian chính của căn nhà ông - nơi ông nằm đó - đã có rất đông người thân, bà con trong buôn đến tiễn biệt. Trong căn phòng chưa đầy 20m2, rất đông các mế, các mí (các bà, các mẹ) trong buôn quây quần xung quanh Y Moan và khóc thương. Bà Nguyễn Thị Ngẫu, vợ ca sĩ Y Moan lục những quần áo, kỷ vật của ông tại phòng ngủ trong ngập tràn nước mắt. Y Vol, Y Garia - hai người con trai, cũng là hai nghệ sĩ hát cùng ông - cũng túc trực bên ông khi ông qua đời.
Con trai của Nghệ sĩ nhân dân Y Moan, anh Y Garia, tâm sự: "Từ sau live show tại thủ đô, cha tôi đã rất hạnh phúc nhưng sức khỏe yếu hẳn đi. Gia đình cũng đã cố gắng tìm nhiều bài thuốc quý của buôn làng để chữa cho cha nhưng vẫn không tiến triển. Vừa qua, được nhận danh hiệu cao quý, cha rất mừng, buôn làng cũng rất hãnh diện nhưng sức khỏe của cha cũng không hồi phục nổi, mấy hôm nay cha rất yếu, mặc dù được tiêm nhiều thuốc nhưng cha vẫn ra đi".
Dự liệu được cái chết của ông, nhưng bạn bè không tránh khỏi cảm giác sửng sốt. Lễ viếng Nghệ sĩ nhân dân Y Moan bắt đầu từ sáng nay (2/10), tại TP Buôn Ma Thuột. Tang lễ của ông diễn ra vào 7g30 ngày 5/10.
Nghệ sĩ nhân dân Y Moan tên thật là Y Bliêo, sinh ngày 6/9/1957, trong một gia đình nông dân dân tộc Ê Ðê ở buôn M’Ðrắk (nay là huyện M’Ðrắk, Ðắk Lắk). Do chiến tranh nên gia đình ông đã chuyển lên TP Buôn Ma Thuột sinh sống cho tới nay.
Ðầu năm 1981, nhạc sĩ Nguyễn Cường được Sở Văn hóa - Thông tin Ðăk Lăk mời vào để sáng tác các ca khúc cho tỉnh và đây cũng được coi như một bước ngoặt lớn đưa sự nghiệp của Y Moan - lúc này đang sinh hoạt trong đoàn văn công của tỉnh - lên đến đỉnh cao.
Những ca khúc của Nguyễn Cường được Y Moan biểu diễn rất thành công như Ơi M’Ðrắk, Ly cà phê Ban Mê, Anh muốn sống bên em trọn đời... Tên tuổi của ông được khẳng định từ đây, không chỉ trong phạm vi cộng đồng các buôn làng Tây nguyên mà còn đưa Tây nguyên đến với công chúng cả nước và bạn bè quốc tế. Mỗi lần nghe ca sĩ Y Moan hát, người ta như thấy một ngọn lửa cao nguyên đang hừng hực cháy. Với Y Moan, đã hát là "cháy" hết mình.
Trong suốt cuộc đời ca hát, ca sĩ Y Moan đã giành được nhiều thành tích và các giải thưởng danh giá: năm 1997 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, năm 2000 được Bộ Văn hóa - Thông tin tặng huy chương Vì sự nghiệp văn hóa Việt
Để chuẩn bị cho liveshow, gia đình cũng như toàn thể ê kíp thực hiện chương trình chuẩn bị tinh thần cho những tình huống xấu nhất. Hai bác sĩ luôn túc trực bên cánh gà cùng với xe cấp cứu luôn ở tình trạng sẵn sàng, nhưng rất may không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra.
Trong đêm biểu diễn này, với cây đàn ghi ta quen thuộc, Y Moan đã hát đơn ca, song ca và hợp ca đến gần 10 ca khúc. Thế mới biết căn bệnh ung thư quái ác chỉ có thể tàn phá sức khỏe của Y Moan chứ không thể dập tắt được ngọn lửa âm nhạc mãnh liệt trong ông. Vẫn là những bài hát quen thuộc như Giấc mơ Chapi, Ơi M’Drak, Ngọn lửa cao nguyên, Thênh thênh Oh’ ơi, Tango Ê đê.. nhưng đêm đó Y Moan vượt qua những cơn đau, vượt qua ranh giới nghiệt ngã sống - chết để hát hết mình, hát như thể muốn "đốt cháy" một đêm duy nhất nữa rồi thôi.
Đêm nhạc thành công ngoài mong đợi. Chàng “Đam San” của núi rừng đã bất chấp căn bệnh đang hoành hành cống hiến cho khán giả thủ đô một đêm nhạc tưng bừng để rồi sau đó phải nhập viện.
Sự nghiệp âm nhạc của Y Moan chỉ kịp gói gọn trong live show Ngọn lửa cao nguyên và DVD Trở về buôn làng xưa - hai sản phẩm âm nhạc của riêng ông, đều do gia đình và đồng nghiệp giúp thực hiện. Ra đi, Y Moan còn mang theo một dự định dở dang - live show ngay trên Tây Nguyên đại ngàn để ông được hát tại quê hương.
Y.LAN (tổng hợp)